Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu tin tưởng rằng mối quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản mang lại lợi ích chung cho hai bên và thúc đẩy phát triển du lịch giữa ASEAN và Nhật Bản.
>>Du lịch Việt Nam 4 tháng liên tiếp đón trên 1 triệu lượt khách quốc tế
Tại "Đối thoại đặc biệt giữa Bộ trưởng Du lịch ASEAN - Nhật Bản" và thảo luận "ASEAN - Nhật Bản 50 năm tới: Cùng nhau thiết lập con đường hướng tới du lịch bền vững", Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu nhận định kể từ nửa cuối năm 2022 đến những tháng đầu năm 2023 đang có sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch thế giới và khu vực, trong đó có các nước thành viên ASEAN và Nhật Bản. 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón 8,9 triệu lượt khách quốc tế, phục hồi 66% so với mức trước đại dịch năm 2019. Trong đó, có 415.000 lượt khách từ Nhật Bản, phục hồi 58% so với năm 2019.
Phó Cục trưởng cho rằng, trên thực tế, du lịch hiện đang phải đối mặt với ngày càng nhiều thách thức, trở ngại có thể cản trở quá trình phục hồi cũng như phát triển trong tương lai bao gồm những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng dẫn đến các mô hình du lịch không thể đoán trước. Tác động của việc phục hồi kinh tế chậm ảnh hưởng đến thu nhập, do đó du khách cắt giảm nhu cầu đối với các hoạt động và dịch vụ quan trọng. Việt Nam kêu gọi các nước thành viên ASEAN và Nhật Bản trong quan hệ đối tác và hợp tác nên phối hợp chặt chẽ với nhau để vượt qua những thách thức này.
Phó Cục trưởng chia sẻ, dưới góc độ du lịch bền vững, Việt Nam tin rằng sự bền vững về văn hóa cần được đặt lên hàng đầu trong sự hài hòa với các khía cạnh kinh tế và môi trường. Văn hóa là nguồn lực to lớn và vô giá để phát triển du lịch. Tôn trọng sự khác biệt và đa dạng văn hóa bản địa của các nước ASEAN và Nhật Bản, chúng ta có thể tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt và không thể so sánh được, từ đó có thể phát triển hơn nữa sức hấp dẫn riêng của mỗi quốc gia, người dân và cộng đồng của họ. Các nền văn hóa đa dạng thu hút khách du lịch đến các nước ASEAN và Nhật Bản đồng thời mang đến những trải nghiệm đa dạng cho khách du lịch, khuyến khích nhiều hoạt động du lịch hơn với những ấn tượng hài lòng, lưu trú lâu hơn và hình ảnh điểm đến tích cực.
Kinh nghiệm phát triển du lịch của Việt Nam trong giai đoạn phục hồi gần đây cho thấy cần coi trọng du lịch nội địa và quốc tế như nhau. Phó Cục trưởng đề nghị các doanh nghiệp du lịch lắng nghe, xem xét kỹ nhu cầu thực tế của du khách để điều chỉnh đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng và đào tạo bổ sung lực lượng lao động...
Việt Nam cũng nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch lớn như dịch vụ du lịch giải trí về đêm, du lịch vùng sâu vùng xa, nông thôn… đặc biệt là nền văn hóa đa dạng, độc đáo của 54 dân tộc thiểu số trải dài trên lãnh thổ Việt Nam từ Bắc vào Nam với bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc.
Phó Cục trưởng cho biết thêm, Việt Nam cũng đang tập trung vào chuyển đổi số trong du lịch để tạo ra hệ sinh thái du lịch thông minh, Việt Nam mong đợi có sự chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản và các nước thành viên ASEAN khác về thiết lập dữ liệu lớn du lịch, giải pháp du lịch thông minh, ứng dụng du lịch, bản đồ số thắng cảnh, ẩm thực…
Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu khẳng định Việt Nam cam kết hợp tác liên tục và chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN và Nhật Bản để thúc đẩy trao đổi du lịch lẫn nhau, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của ngành du lịch nhằm phát triển du lịch đồng thời vẫn bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, tạo lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.
Ông Hà Văn Siêu tin tưởng rằng mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống bền chặt và sự tin tưởng hoàn toàn được xây dựng trong 5 thập kỷ qua sẽ tiếp tục mở đường cho sự hợp tác du lịch hiệu quả giữa ASEAN và Nhật Bản trong những năm tới, mang lại lợi ích chung cho hai bên và thúc đẩy phát triển du lịch giữa ASEAN và Nhật Bản, đóng góp cho sự thịnh vượng và bền vững của khu vực.
