Thường xuyên điều chỉnh chính sách ưu đãi và hỗ trợ phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật mới ban hành, đảm bảo doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ cao nhất trong khuôn khổ pháp luật.
Quảng Bình có diện tích tự nhiên trên 8.000 km2, với 90 vạn dân, nằm trên địa hình đa dạng, có núi, đồng bằng, bờ biển dài 116 km; nằm giữa khu vực Bắc Trung Bộ có vị trí chiến lược quan trọng trên hành lang phát triển kinh tế Đông – Tây; là cửa ngõ phía Đông thông ra biển của vùng Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar; có hệ thống giao thông khá thuận lợi và đồng bộ gồm: đường bộ, đường sắt, đường hàng không, cảng biển Hòn La; Cửa khẩu quốc tế Cha Lo… thuận lợi để đẩy mạnh phát triển, hợp tác kinh tế, thương mại, dịch vụ, đặc biệt với các quốc gia trong khu vực ASEAN.
Để phát huy hơn nữa lợi thế của khu vực, đặc biệt là kết nối giữa các doanh nghiệp trong cộng đồng kinh tế vùng, giữa doanh nghiệp với nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhằm gia tăng sức ảnh hưởng và hướng đến tính hiệu quả lan tỏa đầu tư của vùng, được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn "Vai trò doanh nghiệp trong phát triển kinh tế vùng Bắc Trung bộ" ngày 18/10/2019, tại tầng 7, trụ sở VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, ban tổ chức đã Trao Bằng khen của Chủ tịch VCCI cho các Doanh nghiệp tiêu biểu có đóng góp cho sự phát triển kinh tế Vùng Bắc Trung Bộ.
Có thể bạn quan tâm
17:20, 18/10/2019
11:00, 18/10/2019
Quảng Bình là tỉnh có tiềm năng để phát triển du lịch với nhiều cảnh quan thiên nhiên và di tích lịch sử. Đặc biệt có di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được mệnh danh là “Vương quốc hang động” với trên 300 hang động lớn nhỏ kỳ vỹ và lộng lẫy, trong đó nổi bật là động Sơn Đòong- hang động lớn nhất thế giới…
Quảng Bình có 02 Khu kinh tế: Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo là cửa khẩu quốc tế trọng điểm Việt Nam - Lào với kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tỷ USD/năm, là đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ khu vực Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và tiểu vùng sông Mê Kông; Khu kinh tế biển Hòn La nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình.
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ và quyết tâm cao của lãnh đạo và nhân dân trong tỉnh, Quảng Bình đã từng bước vượt khó đi lên với những kết quả bước đầu: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm đạt 7%, tỷ trọng công nghiệp 27%, dịch vụ 55%; du lịch có bước phát triển vượt bậc, hằng năm đón 4,5 đến 5 triệu lượt khách du lịch.
Tuy nhiên, tiềm năng lợi thế của tỉnh vẫn chưa được khai thác hết để trở thành nguồn lực cho phát triển; tốc độ tăng trưởng và quy mô kinh tế còn thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa mạnh. Việc tham gia liên kết vùng còn hạn chế, nhất là giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực Bắc Trung Bộ, các vùng kinh tế trọng điểm.
Trong thời gian qua, Quảng Bình không chỉ tạo ưu thế khác biệt nhờ hạ tầng “cứng”, nhờ tiềm năng lợi thế về vị trí địa lý nói trên, mà còn chú trọng ở yếu tố hạ tầng “mềm”. Quảng Bình cho rằng việc xác định được thế mạnh riêng khác biệt và tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi là yếu tố đóng vai trò rất quan trọng trong thu hút nhà đầu tư đến với địa phương. Chính sách thu hút đầu tư tỉnh Quảng Bình đã chuyển sang chú trọng về chất, có chọn lọc, đặc biệt là ở các lĩnh vực quan trọng như du lịch - dịch vụ, công nghệ cao, năng lượng tái tạo….
Về chính sách thu hút đầu tư: Thường xuyên điều chỉnh chính sách ưu đãi và hỗ trợ phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật mới ban hành, đảm bảo doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ cao nhất trong khuôn khổ pháp luật. Đồng thời, tỉnh đã ban hành Quy định một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, như hỗ trợ GPMB, hỗ trợ hạ tầng ngoài hàng rào, hỗ trợ về cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng; hỗ trợ đầu tư mở đường bay mới… và đặc biệt là hỗ trợ DN khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo…; ban hành Danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2018 - 2020 nhằm kêu gọi, lựa chọn các doanh nghiệp, nhà đầu tư có đủ năng lực, tài chính công nghệ tham gia đầu tư tại tỉnh.
