Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vàTổng thống Donald Trump đã chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa Tập đoàn, doanh nghiệp hai nước trị giá hơn 20 tỷ USD.
Tại cuộc hội đàm sáng 27/2 tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vàTổng thống Donald Trump đã chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa Tập đoàn, doanh nghiệp hai nước.
Đây là dấu ấn kinh tế đầu liên bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, và có thể coi là "cú hích" cho ngành hàng không Việt Nam hiện đại hóa, vươn ra quốc tế, điều này đặc biệt có ý nghĩa khi Cục hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) trao chứng nhận CAT1 đủ năng lực thực hiện chuyến bay thẳng đến Mỹ từ Việt Nam.
Theo đó, Hãng hàng không Bamboo Airways (thuộc tập đoàn FLC) đã ký thỏa thuận mua 10 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner trị giá gần 3 tỷ USD với Tập đoàn Boeing (Mỹ).
Hãng hàng không Vietjet cũng ký hợp đồng mua 100 tàu bay Boeing 737 Max với giá trị 12,7 tỷ USD, đồng thời ký kết thỏa thuận về dịch vụ dài hạn bảo dưỡng động cơ máy bay với Tập đoàn GE trị giá 5,3 tỷ USD...
Chia sẻ với DĐDN, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cho biết: “Đây là một vinh dự lớn đối với chúng tôi, khi sự kiện này được tổ chức ngay trước thềm cuộc hội đàm lịch sử tại Hà Nội giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un.”
Trước đó, vào năm 2018, Bamboo Airways cũng đã đặt mua 20 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner. Với thỏa thuận nói trên, đội bay Bamboo Airways dự kiến sẽ sở hữu 30 chiếc Boeing 787 Dreamliner. Những máy bay đầu tiên được phía Boeing bắt đầu bàn giao từ quý 3/2020.
“Khả năng bay đường dài hiệu quả của loại máy bay được gọi là “khách sạn 5 sao trên không” này sẽ mang đến nhiều thuận lợi lớn cho Bamboo Airways trong việc khai thác các đường bay quốc tế sắp tới, với Mỹ là một điểm đến quan trọng”, ông Quyết nhấn mạnh.
Ngoài thỏa thuận nói trên, Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng cho biết, đang cân nhắc việc mua thêm 25 máy bay thân hẹp dòng 737 MAX của Boeing. Phía Boeing cũng sẽ hỗ trợ Bamboo Airways trong việc kết nối Việt Nam với các thị trường trọng điểm tại châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.
Đơn vị này dự kiến sẽ khai trương đường bay thẳng Việt - Mỹ vào cuối 2019 hoặc đầu 2020, đồng thời lập văn phòng đại diện tại Mỹ để chuẩn bị cho đội ngũ nhân sự, pháp lý và nhiều yếu tố hỗ trợ khác.
“Quan hệ kinh tế, thương mại Việt - Mỹ đang được mở rộng hết sức nhanh chóng. Nhu cầu mở đường bay thẳng giữa hai thị trường là cấp thiết. Các chuyến bay này không chỉ đóng vai trò thúc đẩy các hoạt động trong ngành du lịch, mà còn giúp tiếp tục phát triển các cơ hội đầu tư và thương mại song phương”, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC nói.
Theo ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Bamboo Airways, việc ký thoả thuận mua thêm 10 máy bay thân rộng Boeing 787-9, đồng thời đang nghiên cứu bổ sung 25 máy bay thân hẹp Boeing 737 MAX, sẽ giúp Bamboo Airways gia tăng hiệu suất khai thác cũng như khả năng cạnh tranh trên những đường bay quốc tế nhiều tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức.
Về mặt kỹ thuật, cả 787 Dreamliner và 737 MAX đều là những phiên bản máy bay tiên tiến hiện đại, có chỉ số an toàn cao nhất hiện nay của Boeing. Trong đó, dòng 787 Dreamliner cho phép các hãng hàng không bay tầm xa với khả năng tiết kiệm nhiên liệu và giảm khí thải ra môi trường lên tới 20% so với các dòng máy bay thân rộng trước đây.
Nhu cầu mở đường bay thẳng Việt - Mỹ đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Các chuyến bay này không chỉ đóng vai trò thúc đẩy các hoạt động trong ngành du lịch, mà còn giúp tiếp tục phát triển các cơ hội đầu tư và thương mại song phương giữa hai đất nước đang có mối quan hệ ngày càng thân thiết.
Có thể bạn quan tâm
12:14, 27/02/2019
11:22, 27/02/2019
10:35, 27/02/2019
07:55, 27/02/2019
Mới đây, ngành hàng không Việt Nam cũng đón nhận tin mừng khi sau nhiều năm, Việt Nam đã chính thức được FAA trao Chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1) cho Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc hàng không Việt có tấm “vé” bay thẳng tới Mỹ mà không phải transit (quá cảnh) ở nước thứ ba.
CAT1 là chuẩn giám sát an toàn hàng không được phê chuẩn bởi chương trình Đánh giá An toàn Hàng không Quốc tế của FAA, dựa trên 8 tiêu chuẩn an toàn trọng yếu của ICAO. Quan trọng hơn, CAT1 là sự công nhận của quốc tế về an toàn hàng không. “CAT1 là bước tiến quan trọng, tiến tới thiết lập đường băng thẳng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Đây là kết quả của nhiều năm nỗ lực làm việc của Cục Hàng không Việt Nam và Bộ GTVT”, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink cho biết.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet đã chia sẻ: "Hợp đồng mới 100 máy bay và các thoả thuận hợp tác cho 200 tàu bay B737 MAX ngày hôm nay là một trong các bước đi quan trọng của Vietjet trong kế hoạch mở rộng mạng bay quốc tế với hiệu suất vượt trội, mang lại cho khách hàng nhiều cơ hội trải nghiệm bay thú vị tới các điểm đến quốc tế mới".
Được biết, trong chuyến công du Việt Nam kéo dài tới ngày 28/2, Tổng thống Donald Trump sẽ có các cuộc tiếp xúc với Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam. Trong đó, dự kiến chiều 27/2, Tổng thống Mỹ sẽ gặp gỡ và làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Đây là lần thứ hai, Tổng thống Trump tới Việt Nam. Tháng 11/2017, ông đã thăm chính thức Việt Nam và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng.
Cùng tham dự các hoạt động đa phương và song phương của Tổng thống Donald Trump tại Hà Nội lần này có Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney.