"Chứng chỉ xanh kỹ thuật số" là biểu hiện chiến thắng đại dịch COVID-19 bằng tư duy kỹ trị, thực chứng tại châu Âu.
Ngày 9/6, tại phiên họp của Uỷ ban châu Âu - EC ở Strassburg (Pháp) đã thông qua nguyên tắc “Chứng chỉ xanh kỹ thuật số” về COVID-19 ở “lục địa già”. Một tài liệu ở dạng “cứng” hoặc “mềm” tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại khắp EU và khu vực Schengen từ mùa Hè năm nay.
Mấu chốt của chứng chỉ này là xác nhận đã tiêm vaccine, hoặc xét nghiệm âm tính với COVID-19. Tức là điều kiện cần để đi lại giữa các quốc gia chứ chưa phải hoàn toàn “tự do di chuyển”.
Ở Bồ Đào Nha, lệnh giới nghiêm đã được dỡ bỏ sau gần nửa năm; Nước Pháp đang dần mở cửa. Người dân hiện được phép đi xa hơn 10 km từ nhà mà không cần nêu lý do, được phép thực hiện các chuyến đi trong nước.
Các cửa hàng ở thủ đô Copenhaghen - Đan Mạch đã mở cửa trở lại, nhưng để dùng bữa trong nhà, khách phải sử dụng ứng dụng để chứng minh rằng họ đã được xét nghiệm âm tính, đã được tiêm phòng đầy đủ hoặc đã khỏi bệnh Covid-19.
Bộ Du lịch Ba Lan cho phép khách sạn, cơ sở lưu trú hoạt động tối đa 50% công suất. Dĩ nhiên, cơ sở khoa học là “Chứng chỉ xanh kỹ thuật số” - một biểu hiện của chủ nghĩa thực chứng, phong cách quản lý, lãnh đạo kỹ trị ở châu Âu.
Như vậy, châu Âu dường như đi sau về trước trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Họ dốc toàn lực bào chế vaccine, giải ngân hàng nghìn tỷ EURO để bảo trợ nền kinh tế. Bằng nội lực khoa học, công nghệ dồi dào, EU là trường phái chống dịch dựa vào tư duy kỹ trị, thực chứng.
Tính đến ngày 14/6, toàn châu Âu có 425,4 triệu người được tiêm vaccine, chiếm 36% dân số toàn châu lục, các nước Đức, Anh, Pháp, Italy đều tiêm chủng trên 44% dân số.
Đáng chú ý, trường phái chống dịch dựa vào miễn dịch cộng đồng như các nước rất giàu có văn minh ở Bắc Âu - Đan Mạch, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Na Uy có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp từ 4,2% - 6% dân số, ngang bằng với các nước nghèo Đông Nam Á.
Và thực tế, miễn dịch cộng đồng bắt đầu phát huy tác dụng ở ở vùng Scandinavi, Đan Mạch được xếp vào nhóm các quốc gia phục hồi nhanh nhất sau đại dịch COVID-19.
Châu Âu mạnh dạn tổ chức VCK EURO ở 11 quốc gia, tại Hungary, trong trận đấu với Bồ Đào Nha ở sân vận động Pukas Arena tại thủ đô Budapest có đến 62.000 khán giả vào sân.
Đây là đám đông lớn nhất thế giới trong 2 năm trở lại đây, và là hình ảnh tiêu biểu chứng minh châu Âu trên đà chiến thắng dịch bệnh. Thậm chí nguyên thủ các nước G7 đến Anh họp Thượng đỉnh không cần mang khẩu trang, thoải mái tiếp xúc thân mật.
Làm thế nào để xác nhận ai đó đã tiêm vaccine, hoặc miễn nhiễm COVID-19? EU đã sử dụng ứng dụng để truy xuất dữ liệu. Vậy, dữ liệu ở đâu ra? Cơ quan nào thu thập, trong khi châu Âu có hàng chục quốc gia, hàng trăm tổ chức phân phối, hàng nghìn cơ sở tiêm chủng? Đó là sự “lợi hại” của châu lục này.
Rõ ràng, Slogan “thống nhất trong đa dạng” - tuyên ngôn của khối bây giờ đang phát huy tính thực tiễn của nó, châu Âu không hề “chia rẽ sâu sắc” hay “khủng hoảng tới hạn” như truyền thông rêu rao.
Chưa có tính toán cụ thể, song để “hộ chiếu vaccine du lịch” được an toàn, cần đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng càng cao càng tốt, tùy theo mức độ nhiễm, lây lan, chủng loại virus ở mỗi quốc gia.
Theo tổ chức Our World In Data, tỷ lệ tiêm phòng ở Việt Nam tính đến ngày 14/6 là 1,53% . Nếu đối chiếu với tổng số dân 100 triệu người thì con số này còn quá hạn chế.
So sánh với các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam đứng chót bảng - trong khi dân số nước ta nhiều thứ 3. Đây là những con số có ý nghĩa tham khảo rất quan trọng để cân nhắc, nên hay chưa sử dụng “hộ chiếu vaccine du lịch”.
Đồng thời, ở khía cạnh công nghệ, để “bắt mối” với du lịch quốc tế, nhất là châu Âu, chúng ta cũng cần xây dựng dữ liệu tiêm chủng, đồng bộ với dữ liệu quốc tế - mở đường đón khách du lịch.
Có thể bạn quan tâm
GÓC NHÌN CHÍNH TRỊ-XÃ HỘI: Cẩn trọng với "hộ chiếu vaccine"
05:00, 17/04/2021
Bộ Y tế: chuẩn bị các kịch bản cho việc sử dụng "hộ chiếu vaccine" trong tương lai
21:00, 31/03/2021
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu 'hộ chiếu vaccine', mở lại đường bay quốc tế
15:21, 17/03/2021
Thúc đẩy tiêm chủng vaccine ngăn chặn biến chủng virus SARS-CoV-2
04:09, 16/06/2021
Chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 lớn nhất lịch sử
19:09, 15/06/2021
TP HCM có được chủ động mua vaccine COVID-19?
12:35, 15/06/2021