Quảng Nam là điểm tựa cho cộng đồng khởi nghiệp phát triển, giúp hàng loạt sản phẩm khởi nghiệp chất lượng cao đã và đang có mặt ở thị trường trong và ngoài nước….
Các hội, câu lạc bộ khởi nghiệp tại Quảng Nam là điểm tựa cho cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển, giúp hàng loạt sản phẩm khởi nghiệp chất lượng cao đã và đang có mặt ở thị trường trong và ngoài nước...
Quảng Nam hiện có 25 dự án khởi nghiệp cấp vùng, quốc gia, 148 dự án khởi nghiệp cấp tỉnh, 27 mạng lưới hội khởi nghiệp sáng tạo và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, 14 hợp tác và liên kết khởi nghiệp sáng tạo.
Việc thành lập các hội, câu lạc bộ (CLB) tại Quảng Nam đã tạo liên kết giữa các chủ thể với chính quyền địa phương, các sở, ngành hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ tổ chức sự kiện, diễn đàn liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo, cung cấp dịch vụ tư vấn, đào tạo hỗ trợ cho startup, thiết lập các tổ chức hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Đặc biệt, các hội, CLB khởi nghiệp sáng tạo đã thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Quảng Nam, tạo cơ hội kết nối các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy quá trình khởi nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, khoa học công nghệ.
Phong trào khởi nghiệp tỉnh Quảng Nam khởi sắc, phát triển mạnh hơn khi các doanh nghiệp cùng hỗ trợ nhau phát triển từ những cơ chế chính sách, sự quan tâm của nhà nước. Qua quá trình hỗ trợ, các startup có thêm động lực, nguồn vốn để đầu tư cho dự án cơ sở, thiết bị máy móc, công nghệ… để tạo ra sản phẩm chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Chủ tịch UBND TP. Tam Kỳ Nguyễn Duy Ân cho biết: Quyết tâm của Thành phố luôn quan tâm, hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Hội khởi nghiệp sáng tạo thành phố Tam Kỳ đã có những hoạt động sôi nổi với số lượng hội viên tham gia ngày càng nhiều, đa dạng ngành nghề, lĩnh vực hoạt động đã tạo điểm tựa cho cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo thành phố phát triển rộng khắp.
Hội Khởi nghiệp sáng tạo TP Tam Kỳ tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng cho các doanh nghiệp/HTX, kết nối doanh nghiệp phát triển thương hiệu. Với các hoạt động khởi nghiệp quy mô lớn cấp tỉnh, cộng động startup Tam Kỳ luôn là hạt nhân trong phong trào khởi nghiệp của tỉnh.
“Các chủ thể mong muốn đón nhận thật nhiều sự quan tâm hỗ trợ, kết nối, tư vấn, định hướng và những giải pháp hiệu quả nhất đến từ cấp địa phương, các sở, ngành liên quan để thúc đẩy lan tỏa mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp, phát triển sản phẩm. Trong tương lai, Tam Kỳ đã xác định mục tiêu mở rộng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo thành phố nhanh, bền vững, đoàn kết”, Chủ tịch TP. Tam Kỳ Nguyễn Duy Ân khẳng định.
Ông Phạm Ngọc Sinh – Phó Giám đốc Sở KH&CN, kiêm Trưởng Ban Điều hành khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam cho biết: Khởi nghiệp là ý tưởng kinh doanh riêng và tự thành lập một doanh nghiệp. Bản thân chủ thể khởi nghiệp là người quản lý trực tiếp hoặc quản lý với tư cách là người đồng sáng lập. Việc cung cấp những sản phẩm, dịch vụ mới hay những mặt hàng đã có mặt trên thị trường nhưng theo ý tưởng của riêng mình tạo sự khác biệt trong giá thành và chất lượng sản phẩm.
“Khởi nghiệp sáng tạo là dựa trên công nghệ, tài sản trí tuệ và mô hình kinh doanh mới để tăng nhanh sản phẩm. Khởi nghiệp cần có và luôn xác định thị trường và khách hàng chiến lược và chăm lo đến khách hàng, đến văn hóa thương mại, đến doanh nghiệp và sự phát triển không ngừng”, ông Sinh nói.
Theo ông Phạm Ngọc Sinh, tư duy chiến lược là khởi nghiệp để thành doanh nghiệp và hầu hết các dự án khởi nghiệp đều trở đã thành doanh nghiệp. Và khi đã thành doanh nghiệp, các chủ thể khởi nghiệp cần phải tái khởi nghiệp, hay còn gọi là khởi nghiệp trong lòng doanh nghiệp để đổi mới, sáng tạo và thành công hơn.
Với các chính sách hỗ trợ của địa phương, công tác giới thiệu quảng bá dự án, ý tưởng khởi nghiệp, tìm kiếm thị trường đã tạo động lực để nhiều dự án, sản phẩm chất lượng cao trong liên kết đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ, như sản phẩm cá nục Bà Ba Hội (Tam Kỳ) đã vào thị trường Hoa Kỳ.
Ông Nguyễn Đăng Việt – Chủ tịch Hội khởi nghiệp sáng tạo Duy Xuyên chia sẻ công tác kết nối đầu tư, thương mại diễn ra liên tục, sôi động trong thời gian qua và có nhiều ký kết mở rộng thị trường, hứa hẹn phát triển nhanh dự án khởi nghiệp. “Hội thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt để đưa ra phương án hoạt động, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của startup để đề xuất với lãnh đạo địa phương hỗ trợ”, ông Việt chia sẻ.
Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, chủ thể khởi nghiệp, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục nắm bắt hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới. Trong đó, địa phương sẽ chú trọng tháo gỡ các vướng mắc để đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp và tạo ra ra những sản phẩm chất lượng đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Các hội, CLB khởi nghiệp xác định mục tiêu hỗ trợ, làm điểm tựa cho các chủ thể khởi nghiệp trở thành doanh nghiệp; hỗ trợ phụ nữ, nông dân, thanh niên, học sinh, sinh viên với mục đích làm thay đổi được tư duy, phát huy tinh thần tự lập và cùng nhau phát triển, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cấp địa phương theo hướng đoàn kết, bền vững.