Trong những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Điều này thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc tạo dựng môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển và vươn ra quốc tế.
Chiều nay (2/12), tại Hà Nội, được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia lần thứ IV với chủ đề: "Hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp".
Chia sẻ tại Diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Khởi nghiệp luôn luôn là bắt đầu.
TS Vũ Tiến Lộc nhớ lại, cách đây 17 năm, lúc đó ở Việt Nam ít người nói đến khởi nghiệp. VCCI là 1 trong những tổ chức đầu tiên nhóm lên "ngọn lửa" khởi nghiệp tại Việt Nam khi giao cho Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Festival khởi nghiệp.
Theo Chủ tịch VCCI, "chìa khóa" của sự phát triển quốc gia ở thời điểm hiện tại nằm ở 2 cụm từ quan trọng là nâng cao chất lượng nguồn vốn con người và khởi nghiệp sáng tạo. “Đây là đôi cánh của nền kinh tế”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Tuy nhiên, TS Vũ Tiến Lộc nhận định, hiện nay doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam phần lớn mới chỉ dừng lại ở mức ý tưởng, chưa đi vào thực tế.
Có thể bạn quan tâm
06:36, 16/10/2019
17:43, 02/12/2019
16:33, 02/12/2019
16:09, 02/12/2019
15:53, 02/12/2019
Dẫn nguồn một khảo sát của mạng lưới kết quả toàn cầu, Chủ tịch VCCI cho biết, trong số 60 quốc gia tham gia khảo sát, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới. Tuy nhiên, khả năng hiện thực các ý tưởng sáng tạo thì thuộc 20 nhóm cuối cùng.
“Như vậy, khoảng cách giữa khát vọng, giữa ý chí và hành động cụ thể là quá lớn. Chúng ta cần nhiều hơn sự hỗ trợ của thể chế, chính sách để tiến gần hơn tới các khát vọng, hành động”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Về thể chế và chính sách, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), năm 2017 Quốc hội lần đầu tiên ban hành Luật hỗ trợ DNNVV. Đây là một điểm rất khác so với các nước khác bởi phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là DNNVV.
Luật hỗ trợ DNNVV đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ: tiếp cận tín dụng, mở rộng thị trường, tư vấn và pháp lý, nguồn lực… Ngoài 7 chính sách hỗ trợ chung, còn 3 chính sách hỗ trợ mục tiêu: hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Tuấn: “Mặc dù có hiệu lực từ 1/1/2018, nhưng Luật này thực hiện chưa đều và chưa rộng khắp và triệt để. Đây cũng là thách thức để các địa phương chưa thực hiện tốt cần phải có chính sách để hỗ trợ cho DNNVV”.
Bên cạnh đó, theo ông Đậu Anh Tuấn, việc cải cách thủ tục hành chính bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực. Đặc biệt là giảm thời gian làm thủ tục đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. “Từ năm 2005 đến nay, quá trình gia nhập thị trường của doanh nghiệp đã rút đi rất nhiều, từ 22 ngày xuống 15 ngày và xuống còn 3 ngày, thậm chí có thể tiến hành trên mạng” - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho hay.
Hiện các chính sách của Việt Nam đang tập trung xây dựng và phát triển mạng lưới kết nối khởi nghiệp ở quy mô quốc gia và quốc tế, nhằm thúc đẩy hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo trên toàn quốc, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển và hoàn thiện công nghệ, liên kết với các trường đại học và viện nghiên cứu để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hình thành tài sản trí tuệ để từng bước vươn ra thị trường khu vực.
Và để từng bước thực hiện việc phát triển mạng lưới kết nối khởi nghiệp, nhân dịp Việt Nam chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào ngày 1/1/2020 tới đây, Chủ tịch VCCI cho biết, sẽ đề xuất Dự án di sản của ASEAN chính là mạng lưới khởi nghiệp ở ASEAN để kết nối các nhà khởi nghiệp của các quốc gia trên thế giới.
Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: “Đây là động lực cho sự phát triển của ASEAN nên tôi hi vọng được ủng hộ của các nước trong khối ASEAN, của cộng đồng doanh nghiệp ASEAN. Trong tuần làm việc tại Hàn Quốc tôi cũng đã đề nghị Hàn Quốc giúp đỡ chúng ta. Tôi cũng đề nghị các nước như Hàn, Mỹ, Phần Lan chung tay cùng để xây dựng Dự án di sản ASEAN”.
Theo ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học - công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện dư địa phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam thực sự vẫn còn rất nhiều. Tiềm năng phát triển, cả về con người, cơ sở hạ tầng cũng như tư duy và tiềm năng vốn cũng còn rất rộng lớn.
Trong thời gian tới, ông Đích cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung vào xây dựng phát triển Mạng lưới kết nối khởi nghiệp ở quy mô quốc gia và quốc tế; thúc đẩy hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo trên toàn quốc, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển; liên kết với viện nghiên cứu, trường đại học để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hình thành tài sản trí tuệ để tự tin bước ra thị trường toàn cầu.
“Tôi mong muốn chúng ta cùng hợp tác để xây dựng và phát triển những starup hàng đầu hướng tới giải quyết các vấn đề xã hội, tạo ra những tác động tích cực cho xã hội ở tầm quốc gia, khu vực, trên thế giới mà đồng thời vẫn phát huy văn hóa bản địa”, ông Đích chia sẻ.