Các đại biểu tham dự đối thoại đều thống nhất về thúc đẩy du lịch bền vững thông qua tăng cường các hoạt động quảng bá đổi mới cho du lịch bền vững, đồng thời nêu bật những điểm du lịch văn hóa và thiên nhiên độc đáo của ASEAN và Nhật Bản. Khẳng định lại tầm quan trọng của việc thúc đẩy bảo vệ, bảo tồn và kế thừa các nguồn tài nguyên quan trọng trong khu vực như thiên nhiên, văn hóa và truyền thống. Đồng thời tận dụng những nguồn lực này cho du lịch để phát triển các điểm đến bền vững nhằm mang lại lợi ích cho cả người dân địa phương và khách du lịch.
Các đại biểu cho rằng cần thúc đẩy sự đóng góp của ngành du lịch đối với việc đạt phát thải ròng bằng 0 trên toàn cầu thông qua việc sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường tại các điểm đến; ứng dụng năng lượng tái tạo trong các ngành liên quan đến du lịch. Triển khai hệ thống quản lý chất thải bao gồm giảm thiểu rác thải nhựa; và thúc đẩy tiêu dùng có trách nhiệm, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu và tác động đối với hệ sinh thái du lịch.
Nâng cao trải nghiệm, sự thuận tiện của khách du lịch và khuyến khích khám phá các dịch vụ du lịch ít được biết đến hơn, đồng thời đạt được năng suất và lợi nhuận cao hơn trong ngành du lịch thông qua việc phát triển các điểm đến chất lượng cao và thúc đẩy chuyển đổi số du lịch.
Khám phá các sáng kiến tạo ra cơ hội việc làm liên quan đến du lịch cho cộng đồng, giúp thu hẹp sự chênh lệch về kinh tế, trao quyền cho tài năng địa phương, tăng cường hòa nhập xã hội và xóa đói giảm nghèo. Khuyến khích sử dụng dữ liệu để giám sát và phát triển các chiến lược du lịch dựa trên bằng chứng nhằm phát triển du lịch cộng đồng.
Dự báo các cuộc khủng hoảng tiềm ẩn trong tương lai và thực hiện các sáng kiến nhằm nâng cao khả năng phục hồi và tính bền vững của du lịch trong khu vực. Tăng cường các sáng kiến xây dựng năng lực và chia sẻ kiến thức về du lịch bền vững thông qua việc trao đổi các kinh nghiệm điển hình và chuyên môn kỹ thuật, cũng như triển khai các chương trình đào tạo nhằm xây dựng kỹ năng và năng lực cho người lao động du lịch và các bên liên quan; và khuyến khích sự hợp tác giữa các chính phủ, khu vực tư nhân và các bên liên quan nhằm thúc đẩy đổi mới, đầu tư để thực hiện các sáng kiến du lịch bền vững.
Về tăng cường giao lưu, trao đổi khách, các nước đều nhận thấy có thể thúc đẩy trao đổi khách lẫn nhau thông qua các sáng kiến như: Khuyến khích phát triển các sản phẩm hấp dẫn du khách về những trải nghiệm đích thực của ASEAN và Nhật Bản thông qua các hoạt động đa dạng, thiên nhiên, ẩm thực và văn hóa đồng thời đảm bảo môi trường an toàn cho khách du lịch.
Khuyến khích các chuyến đi tới các điểm đến ít được biết đến và các khu vực nông thôn thông qua các nỗ lực quảng bá đổi mới sáng tạo, đồng thời quảng bá rộng hơn về những nỗ lực ASEAN và Nhật Bản đang thực hiện nhằm đảm bảo phát triển du lịch bền vững.
Mở rộng phạm vi trao đổi du lịch giữa ASEAN và Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm kinh doanh, giáo dục, nghiên cứu, văn hóa và nghệ thuật, thể thao, thiên nhiên, sức khỏe và mạo hiểm.
Nhật Bản là một trong những thị trường gửi khách quan trọng trong ASEAN. Trong năm 2019, có 5,7 triệu lượt khách Nhật Bản đi du lịch ASEAN. Năm 2022, do Nhật Bản mới mở cửa vào nửa cuối năm, có khoảng 850 nghìn lượt khách Nhật Bản đi du lịch ASEAN.
Ở chiều ngược lại, năm 2019, Nhật Bản đón 3,9 triệu lượt khách đến từ ASEAN, trên tổng số 31,9 triệu lượt khách quốc tế đến nước này. Năm 2022, Nhật Bản đón khoảng 970 nghìn lượt khách từ ASEAN, trên tổng số 3,8 triệu lượt khách quốc tế đến.
Có thể bạn quan tâm
02:30, 29/10/2023
01:29, 29/10/2023
01:00, 28/10/2023
03:00, 27/10/2023