Chuyển đổi số logistics cần được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong quá trình số hóa để các doanh nghiệp có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường…
Với mục tiêu góp phần hỗ trợ doanh nghiệp ngành logistics tìm hiểu và áp dụng các giải pháp chuyển đổi số tiên tiến để tối ưu hóa quy trình, nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng dịch vụ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Khu vực TP. HCM (VCCI-HCM) phối hợp với Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HD Bank) tổ chức Hội thảo “Các giải pháp chuyển đổi số dành cho doanh nghiệp ngành logistics”.
Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc VCCI-HCM Trần Ngọc Liêm cho biết, chuyển đổi số logistics là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Là một trong những ngành then chốt, logistics cần được đầu tư kỹ lưỡng, nhất là chuyển đổi số để có thể thích nghi với bối cảnh thị trường, giảm chi phí, giảm phát thải carbon, xả thải bao bì gây ô nhiễm môi trường qua tối ưu lộ trình vận chuyển dựa trên ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt, chuyển đổi số cũng sẽ là chất xúc tác góp phần chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp logistics phát triển bền vững.
Theo Giám đốc VCCI-HCM Trần Ngọc Liêm, một trong những nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ là nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong quản lý, vận hành, đào tạo về chuỗi cung ứng nhằm đạt chất lượng dịch vụ logistics cao hơn. Bên cạnh đó, theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước.
Ông cho rằng, tại Việt Nam, mặc dù đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong ngành logistics để nâng cao hiệu suất, cải thiện chất lượng, đồng thời đảm bảo hiệu quả của chuỗi cung ứng nhưng doanh nghiệp còn lúng túng trong việc áp dụng mô hình này. Cụ thể như, việc thị trường có quá nhiều phần mềm số hóa, không tạo ra hệ sinh thái sẽ khiến ngành logistics phân mảnh, rời rạc, thiếu sự liên kết sâu và rộng. Cùng với đó, tiềm lực tài chính là một trong những thách thức trong chuyển đổi số logistics tại Việt Nam hiện nay khi phần lớn doanh nghiệp logistics của Việt Nam có quy mô nhỏ, hạn chế về vốn và công nghệ cũng như năng lực hoạt động ở thị trường quốc tế.
Thực tế hiện nay, ngành dịch vụ logistics vẫn đang là lĩnh vực non trẻ tại Việt Nam, phải đối mặt với nhiều hạn chế như các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng tập trung vào số lượng hơn là chất lượng khi hầu hết cơ sở cảng đều có quy mô nhỏ và không được xây dựng theo nhu cầu công nghiệp. Các cảng và khu công nghiệp thường tách biệt khiến việc kết hợp cơ sở hạ tầng trở nên khó khăn,…
Do đó, Giám đốc VCCI-HCM Trần Ngọc Liêm cho rằng, chuyển đổi số logistics cần được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong quá trình số hóa để các doanh nghiệp có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác, đồng thời đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số logistics, tăng năng lực kết nối của Việt Nam.
“Để thích nghi với chiến lược chuyển đổi số, hiện nay nhiều doanh nghiệp logistics đã công bố lộ trình chuyển đổi số nhằm thúc đẩy hiệu quả, sự bền vững của ngành logistics, nâng cao tốc độ vận chuyển hàng hóa cũng như cải thiện dòng chảy thương mại thông qua việc ứng dụng các tiến bộ công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo”, Giám đốc VCCI-HCM Trần Ngọc Liêm chia sẻ.
Đồng thời, ông cũng cho rằng, trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp ngành logistics nói riêng luôn phải đổi mới sáng tạo và năng động để tìm ra các giải pháp thích nghi hướng tới phát triển kinh doanh bền vững.
Đánh giá về chuyển đổi số trong ngành logistics tại Việt Nam, bà Võ Thị Phương Lan – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, dự báo quy mô thị trường chuyển đổi số châu Á đến năm 2026 sẽ đạt xấp xỉ 2,5 tỷ USD. Tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam đến 2025 với tốc độ tăng trưởng đạt 14-18%/năm của ngành logistics,dự kiến tốc độ tăng trưởng chuyển đổi số bình quân tăng 20%/năm.
Theo bà Lan, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logistics là một trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ là ‘‘Nghiên cứu, ứngdụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số trong dịch vụlogistics’’.
Tuy nhiên, bà Lan cho rằng, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong ngành Logistics vẫn còn mang tính rời rạc, ít chia sẻ dữ liệu lẫn nhau. Tại TP.HCM chưa có trung tâm ứng dụng CNTT trong Logistics.
