Các nhà lãnh đạo các nền kinh tế châu Á đã cùng trao đổi cách thức cùng hành động để cho phép vaccine Covid-19 được lưu hành tự do thay vì sử dụng chúng làm công cụ chính trị hoặc ngoại giao.
Với chủ đề “Định hình kỷ nguyên hậu Covid: Vai trò của châu Á trong khôi phục toàn cầu”, các nhà lãnh đạo các nền kinh thế châu Á đã cùng nhau thảo luận để xây dựng và thể hiện vị thế, vai trò của châu Á trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19 và khôi phục, phát triển kinh tế thời kỳ hậu Covid-19.
Đặc biệt, các nhà lãnh đạo cho biết, để khu vực có thể vượt qua đại dịch Covid-19, việc triên khai tiêm chủng vaccine là yếu tố tiên quyết trong thời điểm hiện nay. Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến ngày một phức tạp, tại Hội nghị trực tuyến “Tương lai châu Á 2021”, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha kêu gọi cộng đồng quốc tế nên coi vaccine Covid -19 là một loại "hàng hóa công cộng toàn cầu” và hành động hướng tới một chiến dịch tiêm chủng toàn cầu, đồng thời chống chủ nghĩa dân tộc về vaccine và chính trị hóa vaccine.
Đồng thời, ông Prayuth cũng kêu gọi các quốc gia hợp tác nhằm phục hồi ngành du lịch, cho rằng cần thúc đẩy một môi trường thuận lợi để phục hồi du lịch hậu COVID-19. "Chúng ta cần công nhận các chứng chỉ vaccine của nhau và phát triển các thẻ y tế kỹ thuật số có thể tương tác toàn cầu để tạo thuận lợi cho việc đi lại và vực dậy ngành du lịch”, Thủ tướng Thái Lan nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với Thủ tướng Thái Lan, trong bài phát biểu tại Diễn đàn “Tương lai châu Á 2021”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng khẳng định, trong tình huống khẩn cấp sản xuất và phân phối vaccine không còn là câu chuyện riêng của một quốc gia, một doanh nghiệp, mà là vấn đề nhân đạo với mục tiêu quan trọng nhất là sức khỏe cộng đồng.
“Không nước nào có thể bảo đảm an toàn khi các nước khác vẫn còn dịch bệnh trong điều kiện hội nhập hiện nay. Do đó, ưu tiên hàng đầu là bảo đảm nguồn cung, tiếp cận bình đẳng, kịp thời vaccine, đồng thời giảm các rào cản về sở hữu bản quyền, thúc đẩy chuyển giao công nghệ về sản xuất vaccine một cách cởi mở, thiết thực, hiệu quả, công bằng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.
Hiện nay, các nước châu Á đang phải vật lộn với làn sóng Covid-19 khi số ca nhiễm ở hầu hết các nước tăng cao. Nhưng vaccine vẫn được tiêm chủng ở mức thấp, chủ yếu là do thiếu nguồn cung. Theo thống kê, những quốc gia có thu nhập cao và trung bình cao chiếm 53% dân số thế giới nhưng đã tiếp cận được 83% số vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu. Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp chiếm 47% dân số thế giới nhưng chỉ có được 17% số vaccine trên toàn cầu.
Trong khi các loại vaccine Trung Quốc đang được sử dụng để chống lại sự lây lan trên khắp Đông Nam Á, sự bùng phát ở Ấn Độ đã làm chậm việc tiếp cận vaccine theo Chương trình COVAX của Tổ chức Y tế thế giới WHO.
Tuy nhiên, mới đây nhất, Viện Huyết thanh Ấn Độ, cơ sở sản xuất vaccine lớn nhất thế giới đang sản xuất vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca và Novavax thông báo có thể sẽ nối lại việc xuất khẩu vaccine theo chương trình này trước cuối năm 2021
Bên cạnh đó, tại diễn đàn, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cũng cam kết đẩy mạnh nỗ lực giúp các quốc gia đang phát triển trong khu vực có thể tiếp cận công bằng với nguồn vaccine; cũng như kêu gọi các nền kinh tế lớn mở rộng viện trợ vaccine miễn phí cho các quốc gia nghèo và kém phát triển, để có thể triển khai tiêm chủng diện rộng trong thời gian sớm nhất.
“Nhật Bản cũng sẽ hỗ trợ, hợp tác tối đa với các nước để hỗ trợ chuỗi hậu cần cung ứng lạnh vaccine Covid-19”, Thủ tướng Nhật Bản khẳng định trong bài phát biểu.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng đề xuất 5 phương châm, 6 nội dung để chung tay xây dựng châu Á hậu COVID-19
14:02, 20/05/2021
Nepal nối tiếp Ấn Độ trở thành điểm nóng Covid-19 tại châu Á
15:32, 07/05/2021
Châu Á đối mặt với nguy cơ khủng hoảng dịch Covid-19 mới
05:36, 06/05/2021
Triển vọng kinh tế Châu Á: Sự trở lại dần dần
11:00, 01/04/2021