Hưng Yên: Nâng cấp thương hiệu từ "đòn bẩy" OCOP

Minh Hương 28/07/2019 11:47

Hưng Yên hiện có 54 làng nghề hoạt động với hơn 11,3 nghìn cơ sở sản xuất. Từ chương trình OCOP nhiều mô hình sản xuất kinh doanh ra đời, nhiều hộ kinh doanh xây dựng thương hiệu riêng của mình.

Tạo động lực phát triển

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, chương trình OCOP Hưng Yên đã chọn lọc được 72 sản phẩm là những sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của mỗi địa phương trong tỉnh. Trong đó có 51 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm; 1 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống; 6 sản phẩm thuộc nhóm dược liệu; 13 sản phẩm  thuộc nhóm lưu niệm, nội thất, trang trí và 1 sản phẩm thuộc nhóm vải và may mặc. Đồng thời xây dựng các dự án phát triển mới 8 mô hình du lịch cộng đồng tham gia chương trình OCOP.

Là địa phương có sản phẩm trong chương trình OCOP, làng nghề mộc mỹ nghệ xã Hòa Phong (thị xã Mỹ Hào) hiện có 1.700 hộ làm nghề mộc, chiếm 54% số hộ trong xã. Hiện làng nghề đang được tập trung xây dưng cụm làng nghề đồ mộc mỹ nghệ thôn Thuần Mỹ, thôn Phúc Miếu với diện tích trên 100ha đã được UBND tỉnh phê duyệt để sản xuất kết hợp với khu thương mại dịch vụ, theo hướng phát triển du lịch làng nghề; thành lập mới các hợp tác xã, tổ hợp tác.

Làng nghề

Làng nghề đúc đồng thôn Lộng Thượng hiện có gần 200 hộ làm nghề đúc đồng

Làng đúc đồng thôn Lộng Thượng hiện có gần 200 hộ làm nghề đúc đồng, tạo công ăn việc làm cho gần 1.000 lao động. Mỗi năm, làng nghề cung cấp ra thị trường khoảng 31.200 sản phẩm các loại, với doanh thu gần 100 tỷ đồng/năm.

Lãnh đạo xã Đại Đồng cho biết, làng nghề Lộng Thượng được định hướng quy hoạch gắn với du lịch. Địa phương đã vận động, tuyên truyền, tạo điều kiện cho các hộ làm nghề vay vốn sản xuất để đầu tư đổi mới công nghệ, định hướng, đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động để tạo ra những sản phẩm cao cấp, xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên, các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP sẽ được đầu tư, hỗ trợ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thúc đẩy phát triển; được đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động; tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại.

Ông Đặng Văn Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Hiện nay, đa phần quy mô của các cơ sở sản xuất trong làng nghề còn nhỏ; nhiều cơ sở thiếu thiết bị, máy móc để cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm; nhìn chung tay nghề của lao động làng nghề chưa đáp ứng yêu cầu phát triển… Vì vậy, Chương trình OCOP là rất cần thiết, không chỉ góp phần định hướng phát triển các sản phẩm đặc trưng, mà còn là điểm tựa, “đòn bẩy” quan trọng để nâng cao chất lượng và nâng cấp thương hiệu sản phẩm.

Có thể bạn quan tâm

  • Hưng Yên: Hỗ trợ 10 tỷ đồng doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp

    Hưng Yên: Hỗ trợ 10 tỷ đồng doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp

    15:09, 14/07/2019

  • Hưng Yên: “Nở rộ” nhiều dự án khu đô thị rộng hàng trăm ha

    Hưng Yên: “Nở rộ” nhiều dự án khu đô thị rộng hàng trăm ha

    14:11, 25/07/2019

  • Hưng Yên xây dựng đô thị thông minh

    Hưng Yên xây dựng đô thị thông minh

    13:55, 21/07/2019

Tiêu chuẩn hóa sản phẩm

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Minh Quang đã ký Quyết định về việc giao chỉ tiêu nâng hạng sản phẩm OCOP tỉnh giai đoạn 2019-2020. Theo đó, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố duy trì, nâng hạng cho 72 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, 47 sản phẩm đạt 3 sao, 17 sản phẩm đạt 4 sao, 8 sản phẩm đạt 5 sao. Cùng với đó, xây dựng các dự án phát triển mới 8 mô hình du lịch cộng đồng, gồm: phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông trại, làng nghề truyền thống, trang trại chăn nuôi, du lịch tâm linh...

Ông Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên cho biết, đề án OCOP được thực hiện đa dạng, nhằm khơi dậy tiềm năng lợi thế vốn có của từng địa phương. Trước mắt năm 2019 sẽ thực hiện tiêu chuẩn hóa các sản phẩm trồng trọt với 19 sản phẩm đặc trưng của tỉnh; trong đó có nhãn lồng, vải lai chín sớm Phù Cừ, nghệ vàng Khoái Châu, quất cảnh và cây cảnh Văn Giang, nếp thơm Hưng Yên... Trong số này, phấn đấu có 2 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, 13 sản phẩm đạt 4 sao và 4 sản phẩm đạt 5 sao. Ngoài sản phẩm trồng trọt, 7 sản phẩm chăn nuôi thủy sản, 12 sản phẩm thủ công mỹ nghệ và 15 sản phẩm sơ chế, chế biến cũng được sẽ tiêu chuẩn hóa đạt 3 -5 sao.

Nhãn lồng

Nhãn lồng được thực hiện tiêu chuẩn hóa năm 2019

Từ nay đến năm 2020, Hưng Yên chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ và tăng công suất các cơ sở đã có; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch; hướng tập trung phát triển sản phẩm sạch gắn với công nghiệp chế biến ở vùng sản xuất tập trung, xây dựng thương hiệu, cung cấp sản phẩm cho các siêu thị, chợ đầu mối và doanh nghiệp xuất khẩu.

Tỉnh cũng có kế hoạch xây dựng chiến lược phát triển và thương mại hóa các sản phẩm chủ lực, phát triển sản phẩm dịch vụ OCOP và hệ thống quản lý chất lượng. Các sản phẩm được sản xuất và sử dụng nguyên liệu có gia tăng giá trị, không ảnh hưởng đến môi trường; hướng tới các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, khuyến khích các sản phẩm đạt tiêu chuẩn Globan Gap, Organic, GMP...

Mặt khác, Hưng Yên tích cực quảng bá, tiếp thị sản phẩm, tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại; phát triển các hợp tác xã và các tổ hợp, doanh nghiệp tham gia chương trình OCOP và triển khai các dự án thành phần của chương trình này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hưng Yên: Nâng cấp thương hiệu từ "đòn bẩy" OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO