Ngày 28/4 cầu Bạch Đằng chính thức hợp long, kết nối 3 trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc là Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, hình thành chuỗi công trình giao thông trọng điểm liên vùng.
Đây là cây cầu đầu tiên người Việt tự thiết kế, tổ chức thi công với công nghệ tiên tiến nhất thời điểm này. Cây cầu hoàn thành đánh dấu sự gắn kết khăng khít của các bộ, ngành và địa phương, là sự hợp tác chưa từng có của nhiều nhà đầu tư trong nước cùng hợp sức triển khai dự án... Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương sau khi đi kiểm tra việc thi công cầu Bạch Đằng chiều 27/4 nhấn mạnh.
Đại diện chủ đầu tư dự án cho biết, sau 3 năm tổ chức thi công, đến thời điểm này các hạng mục xây dựng chính của cầu Bạch Đằng đều đã hoàn thành theo đúng thiết kế, kỹ thuật, mỹ thuật; công tác chuẩn bị đã hoàn tất, sau lễ hợp long đã có thể thông xe toàn tuyến phía phải cầu và chuyển sang giai đoạn hoàn thiện công trình.
Được biết, dự án tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng có tổng chiều dài hơn 25 km, được thiết kế với 4 làn xe, vận tốc cho phép 100 - 110 km/h. Dự án gồm đường cao tốc dài 19,8 km và cầu Bạch Đằng dài 5,45 km. Điểm đầu chính của tuyến tại Km 102 + 300 quốc lộ 18 thuộc phường Đại Yên, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), điểm cuối tại Km 25 + 214 giao với đường cao tốc 5B Hà Nội - Hải Phòng, thuộc phường Đông Hải 2, quận Hải An (thành phố Hải Phòng).
Phần đường cao tốc nối thành phố Hạ Long với cầu Bạch Đằng sử dụng nguồn vốn từ ngân sách tỉnh Quảng Ninh và các nguồn vốn huy động khác với tổng số tiền đầu tư 6.400 tỷ đồng do Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh làm chủ đầu tư.
Phần cầu Bạch Đằng được đầu tư theo hình thức BOT với kinh phí khoảng 7.200 tỷ đồng do Công ty Cổ phần BOT cầu Bạch Đằng làm chủ đầu tư.