Với hệ điều hành (HĐH) HarmonyOS, Huawei cho biết đây là HĐH có thể được sử dụng trên một loạt các thiết bị và nền tảng, đáp ứng độ trễ thấp và bảo mật cao.
Tham vọng của Huawei
Theo thông tin được Huawei đưa ra tại Hội nghị Huawei Developer Conference (HDC 2019), HarmonyOS hoàn toàn khác với Android và iOS, tên gọi khác của Harmony tại thị trường Trung Quốc chính là HongMengOS trùng khớp với nhiều thông tin trước đó.
Trước đây, Huawei công bố HongMengOS sẽ thay thế HĐH Android trên các thiết bị của hãng này nhằm tránh lệnh trừng phạt của Mỹ.
HarmonyOS là một hệ điều hành phân tán, dựa trên vi hạt nhân, mang lại trải nghiệm mượt mà trên tất cả các kịch bản. Nó có kiến trúc đáng tin cậy và an toàn, và hỗ trợ tương tác liền mạch trên các thiết bị. “Bạn có thể phát triển các ứng dụng của mình một lần, sau đó linh hoạt triển khai chúng trên một loạt các thiết bị khác nhau" - Richard Yu, CEO của Nhóm kinh doanh tiêu dùng của Huawei cho biết.
HarmonyOS là một hệ điều hành nhỏ gọn, nhẹ, có chức năng mạnh mẽ và trước tiên nó sẽ được sử dụng cho các thiết bị thông minh như đồng hồ thông minh, màn hình thông minh, các hệ thống tích hợp trên xe hơi, và loa thông minh. Thông qua việc triển khai này, Huawei đặt mục tiêu thiết lập một hệ sinh thái tích hợp và chia sẻ trên các thiết bị, tạo môi trường thời gian vận hành an toàn, đáng tin cậy và mang lại trải nghiệm thông minh toàn diện trên mọi tương tác, với mọi thiết bị.
Theo truyền thống, các hệ điều hành mới được phát hành cùng với các loại thiết bị mới. Ngay từ 10 năm trước, Huawei đã hình dung ra một tương lai nơi trí thông minh sẽ tích hợp liền mạch với tất cả các khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta, và công ty bắt đầu khám phá cách mình có thể mang lại trải nghiệm này - một thứ sẽ vượt qua ranh giới của không gian vật lý và trải rộng trên các phần cứng và nền tảng khác nhau.
Chính vì vậy, Huawei cũng đã công bố lộ trình tiến hóa cho HarmonyOS và hạt nhân của nó. HarmonyOS 1.0 sẽ được áp dụng lần đầu tiên trong các sản phẩm màn hình thông minh, dự kiến ra mắt vào cuối năm nay. Trong 3 năm tới, HarmonyOS sẽ được tối ưu hóa và dần dần được áp dụng trên một loạt các thiết bị thông minh khác, bao gồm các thiết bị đeo, tivi Huawei và các bộ phận đầu não cho xe hơi.
Có thể bạn quan tâm
02:30, 12/06/2019
00:00, 15/06/2019
11:00, 26/05/2019
14:45, 21/05/2019
Điểm hạn chế của HarmonyOS
Mặc dù theo thống kê mới nhất từ Counter Point cho thấy thị phần smartphone của Huawei đang ngày càng tăng và hiện giữ vững vị trí số hai trong làng smartphone thế giới, chiếm được tới 15,8% thị trường toàn cầu.
Đây được xem là bước đệm cho sự thành công của Harmony OS, tuy nhiên nếu muốn phát triển HĐH này cần phải có một hệ sinh thái các ứng dụng bổ trợ. Bản thân Huawei cũng nhận ra điều này khi nhận định trong thông báo ra mắt HarmonyOS rằng: “Thành công của HarmonyOS sẽ phụ thuộc vào một hệ sinh thái các ứng dụng và nhà phát triển năng động” và “Huawei cũng sẽ thiết lập một nền tảng nguồn mở và một cộng đồng nguồn mở để hỗ trợ cộng tác sâu hơn với các nhà phát triển”.
Tuy nhiên, để phát triển hệ sinh thái dành riêng cho một HĐH là điều rất khó. Lịch sử của các HĐH đi trước đã cho thấy điều này, nhất là khi hai HĐH Android và iOS đang thống trị toàn cầu.
Rất khó để thu hút các nhà phát triển thêm một phiên bản riêng cho HarmonyOS bên cạnh các phiên bản đang có cho Android và iOS. Trước đây, rất nhiều hãng công nghệ cũng ấp ủ tạo dựng một HĐH riêng, một hệ sinh thái riêng, như Windows Phone, BlackBerry, nhưng chính việc thiếu thốn các ứng dụng thích hợp, bị các nhà phát hành “bỏ quên” đã dần giết chết hai HĐH này.
Tuy vậy, Neil Shah, nhà phân tích tại Counterpoint Research vẫn có một cái nhìn khá lạc quan, khi cho biết HĐH này là một cơ hội lớn của Huawei ở Trung Quốc để tạo ra một nền tảng thống nhất trên mạng trên các thiết bị khác nhau.
Bên cạnh đó, nhà phân tích cũng đánh giá, thành công của HĐH HarmonyOS sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc nó có thể nhận được hỗ trợ của nhà phát triển hay không. Nhất là đặt trong bối cảnh các dịch vụ được cung cấp bởi Google vẫn phát triển mạnh mẽ và gắn bó với người dùng hơn, đây là điều mà Huawei còn thiếu.
Để loại bỏ thói quen của người dùng, Neil Shah cho rằng Huawei cần thiết kế kho ứng dụng của mình thật sự độc đáo, cần có những ứng dụng và dịch vụ tốt hơn để thu hút người dùng, tạo ra một thị trường mua – bán ứng dụng như của Android và iOS.