Chỉ sau một tuần, cơn “sốt” đất Bình Phước đã “nguội”, một lần nữa đây là hồi chuông cảnh tỉnh đến nhà đầu tư muốn “ôm đất chờ thời”.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp phản ánh mới đây, sau khi đoàn công tác của Tỉnh ủy Bình Phước đi khảo sát khu vực làm sân bay lưỡng dụng (phục vụ kinh tế và quân sự), một số đối tượng đã tự ý san ủi xây dựng đường giao thông trên đất nông nghiệp. Các đối tượng này quảng cáo, rao bán các khu đất nền, đất sào không hợp pháp trên các trang mạng xã hội hoặc phát tờ rơi, đẩy giá đất lên cao gấp nhiều lần so với giá trị thực tế.
Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, “bong bóng” bất động sản tại đây đã vỡ chỉ sau một tuần, theo phản ánh của người dân, đến ngày 28/2, các tụ điểm từng nhộn nhịp “người mua kẻ bán” thì nay vắng hoe, lác đác chỉ còn vài cò đất ngồi chờ khách.
Trước đó, nhiều tỉnh đã có đề xuất bổ sung quy hoạch sân bay dân dụng ở các địa phương như Hà Tĩnh, Hà Giang, Ninh Bình, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội (sân bay thứ 2), Vũng Tàu… đều trong tình trạng tương tự.
Song có một thực tế là câu chuyện các địa phương “đua nhau” đề xuất sân bay từng xảy ra hơn 10 năm trước, nay không ít sân bay hoạt động cầm chừng, mỗi ngày chỉ có 1 chuyến bay, rất lãng phí.
Trong khi đó, với các đề xuất xây dựng sân bay, kỳ vọng về phát triển kinh tế, hạ tầng chưa thấy, nhưng các làn sóng sốt đất đều nhen nhóm, xảy ra ở các địa điểm đề xuất, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, thị trường địa ốc của địa phương đó.
Tại Vũng Tàu, khi giới đầu cơ bất động sản từ các tỉnh thành lân cận đổ dồn về khu vực xã đảo Long Sơn, TP Vũng Tàu tìm mua đất sau khi có thông tin tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ triển khai dự án sân bay Gò Găng, khiến giá đất nơi đây tăng chóng mặt. Hay với đề xuất sân bay quốc tế thứ 2 của Vùng Thủ đô tại huyện Ứng Hòa mới dừng ở mức đề xuất nhưng nhiều người đã mơ về chuyện giá đất sẽ "cất cánh" như trường hợp sân bay Long Thành. Sau thời gian “sốt” giá, môi giới rút đi, thị trường “hạ nhiệt”, lượng giao dịch chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, câu chuyện ăn theo thông tin sân bay Long Thành trong bất động sản cần suy nghĩ bởi các TP lớn trên thế giới có sân bay như Tokyo, Seoul… từ sân bay về trung tâm dường như không có nhà ở, chỉ có các nhà máy, việc mua đất dọc đường rất khó.
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương cho rằng, một đô thị phát triển không chỉ có yếu tố hạ tầng giao thông mà còn đòi hỏi sự phát triển tương xứng của hạ tầng kinh tế - xã hội để lôi kéo người dân về sinh sống.
Mặt khác, theo ông Hoàng Liên Sơn - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Môi giới bất động sản AlphaReal, trên thực tế, giá đất khó có thể tăng theo quy hoạch sân bay, trừ trường hợp ngoại lệ như sân bay Tân Sơn Nhất nằm ở khu vực nội thành. Còn ở khu vực ngoại thành, sân bay vốn chỉ là điểm dừng chân, khách đến là đi vào trung tâm chứ không ở lại sân bay. Khi giá trị hạ tầng, kinh tế quanh sân bay không tăng thì giá đất cũng sẽ đứng lên theo.
Đã có rất nhiều bài học nhãn tiền cho việc đầu tư ăn theo nhằm đón sóng quy hoạch trong năm nay và nhiều năm trước ở những khu vực vùng ven Hà Nội và TP.HCM. Thực tế nhiều nhà đầu tư đã phải “ôm bom” khi không tháo chạy kịp khỏi cơn sốt đất.
Trong khi đó, mới đây dự thảo báo cáo quy hoạch cuối kỳ của Bộ Giao thông Vận tải, trong giai đoạn 2021- 2030, tư vấn đề nghị không bổ sung cảng hàng không mới so với hệ thống cảng hàng không đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Giai đoạn đến năm 2050, tư vấn đề xuất bổ sung cảng hàng không Cao Bằng.
Các chuyên gia cảnh báo các nhà đầu tư cẩn trọng trước các làn sóng “sốt đất” ăn theo quy hoạch, để không ai dẫm lên vết xe đổ của vòng xoay sốt ảo, hướng tới một thị trường bất động sản minh bạch và lành mạnh.
Có thể bạn quan tâm