Trên hành trình phát triển, tỉnh Hưng Yên tập trung đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh.
Cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên cho rằng, tín dụng có vai trò rất quan trọng, giúp doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày, đồng thời hỗ trợ nguồn vốn đầu tư vào các dự án lớn, mở rộng quy mô hoặc đổi mới công nghệ. Đây là yếu tố quyết định để doanh nghiệp tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hưng Yên, để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn của doanh nghiệp trên địa bàn, cần tăng cường kết nối giữa các ngân hàng và doanh nghiệp, trong đó có triển khai các hội nghị kết nối giữa các bên liên quan. Qua đó, giúp các ngân hàng nắm bắt nhu cầu thực tế, cũng như các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận chính sách của doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ.
Thời gian qua, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã chủ động triển khai các giải pháp tín dụng trọng tâm theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; bám sát mục tiêu tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, kiểm soát nợ xấu…
Đáng chú ý, việc đẩy mạnh triển khai Chương trình Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước với đa dạng nội dung và hình thức khác nhau, góp phần lắng nghe những chia sẻ, kiến nghị từ doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến hoạt động ngân hàng, tín dụng…
Đây cũng là dịp để cơ quan quản lý lắng nghe nguyện vọng, nắm bắt thông tin về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận chính sách để kịp thời tham mưu, đề xuất đến các cấp thẩm quyền phương án hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo nguồn vốn vay phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngành ngân hàng tỉnh Hưng Yên đã chủ động, tích cực thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ đầu tư nguồn vốn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua đó, đã thể hiện rõ vai trò là bạn đồng hành để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp với phương châm “sẵn sàng đồng hành, gắn bó với doanh nghiệp để phát triển lâu dài, đôi bên cùng có lợi”.
Công ty TNHH công nghệ TMD Việt Nam đang triển khai mở rộng quy mô nhà xưởng và dây chuyền sản xuất trên địa bàn huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ông Trần Văn Long, Giám đốc công ty cho biết, trong quá trình xây dựng và phát triển, thành công của TMD là cả quá trình nỗ lực, phấn đấu không ngừng của tập thể gần 100 cán bộ, công nhân viên. Bên cạnh đó là sự đồng hành, hỗ trợ nguồn vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Nguồn vốn tín dụng này đã giúp doanh nghiệp có điều kiện đầu tư, phát triển và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, với sự hỗ trợ của Chính phủ qua các chính sách ưu đãi, cùng với sự gia nhập của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, ngành cơ khí Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ đáng kể. Một số doanh nghiệp cơ khí đã bắt đầu chuyển dịch từ lắp ráp và gia công đơn giản sang sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao hơn. Điều này đòi hỏi nguồn tài chính rất lớn.
“Sự đồng hành, hỗ trợ của Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại là động lực để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển. Hiện tại, công ty đang được tiếp cận gói tín dụng với lãi suất ưu đãi của ngành ngân hàng, qua đó giảm thiểu được các chi phí khác để dành nguồn lực cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Trần Văn Long chia sẻ.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hưng Yên cho biết, với quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và tăng cường đầu tư vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh, ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ vốn tín dụng cho doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, công bố công khai lãi suất cho vay bình quân để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, lựa chọn ngân hàng để vay vốn; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Đồng thời, chỉ đạo và khuyến khích các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả và cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý.
Việc tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận tín dụng là ưu tiên hàng đầu, giúp các doanh nghiệp trong tỉnh có thêm động lực mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ và tăng cường năng lực cạnh tranh. Nhờ các chính sách thiết thực này, nhiều doanh nghiệp tại Hưng Yên đã vượt qua khó khăn, nâng cao hiệu quả kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.