Nghiên cứu - Trao đổi

Hoàn thiện pháp lý thu hút đầu tư cho dự án năng lượng tái tạo

Yến Nhung 22/09/2024 11:10

Trước những vướng mắc pháp lý, theo chuyên gia, cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế chính sách để thu hút đầu tư cho lĩnh vực cho dự án năng lượng tái tạo.

Thực tế cho thấy, vấn đề biến đổi khí hậu trên thế giới hiện nay đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Điều này đòi hỏi các nước phải đẩy mạnh tìm kiếm các phương án để một mặt ứng phó với biến đổi khí hậu, mặt khác vẫn đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu bền vững.

Để thúc đẩy việc triển khai các dự án điện “xanh”, theo chuyên gia, việc gỡ vướng từ chính sách là rất cần thiết - Ảnh minh họa: ITN
Tại Việt Nam, chuyển đổi năng lượng là yếu tố song hành với chuyển đổi công nghiệp theo hướng xanh, bền vững - Ảnh minh họa: ITN

Theo Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Việt Nam cần khoảng 134 tỷ USD để đầu tư vào phát triển mạng lưới truyền tải và sản xuất điện từ năng lượng tái tạo, điều này đòi hỏi phải tăng cường thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư xã hội cả trong và ngoài nước.

Mặc dù Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách để thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường năng lượng tái tạo, tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư “than khó” khi tham gia lĩnh vực năng lượng tái tạo do vướng mắc pháp lý.

Đơn cửa như Quyết định về cơ chế thúc đẩy phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam vẫn đang được Bộ Công thương xây dựng, khiến nhiều dự án điện mặt trời triển khai sau năm 2020 chưa có hướng giải quyết rõ ràng. Những trì hoãn này tạo ra sự không chắc chắn cho các nhà đầu tư và làm chậm tiến độ thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, hiện Việt Nam chưa có luật riêng về năng lượng tái tạo. Quy hoạch phát triển điện lực chưa đồng bộ với quy hoạch liên ngành như than, dầu khí, năng lượng tái tạo, giao thông…

Mặt khác, chính sách ưu đãi FiT (biểu giá điện hỗ trợ) không còn được áp dụng cho các dự án điện gió và điện mặt trời vận hành sau ngày 1/11/2021 nên các nhà đầu tư đã tạm dừng phát triển điện gió, điện mặt trời...

Về vấn đề này, TS Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, nhất là các loại năng lượng như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối không chỉ giúp ứng phó các tác hại đối với môi trường, mà còn tạo lợi thế lớn cho địa phương, quốc gia trong xu hướng xanh hóa toàn cầu.

Tuy nhiên, theo ông Lịch, tính đến hiện tại, “xanh hóa” hay “năng lượng tái tạo” vẫn đang còn là những cụm từ chưa thực sự quen thuộc với doanh nghiệp; khung quy định cho lĩnh vực này tại Việt Nam cũng chưa đầy đủ. Điều này dẫn đến tình trạng muốn làm nhưng không làm được hoặc làm nhưng bị trì hoãn do vướng.

"Không chỉ vậy, càng rủi ro hơn là việc thiếu quy định, hướng dẫn còn làm tăng nguy cơ phát sinh tranh chấp khiến nhà đầu tư và nhà nước đều quan ngại. Vì vậy, kỳ vọng các chuyên gia có kinh nghiệm, đặc biệt về mặt pháp lý có thể đồng hành để tư vấn, hỗ trợ trong tiến trình thu hút đầu tư và triển khai các dự án năng lượng tái tạo nhằm giúp quá trình đầu tư, vận hành diễn ra an toàn, đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia", TS Trần Du Lịch chia sẻ.

46403 (1)
Theo chuyên gia, cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế chính sách để thu hút đầu tư cho lĩnh vực cho dự án năng lượng tái tạo - Ảnh minh họa: ITN

Trong khi đó, ông Seck Yee Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam cho hay, các nhà đầu tư nước ngoài rất mong muốn có cơ hội tham gia vào thị trường phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam. Tuy nhiên, họ phải đối mặt rất nhiều thách thức, nhất là khả năng vay vốn không cao cho các dự án tại Việt Nam. Điều này có nghĩa, phải thay đổi khung chính sách, hợp đồng mẫu để “gỡ” cho nhà đầu tư.

“Để thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công tác quy hoạch, chuẩn bị quỹ đất, minh bạch trong đấu thầu và các chính sách hỗ trợ, thủ tục phê duyệt, cấp phép dự án cần cụ thể, rõ ràng, nhanh chóng”, ông Seck Yee Chung nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Quốc Vinh (trọng tài viên VIAC) thông tin, vừa qua đã có 3 nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực năng lượng xanh đã rời Việt Nam. Qua đó cho thấy rất cần sự ổn định chính sách để giữ chân nhà đầu tư.

Theo ông Vinh, các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam đối mặt với nhiều rủi ro về tính ổn định chính sách, về xây dựng và vận hành cũng như doanh thu.

“Nhà nước cần chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư. Đầu tiên cần bảo đảm chính sách ổn định, ít nhất giúp họ có thể tiên liệu được những khó khăn, vướng mắc”, Luật sư Nguyễn Quốc Vinh chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hoàn thiện pháp lý thu hút đầu tư cho dự án năng lượng tái tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO