Một nhà tư tưởng khác mà Edward Said, một trong những người đặt nền móng cho lĩnh vực nghiên cứu thuộc địa tuyên bố ông phải chịu ơn là Antonio Gramsci với khái niệm “bá quyền văn hoá”.
>>Hồ Chí Minh và những đóng góp to lớn cho ngành nghiên cứu thuộc địa (Bài 1)
Bác Hồ tại Đại hội Tours năm 1920. Ảnh: T.L
Trong những bài viết khi bị chính quyền phát xít giam giữ (1926 -1933), về sau in thành tuyển tập Quaderni del Carcere (Sổ tay trong tù), Gramsci lập luận rằng giai cấp thống trị kiểm soát và áp bức giai cấp bị trị không chỉ bằng vũ lực của bộ máy nhà nước, mà còn bằng những thiết chế văn hóa, tinh thần để làm cho giai cấp bị trị tự nguyện chấp nhận sự thống trị ấy.
Said đã phát triển ý tưởng của Gramsci: “[…] có thể chỉ ra rằng cấu phần chủ yếu của văn hoá châu Âu chính là cái ý tưởng đã làm cho nền văn hoá ấy trở thành bá chủ cả bên trong và bên ngoài châu Âu: ý tưởng rằng bản sắc châu Âu là thượng đẳng so với tất cả các dân tộc và nền văn hoá phi-châu Âu. Thêm vào đó là sự thống trị của những ý tưởng châu Âu về phương Đông, chính chúng cũng lặp đi lặp lại rằng châu Âu là thượng đẳng so với phương Đông sự lạc hậu, và thường gạt phăng đi mọi khả năng để một nhà tư tưởng độc lập hơn, hay bi quan hơn, có thể nhìn vấn đề theo một cách khác”. (Said, tr. 7).
Thật đáng ngạc nhiên, những ý tưởng ấy đã xuất hiện rất hệ thống ở Nguyễn Ái Quốc từ thập niên 1920. Để hiểu hơn ý nghĩa của cuộc đối thoại giữa Nguyễn Ái Quốc và ông Bộ trưởng Bộ thuộc địa, chúng ta cần phải trở lại bối cảnh những năm đầu thế kỷ XX. Có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi những đại diện của Chủ nghĩa thực dân như Albert Saurraut luôn tự coi mình là những người “văn minh”, “thượng đẳng”, có sứ mệnh đi “khai hoá” những các dân tộc “dã man”.
Đây là lời của Albert Sarraut được Nguyễn Ái Quốc trích lại trong bài Dưới cuộc “khai hoá cao cả”: “Trung thành với sứ mệnh cao cả đã làm rạng danh nước Pháp trên thế giới và lịch sử, nước Pháp đầy lòng bác ái đang theo đuổi tại hải ngoại một sự nghiệp tiến bộ, chính nghĩa, sự nghiệp dìu dắt các chủng tộc, sự nghiệp khai hoá cao cả; tính chất cao quý của sự nghiệp đó làm cho truyền thống rực rỡ lâu đời của nước Pháp ngày càng thêm phần rực rỡ”. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, T1, tr. 83).
Lúc bấy giờ nhân dân ở các nước đế quốc, bao gồm không ít trí thức, không có ý niệm gì, hoặc chỉ có ý niệm sai lầm, về những xứ thuộc địa – đã được sách vở, báo chí thực dân tô son trát phấn. Nhưng đáng buồn là nhiều chiến sĩ cách mạng cũng không thoát khỏi quan niệm coi châu Âu là thượng đẳng. Nguyễn Ái Quốc viết: “Tiếc thay, một số đông chiến sĩ vẫn còn tưởng rằng, một thuộc địa chẳng qua chỉ là một xứ dưới đầy cát và trên là mặt trời, vài cây dừa xanh với mấy người khác màu da, thế thôi”. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, T1, tr. 80).
>>Tháng 5 nhớ Bác
>>Bác Hồ và thiết chế dân chủ
>>Bác Hồ và sứ mệnh doanh nhân Việt
Bản án chế độ thực dân Pháp
Đáng nói hơn nữa, ngay cả những nhà lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản cũng giữ thế giới quan lấy châu Âu làm trung tâm. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ ra nét độc đáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh: Trong khi Lênin cho rằng cách mạng giải phóng thuộc địa phụ thuộc vào cách mạng vô sản chính quốc, trong khi Tuyên ngôn thành lập Quốc tế Cộng sản cũng khẳng định: “Việc giải phóng các thuộc địa chỉ có thể tiến hành với việc giải phóng giai cấp công nhân ở chính quốc”, thì Nguyễn Ái Quốc chủ trương rằng nhân dân các nước thuộc địa có thể đứng lên tự giải phóng và các mạng ở thuộc địa có thể thành công trước cách mạng vô sản ở chính quốc. (Võ Nguyên Giáp, Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, in lần thứ 5, Chính trị Quốc gia, tr. 84-85).
Lập luận của Nguyễn Ái Quốc một phần dựa trên nghiên cứu của ông về các lý thuyết cách mạng, phần khác đúc rút từ trải nghiệm thực tế tại nhiều xã hội khác nhau. Nhưng lý do quan trọng nhất là quan điểm thực tiễn nhân đạo đã giúp nhà cách mạng trẻ tuổi thoát khỏi các định kiến và giáo điều, hướng tới những giá trị toàn nhân loại, chứ không bó hẹp trong vấn đề giai cấp. Ngay từ năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã tranh thủ mọi diễn đàn và phương tiện để thức tỉnh dư luận quốc tế về những vấn đề của thuộc địa. Với một năng lực phi thường, nhà cách mạng trẻ tuổi công bố hàng trăm bài báo lên án tội ác của chủ nghĩa thực dân trên khắp các châu lục.