Về cải cách thủ tục hành chính: Thực hiện đầy đủ, nhất quán những cải cách quy định tại Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư theo hướng một đầu mối về thủ tục, cắt giảm tối thiểu 20 - 30% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cải cách TTHC; xây dựng quy chế phối hợp giữa các sở, ngành liên quan trong thực hiện TTHC”; tạo thuận lợi để các dự án mới đi vào hoạt động cũng như thực hiện đúng các cam kết với nhà đầu tư; Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh đi vào hoạt động là một bước tiến để xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, hiệu lực và hiệu quả; rút ngắn thời gian giải quyết, giảm chi phí thực hiện TTHC; Hàng quý, tỉnh đã tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp theo chuyên đề nhằm trao đổi, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và các DN để kịp thời nhận diện vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho DN.
Ngoài ra để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng trực tiếp chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương xử lý các vướng mắc, tạo điều kiện tối đã cho các doanh nghiệp nhanh chóng triển khai dự án theo đúng tiến độ.
Về công tác cán bộ: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 01-QĐ/TU ngày 03/3/2016 về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao; Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng, trách nhiệm, tận tâm, tận lực với công việc, có tư duy đổi mới, năng động sáng tạo, nhất là người đứng đầu các ngành, lĩnh vực quan trọng; hướng mạnh tới việc xây dựng chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp.
Với những nỗ lực và quá trình hoàn thiện cơ chế thu hút doanh nghiệp trong thời gian qua. Vì vậy, từ khi Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh đã phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư 373 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 51.445 tỷ đồng. Đặc biệt, trong các năm 2014, 2015, 2018, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức thành công 03 Hội nghị Xúc tiến đầu tư theo mô hình liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”, đây là cách làm mới, sáng tạo trong xúc tiến đầu tư, đảm bảo tính khả thi của dự án. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2018, có 23 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với số vốn gần 30.000 tỷ đồng và 28 dự án ký cam kết đầu tư với số vốn gần 150.000 tỷ đồng. Hầu hết các dự án được triển khai đúng tiến độ, một số dự án đã được ký kết khi hoàn thành sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Song song với các chính sách ưu đãi hỗ trợ, Quảng Bình xác định rõ vai trò quan trọng của nhà đầu tư đối với sự phát triển của tỉnh, đồng thời xem việc đồng hành cùng nhà đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền tỉnh Quảng Bình.
Nhằm hướng tới cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, thực hiện đạt hiệu quả cao nhất công tác giải quyết hành chính cho người dân, các tổ chức và doanh nghiệp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút nguồn lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Bình nói riêng và vùng Bắc Trung Bộ nói chung trong thời gian tới, tôi xin đưa ra một số đề xuất, giải pháp đột phá quan trọng sau:
Một là, thực hiện tốt công tác Quy hoạch: Công khai các quy hoạch, kế hoạch, dự án, các dữ liệu nhằm tạo điều kiện tốt nhất để DN tiếp cận thông tin và cơ hội đầu tư; thực hiện các quy hoạch vùng, mở rộng liên kết vùng và khu vực để phát huy được tiềm năng, thế mạnh cũng như huy động nguồn lực phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Cụ thể gồm:
Quy hoạch phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, trung tâm du lịch làm động lực phát triển: Xây dựng khu kinh tế Hòn La (phía Bắc tỉnh) thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, mang tính động lực; khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cha Lo thành đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng phía Tây của tỉnh, liên kết với Lào, Đông Bắc Thái Lan; phấn đấu đến năm 2020 có 8 khu công nghiệp phân bố trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã.
Trong những năm vừa qua và nhiệm kỳ tới Quảng Bình xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong đó tập trung đầu tư hình thành 4 trung tâm du lịch lớn: Phong Nha - Kẻ Bàng, Vũng Chùa - Đảo Yến, Nhật Lệ - Bảo Ninh - Hải Ninh, nghỉ dưỡng Bang và du lịch văn hóa, tâm linh phía Nam của tỉnh, trong đó xây dựng Phong Nha - Kẻ Bàng thành trung tâm du lịch của cả nước. Với mục tiêu đó, Quảng Bình cùng với các tỉnh và cần có sự chỉ đạo của Trung ương để phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng tổ chức, khai thác tốt các tiềm năng thế mạnh trong Chương trình du lịch “Con đường Di sản miền Trung” và xây dựng và triển khai thực hiện “Chương trình phát triển Du lịch miền Trung và Tây Nguyên trở thành ngành mũi nhọn”, phát triển “Vùng du lịch Bắc Trung Bộ”, xây dựng “thương hiệu điểm đến” chung cho cả Vùng trên cơ sở phát triển các nhóm liên kết tam giác, tứ giác hiện tại. Để tỉnh Quảng Bình và các tỉnh Bắc Trung Bộ phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngoài sự nỗ lực của các tỉnh trong vùng, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ xây dựng quy hoạch vùng, cơ sở hạ tầng kết nối; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá, kết nối tua, tuyến du lịch trong vùng.
