Là thành viên rất trẻ trong Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu việc tỉnh Đắk Nông được lựa chọn để đăng cai hội nghị ISV20 đã nâng cao vị thế của địa danh Đắk Nông với bạn bè quốc tế.
>>Đắk Nông: 9 tháng đầu năm 2022, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội vượt kế hoạch
Sáng 22/11, tỉnh Đắk Nông tổ chức Khai mạc Hội nghị Quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 (ISV20) và Hội thảo Khoa học “15 năm phát triển Công viên địa chất ở Việt Nam”.
Sự kiện do UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN-MT), Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tổ chức.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam tích cực tham gia vào các cơ chế hợp tác quốc tế và khu vực về công viên địa chất, hang động núi lửa. Việc tỉnh Đắk Nông đăng cai Hội nghị ISV20 đánh dấu cột mốc mới trong hợp tác khoa học giữa Việt Nam với các quốc gia có hệ thống hang động trên thế giới, giữa Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với Hiệp hội Hang động quốc tế nói chung và Ủy ban Hang động núi lửa quốc tế nói riêng và với các thành viên thuộc Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu.
“Mặc dù là thành viên còn rất trẻ trong Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, nhưng việc tỉnh Đắk Nông được lựa chọn để đăng cai hội nghị quan trọng này đã nâng cao vị thế của địa danh Đắk Nông với bạn bè quốc tế, tăng cường quan hệ hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa các nước trong khu vực về bảo tồn và khai thác bền vững các di sản địa chất”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
>>Đắk Nông: Bứt phá trong chuyển đổi số
Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, việc chủ động đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về hang động núi lửa khẳng định quyết tâm của tỉnh Đắk Nông trong việc bảo tồn và sử dụng hợp lý các giá trị di sản, đặc biệt là các di sản địa chất.
Ông Hồ Văn Mười cho biết: "Là địa phương đăng cai tổ chức ISV20, chúng tôi mong muốn Hội nghị lần này thực sự là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý về núi lửa và hang động núi lửa có cơ hội trao đổi những kết quả nghiên cứu khoa học của mình, đồng thời dành sự quan tâm nghiên cứu để tìm ra những giá trị khoa học mới về núi lửa và hệ thống hang động núi lửa ở Đắk Nông".
Theo ông Mười, với chủ đề: “Bảo tồn, phát triển bền vững các núi lửa và hang động núi lửa”, ISV20 được mở rộng, bao gồm cả hệ thống các núi lửa - vốn là nguồn gốc sản sinh ra các hang động núi lửa, những di sản địa chất quý giá mà tỉnh Đắk Nông và một số địa phương khác ở Việt Nam đang sở hữu. Đây là cơ hội tốt để tỉnh Đắk Nông giới thiệu, quảng bá hệ thống núi lửa và hang động núi lửa - những di sản địa chất tầm cỡ quốc tế trong vùng công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Đây còn là dịp để tỉnh Đắk Nông học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững di sản, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tìm kiếm được nhà đầu tư đồng hành phát triển hạ tầng du lịch, kết nối các điểm đến trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Qua đó, góp phần đưa du lịch thực sự trở thành một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh Đắk Nông, theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII.
Thông qua các sự kiện được tổ chức ở hội nghị này, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông hy vọng sự kiện sẽ nhận được những đánh giá, đề xuất của các chuyên gia về cách thức bảo tồn, khai thác hiệu quả núi lửa và hệ thống núi lửa trong vùng công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Ông Christian Manhart, Trưởng Văn phòng UNESCO tại Việt Nam ghi nhận những nỗ lực của Đắk Nông nói riêng, Việt Nam nói chung trong việc bảo tồn và phát triển bền vững các di sản địa chất quý giá; khẳng định sự cần thiết tổ chức hội nghị nhằm trao đổi những giá trị khoa học mới về núi lửa và hệ thống hang động núi lửa trên toàn thế giới. Từ đó đề xuất, xác định cách thức bảo tồn và khai thác hiệu quả các giá trị di sản địa chất.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận nhiều nội dung về bảo tồn, phát triển bền vững các núi lửa và hang động núi lửa; tổng quan về hệ thống hang động núi lửa tại Việt Nam; thành công và thất bại trong công tác bảo tồn một số hệ thống hang động núi lửa trên thế giới, điển hình là hệ thống tại Auckland (New Zealand); những kinh nghiệm bảo tồn từ Iceland, Nhật Bản; những quy định về khoanh vùng bảo vệ di sản và kế hoạch áp dụng thí điểm núi lửa và hang động núi lửa trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông…
Tại sự kiện, Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông và Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Mudeungsan - Hàn Quốc đã ký kết hợp tác về xây dựng và phát triển các công viên địa chất trong thời gian tới.
Hội nghị ISV20 sẽ tiếp tục diễn ra trong ngày 23, 24/11 với 02 phiên thảo luận chuyên đề và tổ chức Tham quan một số điểm của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông (Nhà triển lãm Âm thanh, Nhà trưng bày cồng chiêng người Mạ, Nhà trưng bày các nhạc cụ cổ xưa).
Được biết, Đắk Nông là địa phương thứ 3 của Việt Nam và thứ 164 trên thế giới có Công viên địa chất được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Với diện tích 4.700km2, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông trải dài qua 6 huyện, thành phố gồm: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong, thành phố Gia Nghĩa. Công viên có 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000m, các miệng núi lửa, thác nước… Tháng 7/2020, Công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu và chính thức xuất hiện trên bản đồ du lịch của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu./ |
Có thể bạn quan tâm
Đắk Nông vinh dự nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ
09:00, 01/09/2022
Đắk Nông: Nông nghiệp khẳng định vị thế
22:12, 08/07/2022
Đắk Nông: Khu công nghiệp sạch, đón dự án lớn
21:29, 08/07/2022
Đắk Nông: Đánh thức tiềm năng công nghiệp
21:21, 08/07/2022
Đắk Nông: Gỡ “nút thắt” hạ tầng giao thông
17:09, 08/07/2022