Hòa Phát sắp “qua mặt” Formosa trở thành doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam

Tiến Dũng 18/05/2020 15:55

Đến năm 2021, khi 4 lò cao của dự án Dung Quất đi vào hoạt động, Hòa Phát sẽ đạt công suất thép thô 8 triệu tấn/năm, vượt qua Formosa và trở thành doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam.

Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cho biết: Năm nay do đại dịch Covid-19, nên Đại hội đồng cổ đông bị chậm lại và Hòa Phát quyết định tổ chức ĐHĐCĐ năm 2020 vào ngày 25/6/2020. Dự kiến, HĐQT sẽ trình Đại hội phương án kinh doanh với doanh thu dao động khoảng 85.000 - 95.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dao động từ 9.000 - 10.000 tỷ đồng.

Về cổ tức, ông Long cho biết, dự kiến đề xuất trình ĐHĐCĐ cổ tức 2019 tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt. Từ năm 2020 Hòa Phát bắt đầu giảm đầu tư nên sẽ quay lại chính sách trả cổ tức bằng tiền mặt hàng năm.

Ông Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cho biết đến năm 2021, Hòa Phát sẽ trở thành doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam

Ông Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cho biết đến năm 2021, Hòa Phát sẽ trở thành doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam

Thép có thêm lợi thế từ chính sách đầu tư

Đối với lĩnh vực kinh doanh thép, lãnh đạo HPG chia sẻ, đến năm 2021, khi 4 lò cao của dự án Dung Quất đi vào hoạt động đồng bộ, Hòa Phát sẽ đạt công suất thép thô 8 triệu tấn/năm và trở thành doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam, chứ không phải Formosa. Hiện tại thị phần thép xây dựng Hòa Phát đã đạt 31,4%, dẫn đầu cả nước và đã vươn lên dẫn đầu về sản lượng bán hàng ở thị trường miền Nam.  

Đánh giá về tác động của Covid-19, ông Trần Đình Long cho rằng ngành thép ít bị ảnh hưởng, sau khi các nền kinh tế phong tỏa thì hậu tái thiết sẽ phải đầu tư công rất nhiều. Gói đầu tư công 700.000 tỷ của Việt Nam chủ yếu giải ngân vào đường xá cầu cống, thì thép sẽ tiêu thụ tương đối tốt. Nhưng thực tế như thế nào còn phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh trong thời gian tới. "2020 tăng trưởng tiêu thụ thép sẽ là số dương chứ không phải số âm", ông Long nhận định.  

Bình luận về việc xuất khẩu phôi sang Trung Quốc, ông Trần Đình Long nói: “Đây là phép thử cạnh tranh rất lớn vì Trung Quốc là cường quốc thép. Xuất được sang Trung Quốc là câu trả lời tốt nhất cho sức cạnh tranh của thép Hòa Phát. Hòa Phát xuất phôi theo giá thế giới và có lời dù tỷ suất không bằng thép xây dựng thành phẩm. Tất nhiên, Hòa Phát sẽ đa dạng hóa thị trường chứ không bỏ trứng vào một giỏ và đang xuất khẩu phôi sang nhiều quốc gia Đông Nam Á khác”. Việc Trung Quốc nhập phôi thép của Hòa Phát một phần cũng từ chính sách kích thích tăng trưởng, tiêu dùng của quốc gia này sau dịch.

"Quan trọng là giá mình có cạnh tranh không, đấy là gốc rễ của vấn đề. Công đoạn càng ngắn, margin càng thấp, nhưng tôi khẳng định xuất khẩu phôi có lãi, theo giá thị trường, tất nhiên là không cao như thép thành phẩm, nhưng quan trọng nhất là xuất đi được sang Trung Quốc. Dù vậy, chúng tôi khẳng định thị trường chính của Hòa Phát là nội địa chứ không phải xuất khẩu”, ông Trần Đình Long cho biết.

Năm 2020, Hòa Phát đặt kế hoạch 3,6 triệu tấn thép xây dựng, 800.000 tấn phôi, 500.000 tấn thép cuộn cán nóng (bắt đầu chạy từ tháng 9). Sản lượng công ty tôn năm 2020 là 120.000 tấn. Sản phẩm ống thép đặt kế hoạch tương tự sản lượng thực hiện của 2019.

Về tiến độ của sản xuất thép cuộn cán nóng, theo ông Long sẽ phụ thuộc vào việc các chuyên gia nước ngoài sang chuyển giao công nghệ hướng dẫn vận hành. Chính phủ đã tháo gỡ khó khăn này và hiện nay phụ thuộc vào phía các nước.

