Hóa giải thách thức tại TCty 36

Phương Hà -Thuỳ Linh 13/01/2018 16:57

Những nghi ngại xoay quanh việc mời gọi nhà đầu tư chiến lược, không đưa giá trị quyền sử dụng đất vào định giá doanh nghiệp, hệ số nợ vay vượt quá vốn chủ sỡ hữu… đang là những vấn đề nổi cộm tại Tổng Công ty 36 sau khi cổ phần hóa (CPH).

Trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh lộ trình CPH, nhiều lãnh đạo DNNN sợ phải minh bạch, công khai, sợ lộ ra nhiều khuyết điểm, sợ mất chiếc ghế quyền lợi của mình... thì TCty 36 do Đại tá Nguyễn Đăng Giáp làm Tổng Giám đốc, lại chủ động báo cáo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiên phong CPH Cty mẹ, khi thời điểm này TCty đang ở đỉnh cao của thời kỳ phát triển.

p/Kiểm tra công trình Golden Armor B6 Giảng Võ.

Kiểm tra công trình Golden Armor B6 Giảng Võ.

Tìm hướng đi sau CPH

Theo phương án CPH, TCty 36 có vốn điều lệ là 430 tỷ đồng, tương ứng với số cổ phần phát hành lần đầu là 43 triệu cổ phần, mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 17.200.000 cổ phần, chiếm 40% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 3.347.800 cổ phần, chiếm 7,79% vốn điều lệ; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược 18.152.200 cổ phần, chiếm 42,21% vốn điều lệ; cổ phần bán đấu giá công khai 4.300.000 cổ phần, chiếm 10% vốn điều lệ.

4.000
tỷ đồng là tổng doanh thu mà Tổng Công ty 36 dự kiến đạt được trong năm 2017.

Ngày 14/04/2016, TCty đã đấu giá công khai 4,3 triệu CP, tương đương 10% vốn điều lệ. Theo kế hoạch, 3 năm sau CPH, TCty 36 đặt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh với lợi nhuận sau thuế từ 42 - 44 tỷ đồng mỗi năm. Tỷ lệ chi trả cổ tức từ 8,5 - 9,2%/năm.

Theo ông Nguyễn Hồng Lợi - Phó Tổng Giám đốc TCty 36, thời điểm chưa CPH, các doanh nghiệp xây dựng nói chung và TCty 36 nói riêng đang gặp nhiều khó khăn vì là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thắt chặt đầu tư công và nợ xấu ngân hàng. Do vậy, Tcty 36 không có con đường nào khác là CPH. Sau hơn 1 năm CPH, TCty 36 hoạt động như một nhà thầu đa năng trong các lĩnh vực xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, lao động, thủy lợi, thủy điện, đầu tư kinh doanh bất động sản,…

Báo cáo tài chính của Tcty 36 cũng cho thấy, sau CPH Tcty đã không còn chú trọng đến khâu sản xuất vật liệu, mà tập trung vào xây dựng cơ bản. Các nguồn doanh thu khác của Tcty từ bất động sản, xây lắp, tư vấn thiết kế,…

Tính tới cuối năm 2016, tổng tài sản của TCty 36 ở mức 6.899 tỷ đồng. Tổng doanh thu trong năm đạt gần 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 25,5 tỷ đồng. Năm 2017 tổng doanh thu của TCty đạt hơn 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 80 tỷ đồng… Đây là những con số khẳng định sự chuyển đổi mô hình CPH là hoàn toàn hợp lý theo đúng chủ trương, đường lối của của Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc Phòng

Lựa chọn nhà đầu tư chiến lược

Để huy động vốn phục vụ cho các kế hoạch đầu tư phát triển đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận kế hoạch chào bán ra công chúng hơn 57 triệu cổ phiếu của TCty để tăng vốn lên trên 1.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hồng Lợi cho biết, TCty 36 đã chào bán cho cổ đông hiện hữu hơn 57 triệu cổ phiếu theo phương thức thực hiện quyền mua với tỷ lệ 1:1,3256. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 570.008 tỷ đồng.

