Với tinh thần “hướng về dân, lắng nghe dân để hiểu được lòng dân”, chúng ta tin tưởng công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có đổi mới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh tại Phiên bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQVN Việt Nam, sáng 18/10.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, trong nhiệm kỳ 2019-2024, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đại hội lần thứ XIII của Đảng về xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực hiện hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt” và phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
“Có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, đẩy mạnh thực hành dân chủ ở cơ sở, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội…”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá, công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quốc hội, trong đó có sự phối hợp giữa Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Thứ nhất, đã phối hợp chặt chẽ, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Phối hợp tốt việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV theo Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23/6/2023 của Quốc hội.
Thứ hai, phối hợp hiệu quả trong việc tập hợp, xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; quyết định các vấn đề quan trọng về đại đoàn kết toàn dân tộc, dân tộc, tôn giáo, vấn đề liên quan đến thực hiện dân chủ, đồng thuận xã hội...
Các cuộc vận động lớn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình “chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”… luôn nhận được sự quan tâm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.
Các đồng chí thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất tích cực tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm.
Thứ ba, đẩy mạnh phối hợp trong công tác xây dựng pháp luật - đây được coi là điểm nhấn trong hoạt động phối hợp giữa hai cơ quan. Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tăng cường lấy ý kiến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với những dự thảo luật, dự thảo nghị quyết.
Đặc biệt, trong việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tích cực tổ chức các hội nghị, hội thảo và nhận được hơn 12 triệu ý kiến của các tổ chức, cá nhân, đưa hoạt động này trở thành đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý rộng khắp trên cả nước.
Thứ tư, chủ động phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát, phản biện xã hội. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tích cực tham gia, cung cấp thông tin, tài liệu để hỗ trợ hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cử đại diện tham gia các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, định kỳ gửi báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri theo quy định.
Thứ năm, tích cực phối hợp tổ chức tốt các hội nghị tiếp xúc cử tri, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đoàn Chủ tịch đã có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng tổng hợp và phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại các kỳ họp Quốc hội.
Hơn 27.300 ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân cả nước thông qua tiếp xúc cử tri trong 5 năm qua đã được hai cơ quan phối hợp tổng hợp, trình tại các kỳ họp Quốc hội, đây là cơ sở quan trọng để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Công tác này cũng ghi nhận có nhiều nét đổi mới, như phối hợp tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề, lần đầu tiên Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 5.
Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525 về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và xây dựng Nghị quyết liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Vẫn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, từ kết quả đạt được trong 5 năm qua, với tinh thần “hướng về dân, lắng nghe dân để hiểu được lòng dân”, chúng ta tin tưởng rằng trong nhiệm kỳ 2024-2029, công tác phối hợp giữa Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục có những đổi mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của mỗi cơ quan và nhiệm vụ chung được giao.
"Góp phần “phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến” để đưa đất nước tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội", Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh.