Đây là đề xuất của Hiệp hội Du lịch Quảng Nam tại buổi gặp gỡ ký kết liên kết, hợp tác giữa 3 tỉnh thành Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, mới đây.
>>“Gỡ vướng” du lịch xanh Quảng Nam
Du lịch xanh, xu thế mới của ngành du lịch đang ngày càng được lựa chọn. Để chuyển đổi hoàn toàn mô hình du lịch xanh, các địa phương, doanh nghiệp đang đẩy mạnh liên kết để cùng thay đổi, phát triển.
Sự liên kết, hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp, Đà Nẵng, Quang Nam và Thừa Thiên - Huế đã được thể hiện bằng một văn bản hợp tác cụ thể. Trong đó chú trọng việc xây dựng các chương trình tour du lịch gắn với các điểm du lịch xanh nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Với lợi thể là địa phương đầu tiên ban hành Bộ tiêu chí Du lịch xanh, tỉnh Quảng Nam đã vận động doanh nghiệp tham gia chuyển đổi định hướng, sản phẩm, dịch vụ từ mô hình hiện tại sang du lịch xanh. Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch Quảng Nam thông tin, Quảng Nam đã ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh đầu tiên của Việt Nam trên 6 lĩnh vực gồm khách sạn, khu nghỉ dưỡng, homestay, doanh nghiệp lữ hành, điểm du lịch dựa vào cộng đồng và điểm tham quan.
Với sức hút của địa phương, lượt khách tham quan, lưu trú du lịch 6 tháng đầu năm 2023 của Quảng Nam đã đạt hơn 4,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt gần 2,1 triệu lượt khách, khách nội địa đạt hơn 2,4 triệu lượt khách. “Để phát huy tiềm năng du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch mới theo hướng xanh, bền vững, Quảng Nam đang nỗ lực có thêm những sợi dây liên kết với các doanh nghiệp, địa phương khác để phát triển sản phẩm du lịch xanh tạo thành tour du lịch xanh thuần túy, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch phù hợp với xu hướng du lịch hiện tại và tương lai.” ông Hồng nói.
Cùng chung ý tưởng, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phúc cho rằng, địa phương đang có một nền tảng vững chắc để phát triển du lịch xanh theo hướng bền vững trong những năm gần đây. Thừa Thiên – Huế đã định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, một trong những trung tâm lớn, đặc sắc về du lịch của cả nước và trên thế giới.
“Để thu hút du khách trong thời gian khó khăn vừa qua, ngành du lịch Thừa Thiên - Huế đã xây dựng các gói sản phẩm du lịch hấp dẫn, nhất là tập trung vào chủ đề du lịch xanh như nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch kết hợp khám chữa bệnh, các tour du lịch với tiêu chí xanh - bền vững liên kết cả khu vực”, ông Phúc chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng thông tin, bên cạnh các sản phẩm du lịch hiện đại, việc xây dựng và phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới cũng được TP Đà Nẵng quan tâm. Ông Bình nhấn mạnh, Đà Nẵng đã xác định rằng, một trong những hướng đi quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế, các địa phương cần liên kết với nhau để khai thác tài nguyên, phát triển sản phẩm du lịch theo nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ tài nguyên tự nhiên, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch thân thiện với môi trường.
Ông Phục lưu ý, các doanh nghiệp và địa phương cần ứng dụng chuyển đổi số vào quản lý phát triển du lịch xanh, chú ý đến quản lý sức chứa của các điểm, khu du lịch, chú trọng đẩy mạnh chất lượng và nhân rộng mô hình hoạt động hiệu quả của các điểm đến du lịch. Ngoài ra, các đơn vị cần thực hiện khảo sát đánh giá các thị trường khách quan tâm đến du lịch xanh, thói quen chi tiêu của khách nhằm xây dựng các sản phẩm dịch vụ xanh có khả năng thu hút các nguồn khách.
“Các doanh nghiệp du lịch tại các địa phương cũng cần mở rộng mạng lưới kết nối, hợp tác chặt chẽ với nhau, xây dựng sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, thân thiện với môi trường. Nghiên cứu xây dựng, phát triển các tour, sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch thể thao,… các hoạt động tham quan, khám phá biển đảo, đảm bảo nguyên tắc phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử một cách bền vững và chia sẻ lợi ích với cộng đồng”, ông Phúc đề xuất.
Trong khi đó, ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, với việc ký kết hợp tác giữa 3 Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam vừa qua sẽ giúp kết nối và xây dựng một cộng đồng gồm những doanh nghiệp quan tâm đến hướng phát triển du lịch bền vững, giúp hỗ trợ thông tin để các địa phương xây dựng sản phẩm và tiếp cận khách hàng. Đặc biệt, ông Thanh cũng đề xuất đến việc hình thành Con đường du lịch xanh miền Trung, song hành với Con đường di sản miền Trung đã được nhiều du khách biết đến.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Thiên Tư, Giám đốc Công ty TNHH V.E.I Travel cho rằng, cần liên kết bền chặt giữa chính quyền – doanh nghiệp – người dân bằng hành động cụ thể. Trong đó, chính quyền sẽ tạo cơ chế hỗ trợ, doanh nghiệp tạo sản phẩm và người dân cùng đồng hành thực hiện trên công thức “có trách nhiệm”. Như vậy, tất cả đều cùng có lợi và ngành du lịch tại các địa phương sẽ phát triển bền vững và theo đúng hướng du lịch xanh.
Có thể bạn quan tâm