Tuy nhiên, Hòa Phát cố gắng đưa vào vận hành thử nghiệm trong tháng 8 và dự kiến bắt đầu có sản phẩm từ tháng 9 và sản lượng thép cuộn cán nóng trong năm nay khoảng 500.000 tấn. Chủ tịch Hòa Phát nhận định, trước năm 2025, Việt Nam sẽ vẫn phải nhập thêm thép cuộn cán nóng vì công suất dây chuyền của Hòa Phát và Formosa chưa đáp ứng đủ. 

Cảng Dung Quất đón tàu 200.000 tấn, lợi nhuận nông nghiệp 1.200 tỷ đồng

Tiến độ xây dựng Cảng Hòa Phát Dung Quất đến nay đã đạt trên 95%, những phần khó khăn nhất là đá ngầm đã giải quyết phần cơ bản, dự kiến tháng 6 tới, Cảng Hòa Phát Dung Quất sẽ đón được tàu đầu tiên 200.000 tấn. Tàu càng to cước càng rẻ, như vậy Hòa Phát có thể mua quặng thẳng từ Brazil, Nam Phi, Úc mà không cần qua các cảng chung chuyển, chi phí sẽ rẻ hơn.

Lợi nhuận nông nghiệp quý I/2020 của Tập đoàn Hòa Phát đạt gần 500 tỷ đồng

Lợi nhuận nông nghiệp quý I/2020 của Tập đoàn Hòa Phát đạt gần 500 tỷ đồng

Theo ông Long, việc xây dựng cảng biển nước sâu là hoàn toàn mới với Hòa Phát và “quá khó để làm, nhưng hiệu quả nhận được rất xứng đáng”. Cảng là lợi thế tuyệt đối của Hòa Phát, khi nhập than, quặng về bằng tàu lớn, rồi chia về cho Dung Quất hay Hải Dương đều có lợi. Đó là địa lợi của cảng độ sâu, trên lãnh thổ Việt Nam, hiếm có nơi nào có được lợi thế này.

Năm 2021, khi 4 lò cao của Khu Liên hợp Hòa Phát Dung Quất đi vào hoạt động ổn định, sản lượng thép thô của Hòa Phát sẽ đạt 8 triệu tấn thép thô/năm. Khi đó Hòa Phát cần nhập 12-13 triệu tấn quặng, với lợi thế cảng biển, Hòa Phát sẽ tiết kiệm càng lớn chi phí, tăng cạnh tranh.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, lãnh đạo Tập đoàn chia sẻ, doanh thu mảng nông nghiệp dự kiến đóng góp 10.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 1.200 tỷ cho năm 2020, lớn thứ 2 sau mảng thép.

Sau 5 năm đầu tư vào nông nghiệp một cách cẩn trọng và vững chắc, các trang trại chăn nuôi đều đang phát triển tốt, trình độ quản trị sản xuất ngày càng được nâng cao. Bò Úc của Hòa Phát đang chiếm thị phần số 1 với hơn 50%, trứng gia cầm cũng thuộc Top đầu với hơn 400.000 quả/ngày. Trong năm nay, Hòa Phát dự kiến cung cấp cho thị trường 150.000 con bò Úc, 200.000 con heo thương phẩm (chưa tính heo giống, heo cai sữa) và đạt sản lượng 700.000 trứng/ngày vào thời điểm cuối năm 2020.

Nói thêm về nông nghiệp quý I, ông Long cho biết, lợi nhuận lĩnh vực này đã đạt gần 500 tỷ, nhưng không thể nhân 4 kết quả của quý I cho cả năm vì có thể thị trường còn nhiều biến động, nhất là Chính phủ đang điều hành điều tiết giá thịt heo theo hướng giảm.

Giải đáp câu hỏi của các quỹ đầu tư về tỷ lệ nợ vay, bà Phạm Thị Kim Oanh – Giám đốc Tài chính của Tập đoàn cho biết, dự kiến đến cuối năm 2020, dư nợ của Hòa Phát tăng lên khoảng 46.000 tỷ đồng, trong đó nợ dài hạn tăng xoay quanh 22.000 tỷ đồng còn nợ ngắn hạn tăng thêm 3.000 tỷ đồng nhưng lượng tiền mặt sẽ tăng lên tương ứng. Do đó nợ ròng của Hòa Phát (tức dư nợ trừ tiền mặt) đến cuối năm cũng xoay quanh mức 35.000 tỷ đồng như thời điểm hiện nay, đảm bảo sức khỏe tài chính an toàn.    

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hòa Phát sắp “qua mặt” Formosa trở thành doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO