Phát triển Côn Đảo trở thành Khu du lịch Quốc gia sinh thái, văn hóa - lịch sử là mục tiêu đã được Đảng bộ huyện Côn Đảo nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra và đang nỗ lực thực hiện.
Ông Lê Văn Phong - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, cho biết, Côn Đảo là 1 trong 21 khu du lịch Quốc gia của Việt Nam, đã được Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới công nhận là Khu Ramsar của thế giới và được nhiều tạp chí uy tín quốc tế bình chọn là một trong những hòn đảo có phong cách hoang sơ, bí ẩn và đẹp, là thiên đường của nghỉ dưỡng và khám phá thiên nhiên vào bậc nhất thế giới.
Khu du lịch quốc gia Côn Đảo đến năm 2030, xác định trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh chất lượng cao tầm cỡ khu vực và quốc tế, là sản phẩm du lịch mang đậm đặc trưng văn hóa truyền thống gắn liền với phát huy các giá trị của Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Côn Đảo. Côn Đảo hiện có 30 dự án trong và ngoài nước đã và đang thực hiện đầu tư, với tổng vốn đầu tư là 40 triệu USD và 3.822 tỷ đồng.
Những nhà đầu tư vào Côn Đảo sẽ được hưởng những ưu đãi cao nhất, huyện Côn Đảo kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực: du lịch, năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thương mại và môi trường. Xác định du lịch là mũi nhọn kinh tế của địa phương, thời gian qua, huyện Côn Đảo phối hợp với các sở, ngành tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể dục thể thao, lễ hội mang tầm quốc gia. Huyện Côn Đảo cũng tăng cường xúc tiến đầu tư, truyền thông, quảng bá du lịch trên nhiều kênh truyền thông trong nước và quốc tế; liên kết giữa Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo với các vùng trọng điểm phát triển du lịch khác trong tỉnh; liên kết với các khu du lịch, điểm du lịch vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Vào mùa cao điểm trung bình mỗi ngày huyện Côn Đảo đón khoảng 2.500-3.500 du khách. Ngành du lịch ngày càng khẳng định vị trí chiến lược, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, chiếm tỷ trọng trên 90% trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Côn Đảo hiện có 146 cơ sở lưu trú đang hoạt động, với khoảng 2.924 phòng lưu trú, sức chứa 7.608 người/ngày, công suất phòng bình quân đạt 58,48%.
Bên cạnh đó, huyện Côn Đảo tập trung thực hiện triển khai Đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Thời gian tới, huyện Côn Đảo chú trọng tăng cường thu hút các dự án có quy mô lớn tạo ra các sản phẩm du lịch có thương hiệu, sức cạnh tranh cao, huy động sự tham gia của người dân trong phát triển du lịch, tạo đột phá cho sự phát triển của Côn Đảo trong giai đoạn mới, vươn mình hội nhập. Ông Phong chia sẻ.
Theo lãnh đạo Tập đoàn AKYN, đơn vị chủ quản của khách sạn The Secret Côn Đảo, năm 2024 là một năm đầy khó khăn và thử thách cho doanh nghiệp vì Bamboo đóng đường bay thẳng đến Côn Đảo, đồng thời chi phí vé máy bay cho riêng đường bay Côn Đảo vẫn cao dẫn đến sự khó khăn trong việc đi lại của du khách. Chúng tôi đề xuất cơ quan phát triển du lịch Côn Đảo liên quan có thể lên kế hoạch quảng bá Côn Đảo trong năm 2025 và chia sẻ thông tin đến cơ sở doanh nghiệp để các bên có cơ hội lên kế hoạch cũng như ngân sách để tham gia cùng, như tổ chức Fam trip kết hợp với hãng bay để đem những đơn vị lữ hành quốc tế đến Côn Đảo, tham gia các hội nghị, sự kiện du lịch quốc tế để quảng bá điểm đến, xây dựng đội ngũ phát triển du lịch có thể giao tiếp ngôn ngữ tiếng Anh....
Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Côn Đảo phối hợp với Hội du lịch huyện và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phát động chương trình kích cầu du lịch lớn nhằm thu hút các đoàn khách đến huyện vào những tháng cuối năm 2024.
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chia sẻ Hiện đề án kinh tế tuần hoàn cho du lịch Côn Đảo đã được tỉnh thông qua như là giải pháp để phát huy các thế mạnh cũng như giải quyết các thách thức của Côn Đảo, nhằm hài hòa giữa môi trường sinh thái và phát triển kinh tế bền vững. Trong kế hoạch phát triển của tỉnh, du lịch Côn Đảo sẽ tập trung vào phân khúc thị trường khách có chi tiêu cao, khách yêu văn hóa lịch sử, yêu du lịch sinh thái và các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thời gian tới cũng sẽ hướng đến các yếu tố này.
Ngoài việc xúc tiến quảng bá, tỉnh cũng lưu ý các sản phẩm mới đáp ứng được yêu cầu ngày một cao của tất cả du khách.
"Các doanh nghiệp cần giới thiệu nhiều tour khám phá hơn nữa, ngoài những tour truyền thống. Mỗi lần quay lại Côn Đảo là tôi phát hiện một hành trình mới, điều đó cho thấy tiềm năng phát triển dựa trên bảo tồn và phát huy các giá trị của Vườn quốc gia Côn Đảo là rất lớn", ông Trịnh Hàng cho biết.
Hiện du lịch Côn Đảo đang được tập trung để xây dựng các sản phẩm đáp ứng yêu cầu cao của khách trong nước lẫn quốc tế. Du khách đến đây có thể trải nghiệm tất cả các loại hình du lịch từ văn hóa, tâm linh, lịch sử đến sinh thái, gắn với quá trình chuyển đổi số.
Theo các doanh nghiệp, sức hấp dẫn của điểm đến Côn Đảo là sự tươi xanh, bình yên và không khí trong lành hiếm có. Côn Đảo có nhiều điều kiện để thực hiện phát triển du lịch xanh, bền vững, giảm thiểu rác thải nhựa sử dụng một lần, các cơ sở giảm sử dụng năng lượng..."Xanh, sạch là 'tài sản' mà Côn Đảo cần phải giữ gìn, vì thế cần đầu tư điều kiện hạ tầng hơn nữa",
Về vấn đề này, ông Trịnh Hàng cho biết để đạt được du lịch Net Zero, điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức, ý thức của những người có liên quan tham gia trong hệ sinh thái du lịch, từ người dân, những người làm du lịch cho tới du khách, cho tới các cơ sở về du lịch.
"Với quyết tâm, trong thời gian sớm nhất Côn Đảo có thể thực hiện thành công đề án kinh tế tuần hoàn trên địa bàn", ông Trịnh Hàng cho hay.