“Hội An không đánh đổi thương hiệu bằng thu ngân sách”

TUẤN VỸ 05/04/2023 08:30

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) trước những xôn xao dư luận về việc thu vé tham quan khu phố cổ đối với khách du lịch.

>>VCCI và Citibank cam kết trở thành cầu nối vững chắc cho hợp tác doanh nghiệp Việt - Mỹ

TP Hội An vừa có kế hoạch về việc thực hiện phương án tăng cường công tác quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan Khu phố cổ Hội An, tuy nhiên vấn đề thu vé tham quan đối với tất cả khách du lịch đã gây xôn xao dư luận. Trao đổi với Diễn Đàn Doanh Nghiệp, ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho hay địa phương không đánh đổi thương hiệu bằng việc thu ngân sách, hiện tại cộng đồng địa phương và doanh nghiệp đang có hiểu lầm về kế hoạch.

Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An nhấn mạnh địa phương sẽ không đánh đổi thương hiệu bằng thu ngân sách.

Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An nhấn mạnh địa phương sẽ không đánh đổi thương hiệu bằng thu ngân sách.

- Thưa ông, vừa qua đã có thông tin về việc thành phố ban hành kế hoạch cải thiện môi trường du lịch địa phương, trong đó nổi lên vấn đề thu tiền vé đối với du khách từ ngày 15/5. Xin ông chia sẻ thêm về mục đích của hoạt động này?

Chúng ta nên hiểu vấn đề thế này, không chỉ đơn thuần là chuyện bán vé mà Hội An đang làm một hoạt động tổng lực về việc cải thiện môi trường du lịch theo chỉ đạo chung của UBND tỉnh Quảng Nam. Trong đó, việc cải thiện môi trường có rất nhiều vấn đề và Hội An đang chọn một số vấn đề nổi bật để triển khai trước.

Trước hết, Hội An chọn năm 2023 để triển khai cải thiện môi trường du lịch trên lĩnh vực trật tự đô thị, an toàn cho du khách, trật tự không gian và vệ sinh môi trường, cảnh quan. Lấy chủ đề năm là lập lại trật tự đô thị và mỹ quan đô thị.

Thứ hai là qua chiến dịch cao điểm tổng ra quân để dọn dẹp vỉa hè, đặc biệt địa bàn trọng yếu là khu phố cổ để mở rộng ra các khu vực xung quanh. Qua đó làm cho khu phố cổ tươm tất hơn, sạch đẹp hơn.

Thứ ba là mở rộng tuyến phố đi bộ Phan Châu Trinh, từ đó siết chặt lại phương án quản lý và bán vé tham quan. Lý do là những năm vừa rồi dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực và địa phương đã “thả” vé, du khách đã đến với khu phố cổ tự do trong thời gian qua.

Khách du lịch mua vé tham quan khu phố cổ Hội An.

Khách du lịch mua vé tham quan khu phố cổ Hội An.

Tuy nhiên là địa phương sống nhờ du lịch, là nguồn thu chủ yếu của nhân dân và Nhà nước nên vấn đề quản lý cần được sát sao hơn.  Hội An không chỉ có phố cổ mà còn có nhiều khu vực lân cận, cho nên địa phương không chỉ muốn làm chặt tại khu vực này mà còn dựa trên mối quan hệ tổng hòa với tầm nhìn toàn cục, lấy khu phố cổ làm trọng điểm nhưng phải có tác động đến mối quan hệ tương hỗ bên ngoài.

Trong những năm qua, nguồn thu của Hội An không có gì nhưng địa phương vẫn cố gắng duy trì, giá vé vẫn giảm, không thu ngân sách nhưng vẫn làm. Điều đó cho thấy rằng chính quyền và nhân dân Hội An không phải đem lợi ích kinh tế, không phải lấy lợi ích ngân sách làm hàng đầu, tối thượng, trong khi ngân sách là thiết yếu để địa phương hoạt động.

Lấy ví dụ trong năm 2022, số liệu thống kê từ những bãi xe lớn, các tour báo cáo thì có 1.530.000 lượt khách nhưng chỉ có khoảng 350.000 người mua vé tham quan, ở mức độ 1/5. Nhưng thành phố phải bỏ ra nhiều công sức, con người để phục vụ chừng đó khách du lịch, như vậy là bất công bằng.

Nếu tình trạng này kéo dài, đừng nói đến chuyện thất thu mà còn mang lại tiêu cực. Vì vậy cần phải sắp xếp lại, bồi dưỡng nguồn thu. Song hành với đó là phát triển sản phẩm mới và nâng cao chất lượng phục vụ.

Cùng với đó, việc mở rộng không gian đến đường Phan Châu Trinh là để đúng theo cơ chế quản lý là khu vực 1, thêm khoảng "thở" cho khu vực phố cổ, chứ không phải để thu nhiều tiền hơn.

- Vậy thì, ông có thể thông tin thêm về việc bán vé tham quan trong khu phố cổ hiện nay?

