Cộng đồng doanh nghiệp đang trải qua giai đoạn khó khăn “chưa từng có”, nhưng “lửa thử vàng”, dù trong hoàn cảnh nào bản lĩnh, phẩm chất của những doanh nhân vẫn luôn tỏa sáng.
>>> TP Phổ Yên năng động, văn minh, hiện đại
Diễn đàn Doanh nghiệp trò chuyện cùng ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc công ty TNHH Cường Đại (TP PHổ Yên, Thái Nguyên), Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP Phổ Yên.
- Thưa ông, công tác phát triển hội viên được Hội doanh nghiệp TP Phổ Yên quan tâm trong thời gian qua như thế nào?
Hội doanh nghiệp TP Phổ Yên được thành lập từ năm 2010, là nơi tập hợp nguồn trí tuệ, kinh tế cho sự phát triển chung của thành phố và của tỉnh Thái Nguyên. Hơn 13 năm qua, Hội luôn là ngôi nhà chung, là một “sân chơi” cho cộng đồng doanh nghiệp liên kết, giao thương tìm kiếm thị trường, khai thác các thế mạnh của nhau để cùng nhau phát triển. Do đó, Hội doanh nghiệp TP Phổ Yên đã ngày càng khẳng định được vai trò trong xã hội, vị thế của đội ngũ doanh nhân ngày càng được nâng cao, doanh nghiệp ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng.
Những hoạt động của Hội đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của TP Phổ Yên nói riêng và của tỉnh Thái Nguyên nói chung.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Phổ Yên có gần 1000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có 600 doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào tổ chức Hội doanh nghiệp của thành phố. Các doanh nghiệp này hoạt động trên 3 lĩnh vực kinh tế chủ yếu là: Nhóm đầu tư xây dựng; nhóm thương mại - dịch vụ; nhóm sản xuất.
Việc phát triển số lượng hội viên đã giúp cho Hội Doanh nghiệp TP Phổ Yên xây dựng, phát động được ngày càng nhiều phong trào, hoạt động có ý nghĩa thiết thực, đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương. Đến nay, nhiều phong trào do Hội phát động đã có sức lan tỏa rộng rãi, thu hút sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp, điển hình là việc tham gia đóng góp vào các quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, tặng quà các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài tỉnh…
- Những khó khăn, vướng mắc chủ yếu mà cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt hiện nay là gì, thưa ông?
Có thể nói, cộng đồng doanh nghiệp đang trải qua giai đoạn khó khăn “chưa từng có” do tác động cảu thị trường trong nước và thế giới, xung đột vũ trang, lạm phát,… Trong đó, phải kể đến các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành xuất nhập khẩu. Do thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp buộc phải hoạt động cầm chừng, cắt giảm chi tiêu, cắt giảm nhân sự.
Cùng với đó, các quy định mới về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đang gây khó cho doanh nghiệp, như: xây dựng hệ thống bể chứa nước, lắp đặt các thiết bị PCCC, lựa chọn và sử dụng sơn chống cháy tĩnh điện bên trong nhà xưởng, tòa nhà. Đơn cử, theo quy định, tất cả các khu nhà xưởng phải được sơn tĩnh điện với chi phí quá lớn khiến tăng chi phí xây dựng, doanh nghiệp lại phải “gồng mình” chịu. Một số nhà xưởng đã xây dựng xong, nhưng theo quy định của PCCC thì phải xây dựng lại, đây là quy định rất bất cập, cần phải sửa đổi. Nhiều khách sạn trên địa bàn TP Phổ Yên hiện nay chưa được nghiệm thu PCCC do vướng các quy định nêu trên.
Mặc dù trong thời gian, các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên, cơ quan công an tại địa phương đã tích cực tháo gỡ nhưng chưa đáp ứng được cộng đồng doanh nghiệp.