Giống như Antonio Gramsci, nhưng sớm hơn, Nguyễn Ái Quốc không chỉ tố cáo những tội ác mang tính bạo lực của bộ máy nhà nước, mà còn lên án những hình thức nô dịch tinh thần thông qua các thiết chế văn hóa, giáo dục. Ông viết về đời sống tinh thần của người dân lao động Pháp trong bài Paris: “Khi còn bé, thì trẻ con đi học để mà biết tôn trọng quyền thiêng liêng của các ông chủ. Lớn lên, anh thợ rời nhà trường đi góp phần làm giàu cho giới chủ nhân ông mà mình đã được học tập sùng bái cái uy nghi. Già rồi yếu đi, thì ông lão được, vẫn giới chủ nhân ông đó, mà cụ đã làm giàu cho, tống cụ ra ngoài đường để nhờ chẩn bần mà sống nốt cuộc đời hay lam hay làm của mình”. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, T1, tr. 88).
Nguyễn Ái Quốc là ông không chỉ bàn đến sự thống trị văn hoá (cultural hegemony) của giai cấp thống trị đối với giai cấp bị trị, mà còn nhấn mạnh sự thống trị văn hoá mà chủ nghĩa thực dân áp đặt lên những xứ thuộc địa. Ông viết một cách mỉa mai về tính chất nhồi sọ của nền giáo dục thực dân trong bài Hãy yêu mến nước Pháp, người bảo hộ các anh (1921): “Dòng chữ Hãy yêu mến nước Pháp, người bảo hộ các anh được viết bằng chữ to màu trắng trên nền đen của một tấm các tông chạy dài dằng dặc, treo trong tất cả các lớp học, cứ ám ảnh chúng tôi một cách êm ái. Sung sướng thay cho những cái đầu An Nam nhỏ bé được chiêm ngưỡng những dòng chữ yêu nước này, đương nhiên là yêu nước với những kẻ đi nhồi sọ và bắt buộc phản quốc đối với những người bị nhồi sọ”. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, T1, tr. 68).
Mục đích của nền giáo dục thuộc địa là thuần dưỡng dân bản xứ, bị coi như là một “giống vật dị kỳ”, như Nguyễn Ái Quốc viết trong bài Động vật học: “Một khi thuần dưỡng rồi, thì nó tự để cho người ta hớt lông như con cừu, chất đồ lên lưng như con lừa, và đưa vào lò sát sinh như con bê. Nó rất dễ thôi miên. Nếu bắt ra một con, to nhất hay mạnh nhất trong bầy, và đeo vào cổ nó một vật gì lóng lánh, một đồng vàng hay một thập ác chẳng hạn, thì nó liền trở thành hoàn toàn ngoan ngoãn lúc đó có thể sai nó làm bất cứ việc gì, bảo nó đi bất cứ đâu cũng được, và các con khác cứ việc theo nó một cách ngu đần như loài thú vật – nếu có thể nói như thế được”. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, T1, tr. 77).
Cùng với việc tự mình viết báo, viết sách, diễn thuyết, tranh luận, Nguyễn Ái Quốc còn tích cực tham gia vận động và tổ chức các hoạt động nghiên cứu thuộc địa. Tại Đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Pháp (Marseille, 12/1921), Nguyễn Ái Quốc đã kiến nghị thành lập Ban nghiên cứu thuộc địa và đặt mục tiêu phải trình một báo cáo cho đại hội đảng tiếp theo.
Ông cùng một số nhà cách mạng từ các thuộc địa Pháp thành lập và tham gia Ban lãnh đạo Hội liên hiệp thuộc địa. Năm 1922, Hội liên hiệp thuộc địa quyết định thành lập cơ quan ngôn luận là báo Le Paria mà Nguyễn Ái Quốc vừa là chủ nhiệm, vừa là chủ bút, vừa là một trong những cây bút chính, đôi khi cũng là hoạ sĩ và kiêm cả vai trò phát hành. Mặc dù đời sống vật chất của Nguyễn Ái Quốc vô cùng thiếu thốn, kết thúc năm hoạt động đầu tiên, trong số tám người cam kết, anh là người duy nhất đóng góp đầy đủ và là người đóng góp nhiều thứ hai cho báo.
Nguyễn Ái Quốc không chỉ viết về Việt Nam và Đông Dương, mà còn viết rất nhiều về các nước khác. Hàng trăm bài báo với chủ đề rất đa dạng đăng trên nhiều tờ báo là nguyên liệu để Nguyễn Ái Quốc viết công trình nổi tiếng Bản án chế độ thực dân Pháp (xuất bản lần đầu tại Paris năm 1925). Ngoài ra, ông còn hoàn thiện hai bản thảo khác là Đông Dương (Khoảng năm 1923-1924) và Chủng tộc da đen (bản dịch sang tiếng Nga của Phin được báo Tiếng còi Moskva xuất bản lần đầu năm 1928).
Điều đặc biệt là Nguyễn Ái Quốc viết về thế giới không phải với tư cách và tâm thế của một người Việt Nam, mà với tư cách và tâm thế một con người thuộc về nhân loại. Trong lịch sử Việt Nam chưa có tác giả nào như vậy, trên thế giới cũng hiếm có tác giả như vậy.
Có thể bạn quan tâm
06:07, 19/05/2022
03:00, 19/05/2022
04:00, 19/05/2022
04:29, 13/10/2020
11:31, 19/05/2020
06:00, 19/05/2020
05:00, 25/01/2020