Hộ chiếu vaccine được kỳ vọng đem đến những cơ hội lớn cho nhiều quốc gia, song việc WHO chưa bảo đảm chắc chắn về hiệu quả ngăn ngừa lây truyền COVID-19 của vaccine hiện hành là rất đáng lưu ý.
Kỳ vọng…
Trong thời gian vừa qua, một trong những sự kiện đáng quan tâm ngoài diễn biến phức tạp từ đại dịch COVID-19, thì bên cạnh đó, những thông tin về việc nhiều địa phương, doanh nghiệp đề xuất được đón khách quốc tế có "hộ chiếu vaccine" đến các khu du lịch, nghỉ dưỡng với kỳ vọng đem lại những cơ hội lớn để vực dậy ngành du lịch sau nhiều tháng nghỉ đông.
Theo các địa phương và doanh nghiệp, nếu đề xuất này được thông qua, Phú Quốc sẽ là điểm đón khách quốc tế đầu tiên, dự kiến trong tháng 8/2021 và trở lại thường xuyên vào tháng 10/2021.
Đáng chú ý, sau những đề xuất về lộ trình cho phép đón khách du lịch quốc tế có "hộ chiếu vaccine", đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Về chủ trương, Bộ VHTT-DL hoàn toàn ủng hộ việc thí điểm đón khách quốc tế "có hộ chiếu vaccine". Nhưng để khách quan và an toàn, Bộ đang xin ý kiến các bộ ngành khác như: Y tế, Công an, Ngoại giao, Quốc phòng, Giao thông - Vận tải, Thông tin và Truyền thông.
Mặt khác, do tình hình dịch covid đang diễn biến phức tạp nên việc đón khách quốc tế có "hộ chiếu vaccine" cũng được thực hiện cẩn trọng qua 2 giai đoạn, cụ thể:
Giai đoạn 1 (3 tháng): Phú Quốc sẽ thí điểm đón khoảng 2.000-3.000 khách mỗi tháng, thông qua chuyến bay thuê bao; phục vụ khách trong phạm vi, địa điểm hạn chế trong một số khu, điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng quy mô lớn, đủ khả năng phân chia khu nghỉ cách biệt, an toàn, dành riêng phục vụ khách du lịch quốc tế, do Bộ và tỉnh Kiên Giang chọn.
Giai đoạn 2 (3 tháng): Quy mô sẽ mở rộng từ 5.000 đến 10.000 khách mỗi tháng; có thể đón khách qua chuyến bay thương mại; mở rộng phạm vi, địa điểm phục vụ khách. Bộ HTT-DL dự định đón từ 25.000 đến 40.000 khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc trong 6 tháng thí điểm.
Ngoài ra, Dự thảo cũng nêu rõ về điều kiện khách quốc tế muốn đến Phú Quốc phải có chứng nhận đã tiêm đủ hai liều vaccine Covid-19 và được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận. Thời gian tiêm mũi hai ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh.
Khách có chứng nhận đã khỏi Covid-19, thời gian xuất viện không quá 12 tháng, cũng được phép nhập cảnh. Tất cả khách du lịch trước khi nhập cảnh vào Việt Nam phải có chứng nhận xét nghiệm COVID-19 âm tính bằng phương pháp PCR-Realtime/ RT-LAMP trong vòng 72 giờ.
Để đảm bảo an toàn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND tỉnh Kiên Giang sẽ lựa chọn các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ tham gia đón khách quốc tế, theo tiêu chí bảo đảm an toàn dịch bệnh và chất lượng dịch vụ. Du khách cũng phải đăng ký tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành đã được lựa chọn.
Tương tự, ngày 14/7, UBND tỉnh Khánh Hoà cũng có văn bản đề nghị thí điểm đón khách du lịch quốc tế có "hộ chiếu vaccine" bằng các chuyến bay Charter (chuyến bay thuê trọn gói) đến tỉnh Khánh Hòa. Lộ trình thực hiện thí điểm bắt đầu từ tháng 8/2021.
Và chỉ 2 ngày, tức sau khi UBND tỉnh Khánh Hoà đề xuất, Tập đoàn FLC cũng kiến nghị với UBND tỉnh Bình Định cho phép đón khách du lịch quốc tế có “hộ chiếu vaccine” tới các khu nghỉ dưỡng của Tập đoàn bằng các chuyến bay Charter.
Liên quan đến sự phối hợp của doanh nghiệp trong việc xây dựng phương án, FLC cho biết đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng cho phương án thí điểm đón khách quốc tế tại Bình Định, cả về hạ tầng lưu trú cũng như vận chuyển hàng không.
… nhưng cần thận trọng
Bình luận liên quan đến hộ chiếu vaccine, ông Võ Quang Thuận – Uỷ viên Hiệp hội cao su Việt Nam, cho rằng: "Chúng tôi là những doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu sản phẩm chủ yếu sang các thị trường Châu Âu và Châu Á… Do đó, các doanh nghiệp thường xuyên cập nhật, theo dõi và quan tâm đến vấn đề này. Bởi, mục tiêu của các doanh nghiệp cũng như các đối tác hiện nay là làm sao có thể tiêm vaccine cho toàn bộ cho công nhân để đảm bảo sản xuất. Vì vậy, có thể nói, "hộ chiếu vaccine" được kỳ vọng sẽ đem đến những cơ hội lớn và khá rõ ràng cho ngành du lịch nói riêng và các ngành khác nói chung. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn các quốc gia vẫn còn e dè và thận trọng khi chuẩn bị, lên phương án triển khai tấm hộ chiếu này. Bởi, cho tới nay, sáng kiến này vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cũng quan ngại của người dân nhiều nước".
Vừa qua, người phát ngôn của WHO Margaret Harris, đã từng khẳng định: “Ở thời điểm hiện tại, WHO không muốn coi việc tiêm vaccine hoặc "hộ chiếu vaccine" là yêu cầu để xuất nhập cảnh bởi chưa có đủ cơ sở dữ liệu để bảo đảm chắc chắn về hiệu quả ngăn ngừa lây truyền COVID-19 của vaccine hiện hành”. Bên cạnh đó, với thực tế là có nhiều người không thể tiêm chủng vaccine COVID-19 vì những lý do khác nhau nên việc áp dụng hộ chiếu vaccine sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử.
Tương tự, Ủy ban khẩn cấp và WHO đang khuyến cáo không nên sử dụng chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 để tiếp cận các dịch vụ du lịch quốc tế bởi vaccine không có sẵn ở khắp mọi nơi. Thêm vào đó, WHO vẫn chưa chắc chắn được liệu những người đã tiêm vaccine có còn bị nhiễm COVID-19 nữa hay không và vì thế vẫn có thể gây rủi ro cho những người khác.
Vừa qua Ông Mike Ryan, Giám đốc Chương trình khẩn cấp của WHO, đã khẳng định tổ chức này sẽ không đề xuất "hộ chiếu vaccine" cho đến khi vaccine COVID-19 được phân bổ rộng khắp và công bằng. WHO kêu gọi các nước cần phải thận trọng, yêu cầu không coi việc đưa ra bằng chứng tiêm chủng như một điều kiện để đi du lịch quốc tế.
Từ thực tế trên, "trước bối cảnh số người mắc COVID-19 của Việt Nam trong những ngày gần đây vẫn ở con số cao, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16, thì chúng ta phải hết sức cẩn trọng khi bàn và quyết định vấn đề này. Thay vào đó, chúng ta nên tập trung chống dịch, huy động toàn lực lượng, thậm chí xã hội hoá thật nhanh trong việc nhập vaccine và tiêm cho toàn bộ người dân, công nhân trong khu công nghiệp, ưu tiên doanh nghiệp xuất khẩu để ổn định phát triển kinh tế" - Uỷ viên Hiệp hội cao su Việt Nam đề xuất.
Có thể bạn quan tâm
09:22, 20/07/2021
05:30, 20/07/2021
19:55, 19/07/2021
16:01, 19/07/2021
11:11, 15/07/2021
10:54, 15/07/2021
14:03, 14/07/2021
12:53, 14/07/2021