Huyện Cẩm Giàng (Hải Dương): Cải cách hành chính là “chiến lược mềm”

Nguyễn Hà thực hiện 09/11/2018 15:33

Để “lấp đầy” các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, chúng tôi sẽ dùng “chiến lược mềm” là cải cách hành chính.

Đây là chia sẻ của ông Trịnh Ngọc Thành, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) với DĐDN.

- Thưa ông “chiến lược mềm” này sẽ được triển khai ra sao?

Chúng tôi cam kết và đảm bảo đồng hành cùng các nhà đầu tư thực hiện nhanh nhất các thủ tục hành chính, hỗ trợ tối đa các thủ tục hành chính về đất đai cũng như thực hiện nhanh nhất về tiếp cận đất đai. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đảm bảo việc ổn định an ninh trật tự tại các Khu, cụm CN.

Công khai, minh bạch hóa thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận thông tin để hiểu rõ hơn các chiến lược, định hướng, quy hoạch và kế hoạch đầu tư phát triển của tỉnh. Các doanh nghiệp luốn được bình đẳng trong việc tiếp cận và áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh.

- Huyện Cẩm Giàng làm gì để tận dụng được những lợi thế của mình, thưa ông?

Nằm ở phía phía tây bắc tỉnh Hải Dương, Cẩm Giàng với các trục đường giao thông quan trọng chạy qua như Quốc lộ 5A, Quốc lộ 38, Đường 394, đường sắt Hà Nội- Hải Phòng, đường sông Thái bình và Sông Sặt chạy qua giúp huyện tranh thủ thời cơ và vận hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện theo hướng toàn diện và bền vững. Cùng với đó là sự phát triển của 5 khu công nghiệp và 3 cụm công nghiệp với gần 500 doanh nghiệp đi vào hoạt động đã góp phần thu hút đầu tư, tăng trưởng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cẩm giàng còn có các làng nghề truyền thống được quan tâm, tạo điều kiện để sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển như chạm khắc gỗ Đông Giao (Lương Điền), mộc Lê Xá (Cẩm Phúc) và rượu Phú Lộc (Cẩm Vũ) đang được đầu tư mở rộng sản xuất với mặt hàng đa dạng, chất lượng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra, với lượng lao động dồi dào, trong những năm qua, lực lượng lao động của huyện được quan tâm, tạo điều kiện đi học tập, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng công việc, tác phong làm việc công nghiệp, hiện đại. Đây là một trong những lợi thế quan trọng để huyện tập trung khai thác nhằm thúc đẩy sự phát triển KTXH của huyện.

- Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn từng lĩnh vực mà huyện sẽ đẩy mạnh hỗ trợ trong thời gian tới?

Huyện cũng sẽ tập trung phát triển dịch vụ, huy động các nguồn vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp các chợ nông thôn, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vốn xây dựng các siêu thị và phát triển đồng bộ các hệ thống dịch vụ phục vụ các khu công nghiệp, các thị trấn, thị tứ nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hoá nói chung, nông sản nói riêng.

Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo hình thức “cánh đồng lớn”, “cánh đồng liên kết” gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Hình thành một số vùng tập trung sản xuất rau an toàn, rau sạch, trồng rau theo công nghệ cao có thu nhập cao tại các xã Cẩm Văn, Đức Chính, Cao An, Ngọc Liên, Cẩm Hưng, Cẩm Vũ; diện tích trồng rau màu ngày càng được mở rộng trên những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả.

Với lĩnh vực chăn nuôi, chúng tôi đang từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung quy mô trang trại, gia trại vừa và nhỏ theo hướng an toàn sinh học; ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất và chăn nuôi góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp.

Về lĩnh vực thủy sản, huyện có chủ trương chuyển từ nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thức tổ hợp tác, doanh nghiệp, tập trung.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Huyện Cẩm Giàng (Hải Dương): Cải cách hành chính là “chiến lược mềm”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO