UBND tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành kế hoạch số 151/KH-UBND về cải thiện và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 và các năm tiếp theo.
>>> PCI – Động lực tăng trưởng kinh tế Thái Nguyên
Theo kế hoạch này, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu tạo sự thay đổi tích cực, rõ nét hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp theo hướng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; phấn đấu đưa tỉnh Thái Nguyên vào nhóm các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế Tốt. Từ đó, tỉnh trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực về thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn cho người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư, phát triển bền vững.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng, trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo công tác cải thiện môi trường đâu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; công tác hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp của các cấp chính quyền được triển khai đồng bộ, kịp thời. Chỉ số PCI hằng năm của tỉnh đã cải thiện về điểm số và thứ hạng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế và đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn chưa cao.
Những hạn chế nêu trên, theo ông Trịnh Việt Hùng, do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Trong các nguyên nhân chủ quan có nguyên nhân từ một số cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng và cạnh tranh ngày càng khó khăn như hiện nay.
Báo cáo thường niên Chỉ số PCI năm 2022 cho thấy, Thái Nguyên đạt 66,10 điểm, xếp thứ 25, tăng 3 bậc (tăng 1,29 điểm) so với năm 2021 và nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI năm 2022. Trong số 10 chỉ số thành phần được đánh giá thì có 6 chỉ số tăng điểm, gồm: 2 chỉ số có điểm số dưới 6; 1 chỉ số trên 6 và 3 chỉ số trên 7 điểm. Có 4/10 chỉ số giảm điểm, gồm: Chi phí thời gian; Cạnh tranh bình đẳng; Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh; Đào tạo lao động.
Để cải thiện và nâng cao hơn nữa PCI năm 2023, theo UBND tỉnh Thái Nguyên, cần có sự thống nhất nhận thức chung về PCI trong bộ máy chính quyền. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố cần quán triệt nhận thức sâu sắc và thống nhất hành động trong các tổ chức Đảng, trong cán bộ, Đảng viên về nhiệm vụ nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh; tăng cường lãnh đạo, kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh kịp thời công tác cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư và đồng hành cùng doanh nghiệp.
Việc đánh giá PCI của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mang tính khách quan, thể hiện tiếng nói của doanh nghiệp về chất lượng điều hành kinh tế địa phương. Bộ máy chính quyền cần xem đây là cơ sở để hành động nhằm tạo đột phá, thay đổi tích cực hơn; cần có các giải pháp tổng thế, mạnh mẽ hơn, tập trung vào mục tiêu cải thiện và khắc phục. Kết quả Chỉ số PCI có cải thiện hay không phụ thuộc vào quyết tâm hành động của người đứng đầu, của từng cán bộ, công chức trực tiếp làm việc với người dân, doanh nghiệp.
Đối với nhiệm vụ cải thiện chỉ số “Gia nhập thị trường”, UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị liên quan tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đầu tư; tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp nhà đầu tư thực hiện TTHC trước và sau đăng ký thành lập doanh nghiệp; niêm yết các bộ TTHC, công khai mức phí và lệ phí tại bộ phận một cửa để tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận…
Về Chỉ số “Tiếp cận đất đai”, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các sở, ban, ngành địa phương tiếp tục rút ngắn quy trình, thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp; thường xuyên, kịp thời cung cấp thông tin, dữ liệu về đất đai, kế hoạch sử dụng đất hàng năm để giới thiệu, thu hút đầu tư. Đồng thời, chủ động nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực đất đai, môi trường; công khai quy hoạch các khu công nghiệp để phục vụ thu hút đầu tư; thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, nhà đầu tư,…
>> DDCI Thái Nguyên 2022: Doanh nghiệp mong muốn gì từ chính quyền?
>> Thái Nguyên: Thông qua nhiệm vụ quy hoạch thêm gần 2.000ha đất công nghiệp
Đối với các chỉ số: Tính năng động của chính quyền, Tính minh bạch, Chi phí không chính thức, Cạnh tranh bình đẳng, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động,… UBND tỉnh Thái Nguyên đưa ra các nhiệm vụ cụ thể đối với các sở, ngành phụ trách trực tiếp, trong đó tập trung chủ yếu vào công tác cải cách TTHC, rút ngắn thời gian thực hiện các TTHC, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, đa dạng các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh chính quyền số…
Có thể thấy, với 10 chỉ số thành phần, được chấm điểm thông qua 142 chỉ tiêu, từ nhiều năm nay, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã trở thành “thước đo” đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường đầu tư, kinh doanh, cũng như sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Nâng cao PCI là một trình dài, để có được thứ hạng tốt nhất cần sự vào cuộc quyết tâm, sự chung tay, nỗ lực của tất cả các sở, ngành, địa phương trên hành trình đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp của vùng Trung du miền núi phía Bắc và của cả nước.
Có thể bạn quan tâm
Khởi công khu đô thị cao cấp quy mô hơn 300 tỷ tại Thái Nguyên
20:00, 24/07/2023
Thái Nguyên: Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi nhiều Luật, Nghị định
17:05, 11/07/2023
Thái Nguyên cấm phân lô bán nền
14:57, 29/06/2023
Thái Nguyên: Thành phố Sông Công đối thoại cùng doanh nghiệp
20:11, 03/06/2023
Tỉnh Thái Nguyên đồng hành cùng doanh nghiệp
08:35, 27/05/2023
Thành phố Sông Công (Thái Nguyên) quyết tâm hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II
06:42, 10/05/2023