Phát triển các hành lang kinh tế dọc đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 12A để huy động nguồn lực khai thác hợp lý, hiệu quả tiềm năng, thế mạnh vùng phía Tây của tỉnh (tài nguyên rừng, đất rừng, cây công nghiệp dài ngày, chăn nuôi...) để rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, tạo điều kiện cho DN đến đầu tư.
Đẩy mạnh liên kết vùng kinh tế trọng điểm Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch để trở thành vùng kinh tế tổng hợp, động lực phát triển của tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình trên cơ sở cùng có tiềm năng lớn về cảng nước sâu, công nghiệp nặng, đầu mối giao thông về đường bộ và đường biển, trao đổi thương mại với nước bạn Lào, vùng Đông bắc Thái Lan qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo,.... Đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm sự phát triển của vùng trọng điểm này.
Cần có giải pháp nâng cao năng lực vận tải biển, xây dựng hệ thống cảng biển của vùng.
Để thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo điều kiện cho tỉnh Quảng Bình nói riêng và các tỉnh trong vùng nói chung phát triển bền vững, đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương giúp đỡ tỉnh Quảng Bình và các tỉnh trong vùng xây dựng, phê duyệt quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần phải chú trọng đến liên kết vùng.
Hai là, thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư: Phối hợp các các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ tích cực vận động, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, tiếp xúc với các nhà đầu tư có tiềm năng, đưa các thông tin quảng bá về tiềm năng và thế mạnh của vùng, tỉnh lên các phương tiện, kênh thông tin có uy tín đặc biệt là tiềm năng về phát triển du lịch và sản xuất vật liệu xây dựng, công nghệ cao, năng lượng tái tạo nhằm thu hút vốn đầu tư, tạo động lực nhằm đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ba là, hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư: Các tỉnh cần phối hợp xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư chung, đồng bộ cho toàn vùng trong đó cần xác định rõ và tập trung cho các điểm hạt nhân để tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết chấp thuận một số cơ chế chính sách thúc đẩy sự phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung. Điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn để phù hợp với điều kiện thực tế của từng tỉnh nhằm chia sẻ, giải quyết khó khăn tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.
Bốn là, hoàn thiện cơ chế chính sách của Trung ương: Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sớm hoàn thiện tham mưu điều chỉnh Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31/12/2017 Quy định việc sắp xếp, xử lý tài sản công đảm bảo đồng bộ, phù hợp với các Luật có liên quan và thực tế trong quá trình triển khai nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đặc biệt, Trung ương cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ ưu đãi, đầu tư đối với vùng Bắc Trung Bộ có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn so với các vùng khác trong cả nước; có những chính sách nhằm hướng việc thu hút đầu tư vào các ngành khai thác lợi thế so sánh, phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội của từng vùng nhằm thúc đẩy Vùng Bắc Trung Bộ phát triển nhanh bền vững.
Năm là, cùng với các tỉnh trong vùng khắc phục và cải thiện để nâng cao những chỉ số thành phần còn thấp và tăng điểm trong năm 2019,... phấn đấu nâng cao chỉ số PCI của các tỉnh lên mức xếp vào nhóm có thứ hạng khá và tốt của cả nước nhằm tạo động lực cho thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp với phương châm “Chính quyền đồng hành, doanh nghiệp phát triển”
Sáu là, đầu tư cơ sở hạ tầng: trong thời gian qua mặc dù cơ sở hạ tầng tỉnh Quảng Bình tuy đã có bước phát triển, tỷ trọng vốn đầu tư phát triển các công trình hạ tầng giao thông/Tổng vốn đầu tư phát triển liên tục tăng lên, tuy vậy, so với yêu cầu chung, sự phát triển của hệ thống giao thông chưa tạo được bước đột phá cho nền kinh tế. Trong điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn, đầu tư công thắt chặt, kính đề nghị Bộ Giao thông vận tải cùng với Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung phối hợp cùng các địa phương, các bộ ngành khác rà soát quy hoạch chiến lược hệ thống hạ tầng của Vùng; xây dựng cơ chế điều phối Vùng trong việc đầu tư nâng cấp các cảng hàng không (sớm đưa cảng hàng không Đồng Hới thành cảng hàng không quốc tế), cảng biển, cảng đường thủy nội địa và giao thông kết nối Vùng nhằm tránh phân tán nguồn lực (kể cả kêu gọi đầu tư tư nhân) và gắn kết giữa cảng biển với hệ thống tổ chức logistics, các khu công nghiệp trong Vùng.
Ưu tiên xây dựng các tuyến đường cao tốc liên vùng, tuyến đường ven biển xuyên suốt toàn vùng, gắn với con đường này sẽ quy hoạch xây dựng hệ thống khu nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí cao cấp, đô thị ven biển gắn với việc bảo vệ hệ sinh thái ven biển trước các tác động của biến đổi khí hậu để thúc đẩy thu hút đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, phát triển du lịch bền vững tại các tỉnh.