Do đó, doanh nghiệp đề xuất tỉnh Thái Nguyên kiến nghị các bộ ngành TW, Bộ Công an thay đổi quy định cho phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp (chẳng hạn, đối với các nhà xưởng có kết cấu thép toàn bộ, nguy cơ cháy nổ thấp thì trong quá trình nghiệm thu nên linh động hơn); giảm thiểu các TTHC, các quy định để giúp cộng đồng doanh nghiệp hoạt động, phục hồi sản xuất kinh doanh.
>> Giải pháp nâng cao lợi thế cạnh tranh thông qua sức mạnh thương hiệu cho doanh nghiệp
>> Doanh nghiệp muốn cắt giảm điều kiện vay vốn
- Với vai trò là Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP Phổ Yên, ông đánh giá thế nào về môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh?
Thái Nguyên đang nổi lên là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư, kinh doanh khu vực trung du và miền núi Bắc bộ. Có thể nói, Thái Nguyên đang có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để bứt phá đi lên khi dòng vốn FDI và DDI liên tục chảy về đây, đặc biệt đối với TP Phổ Yên – một cực kinh tế phát triển nhanh của tỉnh Thái Nguyên. Đây cũng là cơ hội lớn cho doanh nghiệp TP Phổ Yên phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch, tìm kiếm đối tác sản xuất, kinh doanh.
Thái Nguyên có đường liên kết vùng, vốn đầu tư hơn 4000 tỷ đồng, là tuyến đường huyết mạch để tạo “bệ phóng” cho Thái Nguyên phát triển, giúp kết nối giao thông, giao thương giữa các địa phương trong tỉnh và các tỉnh/thành khác, như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Cùng với những lợi thế về hạ tầng, cơ sở vật chất, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cũng luôn quan tâm đến công tác phát triển doanh nghiệp, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh năng động, thông thoáng. Nhiều hội nghị đối thoại doanh nghiệp đã được UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức để lắng nghe, phân tích và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đang gặp phải. Đặc biệt, việc Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Thái Nguyên tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri là doanh nghiệp tháng 7/2023 vừa qua cho thấy tinh thần cầu thị, lắng nghe của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đối với cộng đồng doanh nghiệp. Đây là điểm đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, và cũng chưa từng có trong tiền lệ của tỉnh Thái Nguyên nhiều năm qua. Thông qua đây, cộng đồng doanh nghiệp được “giãi bày” những tâm tư, nguyện vọng cần được giải quyết, mong muốn chính quyền tỉnh Thái Nguyên tiếp tục có những quan tâm, ban hành những cơ chế, chính sách thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho tỉnh.
- Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, ông có nhắn nhủ gì tới cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân?
Cộng đồng doanh nghiệp hiện đang phải “gồng mình” đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn do suy thoái toàn cầu. Doanh nghiệp, doanh nhân luôn là động lực phát triển đất nước. Sức khỏe của doanh nghiệp cũng là sức khỏe của đất nước, của địa phương.
Bây giờ là lúc thử thách bản lĩnh của doanh nghiệp hơn lúc nào hết. Tôi mong muốn cộng đồng doanh nhân hãy “vững tay chèo” để chèo lái “con thuyền” doanh nghiệp vượt qua sóng gió; cần có niềm tin vượt qua dù có khó khăn đến đâu. Với truyền thống đoàn kết, sự kiên cường của dân tộc và của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, chúng ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Tôi mong muốn đội ngũ doanh nhân tiếp tục phát huy vai trò là lực lượng chủ lực, xung kích trên mặt trận kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế; các doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục nỗ lực nâng cao trình độ quản lý, năng lực cạnh tranh, đoàn kết, hợp tác trong các phong trào của Hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của TP Phổ Yên và tỉnh Thái Nguyên.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý cho đầu tư kinh doanh
16:30, 11/10/2023
Hội Doanh nghiệp Đồng Hỷ (Thái Nguyên): Liên kết để phát triển bền vững
21:58, 10/10/2023
Cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, đồng lòng xây dựng Thái Nguyên sung túc, phát triển
17:14, 05/10/2023
Thái Nguyên đặt mục tiêu vào nhóm địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt
09:45, 19/08/2023