Nghiên cứu - Trao đổi

Hơn 300 nghìn gian hàng online chưa định danh: “Bịt” lỗ hổng thế nào?

Gia Linh 12/02/2025 04:00

Hiện có hơn 300.000 gian hàng trên các sàn thương mại điện tử vẫn chưa xác định được người bán, dẫn đến thất thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm…

hon-300-nghin-gian-hang-online-chua-dinh-danh-bit-lo-hong-the-nao-1.png
Hiện có hơn 300.000 gian hàng trên các sàn thương mại điện tử vẫn chưa xác định được người bán, dẫn đến thất thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Ảnh minh hoạ

300 nghìn gian hàng chưa thể định danh

Tại hồ sơ dự thảo Nghị định về quản lý thuế với kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, Bộ Tài chính cho biết có khoảng 300.000 cá nhân đang bán hàng tại hơn 400 sàn, theo dữ liệu được các bên cung cấp thông tin cho cơ quan thuế. Số thuế nhóm này nộp trong năm ngoái khoảng 2.500 tỷ đồng.

Ngoài số trên, theo nhà điều hành, một lượng lớn các gian hàng kinh doanh trên các nền tảng thương mại vẫn chưa định danh được người bán. Thống kê riêng tại 5 sàn thương mại điện tử lớn (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Grab) có hơn 300.000 gian hàng chưa định danh được người dùng. Doanh số kinh doanh ước tính của nhóm này khoảng trên 70.000 tỷ đồng.

Bộ Tài chính ước tính, với mức thuế hộ, cá nhân kinh doanh online sẽ nộp cho hai loại thuế này tổng cộng 1,5% trên tổng doanh thu khoảng 70.000 tỷ đồng thì số thu thuế ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số thu thuế từ hộ, cá nhân kinh doanh này rất thấp. Số thuế thu được chỉ chiếm khoảng 20% quy mô doanh thu thị trường này. Theo Bộ Tài chính, điều này cho thấy nhiều đối tượng kinh doanh chưa kê khai, nộp thuế theo quy định.

Vì sao con số người dùng chưa thể xác minh lại nhiều đến như vậy? Được biết, từ cuối tháng 11/2024, Thủ tướng đã ban hành công điện nêu rõ Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thúc đẩy triển khai cung cấp dịch vụ xác thực điện tử cho các sàn TMĐT. Mục tiêu là bảo đảm các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đều được xác thực danh tính khi tham gia cung cấp, trao đổi hàng hóa trên các sàn TMĐT, tránh thất thu thuế và các hành vi gian lận khác.

Thực tế, một số sàn TMĐT ở Việt Nam đã thực hiện xác thực tài khoản người bán bằng CCCD, thay vì chỉ cần email hoặc tài khoản trên mạng xã hội như trước đây. Có sàn TMĐT lớn thậm chí yêu cầu người bán phải có CCCD gắn chip, giấy phép kinh doanh, mã số thuế. Tuy nhiên, điều này vẫn chỉ là thiểu số.

Trao đổi với báo chí xung quanh nội dung này, ông Nguyễn Bình Minh, Trưởng Ban Phát triển nguồn lực Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho biết, trước đây, để tạo điều kiện cho TMĐT phát triển, cơ quan quản lý và các sàn chỉ đòi hỏi người bán có địa chỉ email, khai báo tên cửa hàng, loại hàng hóa là có thể giao dịch. Điều này dẫn tới nhiều người sử dụng tài khoản với nhân thân "ảo" mở nhiều gian hàng nhằm chia nhỏ đơn hàng để né thuế, livestream bán hàng mà không bị kiểm soát thuế hoặc bán hàng giả, hàng kém chất lượng...

"Không chỉ thất thu thuế, nếu không sớm định danh người bán hàng online, người mua hàng sẽ nghi ngại khi giao dịch trên sàn, dẫn đến tốc độ tăng trưởng TMĐT sẽ giảm", ông Minh cảnh báo.

hon-300-nghin-gian-hang-online-chua-dinh-danh-bit-lo-hong-the-nao-2.jpg
Triển khai định danh người bán hàng thương mại điện tử thông qua VNeID sẽ đảm bảo sự bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Ảnh minh hoạ

Thông qua VNeID

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng, cần sớm triển khai định danh người bán hàng thương mại điện tử thông qua VNeID. Điều này sẽ đảm bảo sự bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính; xây dựng lòng tin cho một phương thức kinh doanh hiện đại và tiện lợi; đồng thời tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là quản lý thuế kinh doanh.

VNeID là một trong những phương thức quản lý kinh tế - xã hội tốt hiện nay. Một người bán hàng có thể có nhiều tên nhưng quy về một mã VNeID thì sẽ chỉ đúng một người. Như vậy, việc quản lý sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Thời gian nên nhanh chóng từ 1 - 3 tháng để người bán hàng phải tích cực chuẩn bị, để hoạt động quản lý dần dần đi vào nền nếp.

Nói về hạ tầng kỹ thuật hiện nay để triển khai định danh người bán hàng thương mại điện tử, ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng Ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cũng cho rằng, lựa chọn VNeID là hợp lý bởi VNeID đang trở thành công cụ định danh cho rất nhiều dịch vụ khác.

"Chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc kết nối VNeID với các dịch vụ khác như tài chính - ngân hàng. Có thể nói hạ tầng đã sẵn sàng, tuy nhiên, yêu cầu với các sàn thương mại điện tử một là phải chuẩn hóa, hai là đầu tư về mặt hạ tầng, kỹ thuật. Có một số sàn đã yêu cầu cung cấp số định danh cá nhân, căn cước, nhưng một số sàn lại có thể đăng ký thông qua email hay SĐT.

Đầu tiên, cần có hướng dẫn để các sàn đầu tư về công nghệ để kết nối VNeID. Việc xác thực này phải yêu cầu được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó, yêu cầu quan trọng nhất là xác thực sinh trắc học. Thứ hai, chúng ta đưa ra một lộ trình cụ thể, đánh giá tính ổn định, tránh gián đoạn cho hoạt động của người bán và người mua. Chúng ta cũng phải rà soát lại về mặt pháp lý để đảm bảo quyền riêng tư và tự do cá nhân".

Cũng theo ông Vũ Ngọc Sơn, sau khi hoàn thiện khung pháp lý, việc triển khai định danh người bán hàng có thể thực hiện theo 3 giai đoạn: một là thử nghiệm và hoàn thiện quy trình, hai là mở rộng áp dụng, ba là thực hiện giám sát và xử lý vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hơn 300 nghìn gian hàng online chưa định danh: “Bịt” lỗ hổng thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO