Cộng đồng doanh nghiệp cần nhận diện đúng, trúng các yếu tố thách thức để có các kịch bản ứng phó, vượt qua “cơn gió ngược” năm 2023.
>> Đó là nhận định của các chuyên gia tại Toạ đàm “Dự báo Kinh tế - Vượt cơn gió ngược 2023” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức tại TP. HCM cuối năm 2022.
Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho biết, cuối năm 2022, những “hơi nóng”, thách thức của kinh tế toàn cầu đã, đang phả vào kinh tế Việt Nam, với các dự báo từ nhiều tổ chức quốc tế đến các chuyên gia về một năm mới 2023 không hoàn toàn thuận lợi.
“Để nền kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực trong năm 2023, từ các trụ cột đầu tư - xuất khẩu - tiêu dùng, cần đạt các chỉ tiêu mà Quốc hội đã giao cho Chính phủ trong năm 2023 là tăng trưởng GDP 6,5%, lạm phát 4,5%, GDP bình quân đầu người khoảng 4.400 USD. Bên cạnh các chỉ đạo sát sao và chủ trương, chính sách kiến tạo môi trường kinh doanh của Chính phủ, chúng ta rất cần sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, với nhận diện đúng các yếu tố thách thức, khó khăn trong năm 2023 để có các kịch bản ứng phó”, ông Võ Tân Thành nói.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế, các tổ chức tài chính thế giới và các chuyên gia Việt Nam đều cho rằng, khó khăn đến từ yếu tố bên ngoài, mà còn đến từ nội tại trong nước. Ngoài sự suy giảm tiêu dùng của các nước phát triển, còn một số yếu tố phụ như chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn cũng tác động đến Việt Nam.
Vị chuyên gia này dẫn chứng, Ngân hàng Thế giới (WB) đã dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đi xuống và đi ngang trong năm 2024, đâu đó khoảng trên 6% - dưới 7%. Riêng năm 2023, WB dự đoán cán cân xuất nhập khẩu chỉ ngang bằng và có thể không đạt thực dương, không góp vào tăng giá trị GDP.
Bên cạnh đó, là các vấn đề liên quan đến khó khăn của thị trường bất động sản từ tháng 7/2015 cho đến nay, do yếu tố lớn nhất là vướng mắc các quy định pháp luật. “Vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn của thị trường bất động sản. Trong đó từ ngày 1/7/2015 cho đến nay vẫn chưa bố trí được nguồn tiền hỗ trợ của ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất để mua được nhà ở xã hội với lãi suất 4,8% từ 2022 trở về trước và 5% bắt đầu từ năm 2023...”, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho biết.
>>Thống đốc NHNN: 3 bài học rút ra từ thực tiễn điều hành tiền tệ 2022
Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup nhận định, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu suy giảm, nhưng lạm phát Việt Nam lại được dự báo sẽ cao trong năm 2023, Chính phủ đã đưa ra mức lạm phát 5% năm 2023, cho thấy Chính phủ đánh giá lạm phát sẽ cao. “Chúng tôi cho rằng, lạm phát sẽ cao những tháng đầu năm 2023, nhưng sau đó giảm dần và thanh khoản sẽ tốt hơn vào cuối năm 2023”, ông Trần Ngọc Báu lạc quan.
Trong bối cảnh lạm phát có thể sẽ giảm sau những tháng đầu năm 2023, ông Nguyễn Quang Thuân– Chủ tịch FiinGroup, cho rằng lãi suất sẽ “hạ nhiệt” trong quý 1/2023, và ổn định vào cuối quý 2/2023. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý 2/2023. Tuy nhiên, năng lực vốn trung và dài hạn của ngân hàng chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của các doanh nghiệp. Trong khi đó, kênh huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn khó khăn.
Huy động vốn qua thị trường chứng khoán vẫn ở quy mô còn khiêm tốn. Do đó, ông Thuân cho rằng các doanh nghiệp nên tận dụng các kênh vốn khác, như tín dụng xuất nhập khẩu. Ngoài ra, chuẩn bị điều kiện tiếp cận tín dụng xanh và trái phiếu xanh của các nhà đầu tư trên thế giới.
“Các doanh nghiệp cũng nên rà soát danh mục đầu tư mới; Hạn chế dự án rủi ro cao/đòn bẩy cao; Chủ động đàm phán tái cấu trúc nợ nếu cần thiết; Quản trị thanh khoản ngắn hạn và cân đối dòng tiền thực hiện nghĩa vụ nợ 12-24 tháng tới; Bảo hiểm rủi ro thương mại/xuất nhập khẩu và vay ngoại tệ…”, ông Thuân nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch AFFA, Phó Chủ tịch thường trực VLA cho biết, trong bối cảnh xuất nhập khẩu gia tăng nhưng chủ yếu của các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp logistics Việt Nam sẽ không tham gia được vào chuỗi của các doanh nghiệp FDI. Vì vậy Chính phủ cần có chính sách phát triển các doanh nghiệp xứng tầm, có cơ chế ưu đãi tiếp cận nguồn vốn, lãi suất, thuế cho việc thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp.
Ông Phạm Quốc Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gemadept Vòng xoáy vận tải biển sẽ tiếp tục giảm. Sau đại dịch, các thị trường tiêu dùng thế giới thay đổi, do đó cung toàn cầu giảm đi, năm 2023 sẽ là rất khó khăn. Để đạt được mục tiêu “vượt sóng”, cần có những kiến nghị mạnh mẽ hơn với Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp để doanh nghiệp tránh tình trạng phải cắt giảm lao động. Đáng lưu ý Chính phủ rất riết ráo nhưng địa phương còn chưa mạnh mẽ, đây là điều cần VCCI và các cơ quan có sự đồng hành. Ông Lâm Minh Chánh, Chủ tịch BIZUNI Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), tài chính chưa phải là vấn đề lớn mà là vấn đề marketing, bán hàng. Đặc biệt theo dõi sẽ thấy, ngành xuất khẩu nông sản năm 2022 vẫn tốt, có một số doanh nghiệp thấy khó khăn đã chuyển lên Amazon và có thể xuất khẩu tốt. Do đó, đối với SMEs, việc bán hàng có chiến lược kinh doanh tốt rất quan trọng. Ngoài ra, cần giảm chi phí cố định, tăng chi phí biến đổi bởi vì khi rủi ro xảy ra thì chi phí cố định là một khoản rất lớn. |