“Việc ứng dụng bản đồ số Logistics (Digital map) cũng chưa thiết lập được bản đồ số Logistics riêng biệt. Do đó, mục tiêu năm 2025 cần hoàn thành thiết lập bản đồ số Logistics, kho dữ liệu tập trung, tạo ra các nền tảng số kết nối dịch vụ vận tải đa phương thức”, bà Lan đánh giá.
Đánh giá về thực trạng chuyển đổi số trong ngành logistics tại TP.HCM, Phó Chủ tịch VLA Võ Thị Phương Lan cho rằng, hiện nay chưa có mô hình mẫu nào cho tất cả các doanh nghiệp. Có khoảng 40% doanh nghiệp dịch vụ logistics đang ứng dụng các loại hình công nghệ.
Theo bà Võ Thị Phương Lan, nguyên nhân chính là do thiếu đầu tư vào công nghệ hạ tầng; nhân lực chưa quen với công nghệ số, quy trình phức tạp, khó khăn trong việc lựa chọn và áp dụng công nghệ và thiếu sự hợp tác và đồng bộ giữa các doanh nghiệp.
Từ đó, bà nêu ra một số giải pháp giúp các doanh nghiệp logistics chuyển đổi số đạt hiệu quả như: thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, cắt giảm chi phí từ việc chuyển đổi số, quyết tâm từ lãnh đạo, hỗ trợ tài chính nguồn vốn để doanh nghiệp phát triển công nghệ, thúc đẩy hợp tác với đối tác nước ngoài, và tìm kiếm nhà cung cấp phù hợp.
“Chuyển đổi số không chỉ là một chiến lược kinh doanh mà còn là một tư duy xuyên suốt mọi cấp bậc. Mỗi nhân viên của doanh nghiệp cần được khuyến khích rèn luyện tư duy số. Đối với nguồn nhân lực, cần lựa chọn nhân sự có kiến thức và nhạy bén với ứng dụng công nghệ để xây dựng ý tưởng, phối hợp với nhà cung cấp công nghệ lập kế hoạch. Đồng thời, thực hiện đồng bộ chuyển đổi nội bộ ở tất cả các bộ phận trong doanh nghiệp và mạnh dạn áp dụng mô hình chuyển đổi số tiên tiến”, bà Võ Thị Phương Lan chia sẻ thêm.
Chia sẻ về các giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp ngành logistics, bà Đỗ Thị Mộng Thường, Khối khách hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng HDBank cho biết, trong quá trình hợp tác với các doanh nghiệp, HDBank đã thấu hiểu được những thuận lợi cũng như những khó khăn của các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp trong ngành logistics. Từ đó, HDBank đã xây dựng các giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí trong quá trình chuyển đổi số.
Theo đó, ngân hàng sẽ đáp ứng nguồn vốn kịp thời thông qua giải pháp hỗ trợ vốn trực tiếp. Đối với giải pháp này, các doanh nghiệp sẽ được chủ động thanh toán trực tiếp cho tất cả các đối tác, khách hàng của mình và sẽ gửi những chứng từ sau cho ngân hàng theo định kỳ. Giải pháp này giúp các doanh nghiệp linh hoạt trong việc thanh toán.
Đối với giải pháp này, các doanh nghiệp sẽ được cấp hạn mức lên đến 10 tỷ đồng và việc giải ngân, thanh toán hay việc tối ưu hóa dòng tiền của doanh nghiệp sẽ được linh động cũng như trả nợ tương ứng tại chính doanh nghiệp của mình. Qua đó, giúp doanh nghiệp quản trị dòng tiền tốt hơn. Đồng thời giảm thiểu rủi ro trong thanh toán và không phụ thuộc vào việc cung cấp hồ sơ cho ngân hàng.
Về tài trợ chuỗi cung ứng, bà Thường cho biết, HDBank là một trong những ngân hàng tiên phong và đang là một trong những ngân hàng dẫn đầu về việc tài trợ chuỗi cung ứng. HDBank cung cấp giải pháp này nhằm giúp cho các doanh nghiệp đầu mối, bao gồm các nhà cung cấp hay các nhà phân phối đều được hưởng lợi từ chính sách này.
“Chúng tôi cũng sẽ ưu đãi cho các khách hàng doanh nghiệp bao gồm các nhà cung cấp, hệ sinh thái của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Đồng thời, chúng tôi sẽ đảm bảo quá trình thực hiện xuyên suốt, nhất quán, qua đó, chia sẻ rủi ro cho chính các doanh nghiệp thông qua việc tài trợ cho các kênh phân phối đó cho đến việc cung cấp nguồn tiền ứng trước cho các nhà cung cấp, giúp các nhà cung cấp có được nguồn vốn tốt hơn, và giúp các doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong quá trình thanh toán”, đại diện HDBank chia sẻ.