Theo đó, khi hoàn tất tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng, tỷ lệ vốn nhà nước tại Tcty chỉ còn 17,2% bởi Bộ Quốc Phòng sẽ chuyển nhượng toàn bộ 17,2 triệu quyền mua (tương đương khoảng 22,8 triệu cổ phiếu) ra bên ngoài theo hình thức đấu giá công khai.

Tuy nhiên, CTCP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc, Cty CP Vận tải và Thương mại Anh Quân và Tổng Cty CP Bảo hiểm Bưu điện đã không tham gia mua cổ phần theo tỷ lệ phát hành. Rồi khi chào bán cổ phần Nhà nước đã có 1/6 nhà đầu tư bỏ cọc dẫn tới việc tăng vốn chỉ đạt được 936/1.000 tỷ đồng so với kế hoạch phát hành.

Ông Nguyễn Hồng Lợi cho biết, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược là hoàn toàn đúng quy trình và không có gì khuất tất. Trên thực tế, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, hay quyết định tỷ lệ cổ phần chào bán đều do Thủ tướng Chính phủ quyết định, căn cứ vào thẩm định của các ban chỉ đạo Bộ Quốc Phòng theo quy định của pháp luật.

Vấn đề “hậu” CPH?

Về thông tin cho rằng ban lãnh đạo và người nhà ông Nguyễn Đăng Giáp, Tổng Giám đốc TCty 36 mua phần lớn cổ phần chào bán để thâu tóm quỹ đất sạch của TCty này, ông Nguyễn Hồng Lợi khẳng định, đây là thông tin không chính xác bởi các nhà đầu tư đã không mua toàn bộ cổ phần sau khi chào bán, và để hấp thụ hết lượng cổ phần này, Ban Lãnh đạo TCty đã phải mua lại theo giá trị sổ sách 10.000 đồng/cổ phần…

“Theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 48 Nghị định 59/2011, người lao động chỉ được mua cổ phần theo tỷ lệ nhất định, căn cứ vào số năm công tác cũng như số năm cam kết làm việc trong tương lai nhưng cũng không được quá 5.000 cổ phần đối với cán bộ cấp trưởng phòng trở lên. Như vậy, Ban Lãnh đạo hay người nhà ông Giáp cũng chỉ được phép mua số lượng cổ phần tối đa theo quy định của pháp luật”, ông Lợi cho biết.

Ngoài ra, ông Lợi cho biết, quy định về giới hạn nợ vay đã có hiệu lực từ lâu, nhưng trên thực tế nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được, nhất là đối với lĩnh vực hoạt động của Tcty luôn đòi hỏi nguồn vốn rất lớn cho đầu tư. Đó là về mặt khách quan, còn xét về mặt chủ quan thì tỷ lệ vay nợ cao bởi Tcty 36 đầu tư vào 2 dự án BOT lớn là Quốc lộ 19 và Quốc lộ 6 với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, Tcty 36 đang quản lý 7 mảnh đất với tổng diện tích là 31.882,7 m2. Sau khi CPH, TCty 36 phải thực hiện hình thức thuê đất và trả tiền hàng năm đối với 7 mảnh đất thuộc quyền quản lý. Trước băn khoăn về việc TCty không đưa giá trị quyền sử dụng đất vào định giá doanh nghiệp, ông Lợi cho biết Bộ Quốc phòng chỉ giao đất cho Tcty để đóng quân, xây dựng trụ sở.

“Đây là đất quốc phòng nên không được sử dụng vào mục đích khác, nên không thể định giá được. Kể từ khi chuyển sang Cty cổ phần, TCty không còn được ưu đãi về đất đai nữa, mà phải thuê đất theo quy định của Bộ Quốc phòng”, ông Lợi khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hóa giải thách thức tại TCty 36
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO