Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế tính đến 31/10, tổng số tiền nợ ngành thuế quản lý là 81.555 tỷ đồng, chiếm 7,4% dự toán thu nội địa.
Mặc dù số thuế này đã giảm 1,7%, tương đương 1.406 tỷ đồng so với thời điểm 30/9 nhưng vẫn tăng tới 11,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo Tổng cục Thuế, trong số 81.555 tỷ đồng thì tiền nợ thuế có khả năng thu là 29.699 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 36,4% tổng số tiền nợ thuế; tiền phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp thuế là 16.574 tỷ đồng, chiếm 20,3% và tiền thuế không có khả năng thu hồi là 35.282 tỷ đồng, chiếm 43,3% tổng tiền nợ thuế.
Có thể bạn quan tâm
23:15, 09/11/2018
11:56, 06/09/2018
07:06, 06/09/2018
12:56, 11/03/2018
Nguyên nhân chính dẫn đến số nợ thuế tăng cao là do một số người nộp thuế trong quá trình tham gia kinh doanh đã chết, mất tích, mất hành vi dân sự, nên không có khả năng thanh toán nợ. Bên cạnh đó, một bộ phận người nộp thuế, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, mới tham gia sản xuất kinh doanh, lựa chọn ngành nghề không phù hợp, vốn mỏng, chủ yếu là vay ngân hàng nên khi gặp khó khăn đã tự giải thể, phá sản.
Ngoài ra, còn có một bộ phận người nộp thuế chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật thuế, chây ỳ không nộp thuế đúng hạn, để nợ thuế kéo dài.
Mặc khác, theo quy định của Luật Quản lý thuế (Khoản 1 Điều 106), thì người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định sẽ bị tính tiền chậm nộp 0,03%/ngày trên số tiền chậm nộp, dẫn đến làm tăng thêm số nợ khó đòi trên sổ sách theo dõi.
Ông Nguyễn Đại Trí - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, ngành Thuế xác định công tác thu hồi nợ thuế là một nhiệm vụ trọng tâm cần được triển khai quyết liệt, thường xuyên bằng nhiều biện pháp khác nhau, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành tại địa phương. Cùng với việc tăng cường kiểm tra rà soát, xác định đầy đủ số thuế nợ đọng của từng đơn vị nợ thuế, phân loại theo tình trạng nợ thuế, ngành Thuế cũng tập trung theo dõi sát tình hình kê khai, nộp thuế của người nộp thuế để thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nộp theo pháp luật về thuế...
Bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát hồ sơ khai thuế, kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu thuế, công tác quản lý nợ cũng được duy trì và triển khai đồng bộ theo đúng quy định của pháp luật. Đối với những trường hợp cố tình chây ỳ, cơ quan thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế, trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, kê biên tài sản, thu hồi giấy phép kinh doanh, công khai thông tin doanh nghiệp nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng…
“Thực tế, công tác quản lý nợ còn nhiều khó khăn, trong đó, số nợ không có khả năng thu hồi đã chiếm tới hơn 43% bao gồm cả nợ và tiền phạt chậm nộp. Đây là áp lực với ngành Thuế vì riêng tiền chậm nộp 0,03%/ngày đã là rất lớn.” – đại diện Tổng cục Thuế cho hay.
Nghị quyết số 55 ngày 24/ 11/ 2017 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV đã giao Chính phủ báo cáo Quốc hội tổng thể các khoản nợ đọng thuế và phương án xử lý. Đến nay, Ban soạn thảo đã dự thảo Nghị quyết xử lý các khoản nợ không có khả năng nộp ngân sách nhà nước. Chính phủ đã giao Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua Nghị quyết xử lý các khoản nợ không có khả năng nộp ngân sách nhà nước vào kỳ họp tháng 5/2019.