Thực tế, việc bán vé đã được tiến hành từ năm 1995. Lúc đó đã có một cuộc đấu tranh kịch liệt giữa Nhà nước Thị xã Hội An (lúc chưa lên thành phố- PV) với cộng đồng doanh nghiệp, mặc dù lúc đó du lịch vẫn chưa phát triển mạnh mẽ.

Bởi lẽ, Hội An đã cho thấy tình trạng bán vé riêng lẽ từng di tích gây lỗ vốn rất nhiều so với việc bán vé trọn gói tham quan. Lúc đó, tỉnh đã có 2 barie để thu phí người dân tại các khu vực ra vào địa phương, sau đó dịch chuyển vào khu vực dành cho những người tham quan khu phố cổ đối với khu vực 1.

Hội An đang là điểm đến được khách du lịch trong nước và quốc tế ưa chuộng lựa chọn.

Hội An đang là điểm đến được khách du lịch trong nước và quốc tế ưa chuộng lựa chọn.

Từ đó đến nay, địa phương đã có 7 lân thay đổi phương thức bán vé tham quan. Đồng thời, thay đổi cơ cấu ô vé, từ giai đoạn chỉ có hơn 10 ô vé đến nay đã có 25 ô vé. Trong đó, các điểm này không chỉ bán vé cho các địa điểm tham quan Nhà nước quản lý mà còn bán vé cho các di tích tập thể và tư nhân. Thậm chí, địa phương còn có một chính sách ưu đãi cho di tích tư nhân đó là lấy di tích nuôi di tích, để họ có sinh kế, được hỗ trợ từ 10 – 13% từ kết quả bán vé.

Từ đó cho thấy rằng Hội An không phải tận thu ngân sách.

- Với mức giá 80.000 đồng cho khách nội địa và 120.000 đồng cho khách quốc tế, mức tính toán này được xây dựng ra sao, thưa ông?

Đối với khách Việt Nam với mức giá 80.000 đồng đã có quy chế quản lý khu phố cổ Hội An từ năm 2020 của UBND tỉnh Quảng Nam đã nêu rõ. Tại mục 1, Điều 14 nêu khách du lịch phải mua vé tham quan trước khu vào khu phố cổ. Tại khoản a, mục 2 yêu cầu đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành có trách nhiệm mua vé tham quan cho khách du lịch.

Cùng với đó, Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Nam đã quy định mỗi di tích trên địa bàn TP Hội An sẽ thu giá vé từ 20.000-30.000 đồng/ di tích. Địa phương đã dựa vào đó để xây dựng khung giá vé và thống nhất mỗi di tích sẽ thu phí 20.000 đồng.

Vì vậy dẫn đến câu chuyện giá vé 80.000 đồng và 120.000 đồng. Đối với khách nội địa giá vé 80.000 đồng sẽ có 4 vị trí tham quan. Đầu tiên, 20.000 đồng sẽ là tham quan khu phố cổ, sau đó là 3 di tích với 60.000 đồng.

Đối với khách quốc tế là 120.000 thì sẽ đến 6 di tích. Và 6 di tích này thực sự đã đi hết không gian của phố cổ nên không đưa việc tham quan khu phố cổ vào giá vé.

Thời gian tới, địa phương sẽ phân luồng rõ khách du lịch và người dân để ra soát công tác bán vé, phục vụ du lịch.

Thời gian tới, địa phương sẽ phân luồng rõ khách du lịch và người dân để ra soát công tác bán vé, phục vụ du lịch.

Và tại các di tích khách du lịch nội địa có 3 ô vé đã đến 3 di tích của tư nhân, tại đây có các không gian phù hợp với người Việt và khuyến khích chủ sở hữu các di tích mở cửa để đón du khách. Còn lại, khi đến các điểm của Nhà nước mà ngành văn hóa quản lý thì sẽ miễn phí.

Ngoài ra, địa phương cũng có chủ ý người nước ngoài nên tham quan đầy đủ hơn để hiếu thêm về văn hóa của người Việt. Do đó tích hợp thêm những khu vực Đình, Chùa, Hội Quán,... cho khách quốc tế. Mà đây lại là các khu vực quen thuộc của người Việt và khách du lịch có thể tham quan miễn phí ngay tại địa phương mình sống mà không tốn phí. Còn lại, tại khu vực chùa Cầu, bảo tàng thì hầu như là miễn phí, vì vậy địa phương không có sự phân biệt.

Đặc biệt, giá vé tại Hội An so với những địa phương khác hiện nay vẫn đang rất rẻ. Nếu nói về vấn đề tăng giá vé, Hội An có khả năng sẽ tăng giá vé được, nhưng sẽ có lộ trình phù hợp nên quan điểm về việc địa phương thu vé để tăng nguồn thu là không đúng.

- Tuy nhiên, dư luận vẫn có những xôn xao cho rằng có việc tận thu đối với khách nội địa và nhập nhằng trong phân biệt người dân địa phương. Xin ông nói thêm về vấn đề này? 

Đối với vấn đề thu vé, chúng ta phải hiểu rõ về khái niệm khách du lịch. Khách du lịch tại đây có quốc tế và trong nước. Và  khách du lịch được phục vụ bình đẳng như nhau.

Và việc phân luồng chia lối không phải để phân biệt giữa khách quốc tế và khách nội địa mà là để phân lối đi cho khách du lịch mua vé và người bản địa (đối tượng không phải mua vé). Trong  đó, tại các địa kiểm soát vé chúng ta sẽ “kéo” ra khỏi không gian phố cổ để chia thành 2 làn đường, tại đây sẽ phân rõ làn đường dành cho khách tham quan và làn dành cho người dân để tạo tiện ích và thực hiện văn minh du lịch, nhường hàng và không chen lấn.

Trong đó, nhấn mạnh rằng trách nhiệm của người dân chúng ta là “chủ nhà”, nên chúng ta phải nhường nhịn hơn cho khách du lịch và các doanh nghiệp lữ hành cũng đưa khách đi đúng khu vực. Chưa kể đến là tránh được những hiện trạng tiêu cực như móc túi và các hướng dẫn viên đưa khách đi “chui”, như vậy khách sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong khi tham quan cũng như tốn kinh phí mà không được tiếp cận di tích.

- Vậy câu chuyện nhận diện du khách sẽ thực hiện thế nào, thưa ông?

Đối với khách du lịch đã mua vé tham quan thì không cần phải bàn tới, mà địa phương đang hướng đến điều chỉnh đến khách du lịch theo đoàn, theo tour của các công ty lữ hành có hướng dẫn viên đưa vào. Qua đó, đảm bảo quyền lợi cho du khách vì người ta đã trả tiền vé trước đó nên họ phải được có vé, được phục vụ, thuyết minh về Hội An nhiều hơn. Chưa kể đến là câu chuyện xoay vòng vé, hướng dẫn viên sẽ mua vé đã sử dụng về để thanh lý tại công ty.

Thứ hai là những người không theo đoàn, tour mà đi theo nhóm đến Hội An và thật sự muốn đi tham quan.

Thứ ba là để khuyến nghị, kêu gọi du khách vào phố cổ có trách nhiệm trong việc bảo tồn di tích.

Còn lại, đối với người dân thì sẽ bao gồm người dân bản địa, người dân từ các nơi về Hội An thăm người nhà, lao động, kinh doanh,... thì sẽ không thu vé. Và ở đây sẽ là xác xuất tương đối, không phải tuyệt đối như khách du lịch. Ngoài ra, người dân nếu muốn vào phố ăn uống hay dạo phố thì vẫn bình thường.

Nhấn mạnh rằng, Hội An vẫn luôn có cơ chế “xả vé” và miễn giảm. Nếu đi đoàn 15 người sẽ được giảm 1 vé, đi đoàn 8 người sẽ miễn phí thuyết minh hay khách dưới 16 tuổi cũng sẽ được miễn phí, giảm vé cho học sinh, sinh viên,... Ngoài ra tại các dịp lễ, sự kiện Hội An vẫn miễn phí vé cho tất cả du khách ra vào tự nhiên

Và thực tế rằng, nếu là khách du lịch thì mức vé 80.000 đồng để tham quan di tích là không lớn và người kinh doanh tại khu vực cũng sẽ được hưởng lợi từ việc này. Trong đó, đối tượng khách du lịch mua vé sẽ là những người tiêu xài nhiều, mua sắm và ăn uống nhiều hơn.

Đặc biệt, nguồn thu từ bán vé sẽ phục vụ lại cho công tác bảo tồn di sản và sửa soạn phố cổ. Hiện địa phương đang dành 50% cho việc trùng tu, bảo tồn. Tùy theo loại di tích sẽ được hỗ trợ từ 35% đến 75%, có loại di tích đặc biệt sẽ được hỗ trợ 100% cho việc trùng tu. Còn lại 50% sẽ chi có các hoạt động của môi trường, quản lý, xây dựng cơ bản,...

Trước đây đã có một cuộc tranh cãi về vấn đề này vào năm 2012. Tuy nhiên sau khi một người hiểu rõ vấn đề thì việc triển khai đã nhận được nhiều sự ủng hộ. Và bây giờ vẫn vậy, Hội An vẫn đang thực hiện theo đúng cơ chế, không có những lệch lạc hay cố ý tận thu từ du lịch.

Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Cấp sổ hồng cho condotel trong tháng 5/2023

    Cấp sổ hồng cho condotel trong tháng 5/2023

    20:58, 04/04/2023

  • Bình chọn và trao danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2023

    Bình chọn và trao danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2023

    22:35, 04/04/2023

  • Đứng cuối “đồ thị nụ cười”, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần thêm lực đẩy

    Đứng cuối “đồ thị nụ cười”, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần thêm lực đẩy

    20:58, 04/04/2023

  • Thái Bình: Xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời đại công nghiệp 4.0

    Thái Bình: Xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời đại công nghiệp 4.0

    20:47, 04/04/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Hội An không đánh đổi thương hiệu bằng thu ngân sách”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO