Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đổi mới và toàn diện giáo dục và đào tạo là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục.
Năm học mới 2024 - 2025, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé (Điện Biên) có 35 đơn vị trường với 686 lớp học và tổng số 17.730 học sinh. Ngay từ đầu năm học, Phòng đã chỉ đạo các trường triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bám sát mục tiêu giáo dục đào tạo của Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ V, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, các chỉ tiêu kế hoạch năm học 2024 - 2025 được UBND tỉnh giao.
Đổi mới công tác quản lý giáo dục nhà trường theo hướng tăng quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm phát huy dân chủ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Thực hiện chủ đề năm học 2024 - 2025, ông Phạm Thiết Chuỳ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết ngành Giáo dục và Đào tạo huyện xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm học 2024 – 2025. Đó là, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.
“Đây là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, tích cực tham mưu nhằm tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, ông Phạm Thiết Chuỳ nhấn mạnh.
Đồng thời, Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Mường Nhé tiếp tục chú trọng các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục ở cả 3 cấp học mầm non, tiểu học và THCS. Trong đó tập trung phát triển phong trào và nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ. Tăng cường giáo dục kỹ năng, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
“Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền trong việc đầu tư và từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất trường lớp, sự chuẩn bị kỹ càng các điều kiện và nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm học với kết quả cao nhất”, ông Phạm Thiết Chuỳ khẳng định.
Trong năm học 2023- 2024, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 với chủ đề năm học là "Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo".
Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường chú trọng đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đổi mới phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục.
Như nộp học phí trực tuyến, tuyển sinh đầu cấp, học bạ số, phần mềm quản lý kết quả giáo dục và học tập của học sinh để giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách, dành nhiều thời gian cho giáo viên quan tâm đến học sinh và đổi mới phương pháp dạy học...
Kết quả, chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được nâng lên, công tác phổ cập giáo dục giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi được củng cố vững chắc và nâng cao, tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến trường đạt 100%. 100% số trẻ đến nhóm lớp được đảm bảo an toàn về mọi mặt.
Đối với giáo dục tiểu học, tỷ lệ học sinh lớp 1, 2, 3, 4 hoàn thành chương trình lớp học so với năm học 2022 - 2023 tăng 0,02%, tỷ lệ học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học được giữ vững. Giáo dục THCS xếp loại hạnh kiểm tốt đạt 76,9%, khá đạt 20,2%, trung bình đạt 2,9%.
Năm học 2023 – 2024, có 4.198 trẻ mẫu giáo ra lớp được hỗ trợ ăn trưa, 7.700 học sinh phổ thông được hỗ trợ chế độ bán trú. Trong đó, Phòng GD&ĐT có 6.932 học sinh, THPT 768 học sinh) và 419 học sinh được hưởng chế độ học sinh nội trú, 268 học sinh được hỗ trợ chế độ trẻ khuyết tật, 196 học sinh được hỗ trợ chế độ dân tộc rất ít người, 16.719 học sinh được hỗ trợ chi phí học tập, 8674 học sinh được cấp bù học phí.
Cùng với sự phát triển của huyện, ngành Giáo dục và Đào tạo Mường Nhé đã tạo được sức bật đáng kể, đáp ứng nguyện vọng học tập của nhân dân, yêu cầu của sự nghiệp giáo dục và đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội của huyện.
Để khơi nguồn những ước mơ cho học sinh trên vùng đất biên cương Mường Nhé, mỗi thầy cô giáo nơi đây thực sự là một tấm gương tự học, tự rèn luyện. Đội ngũ sư phạm các trường đã nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học, không ngừng nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục và Đào tạo thực sự là những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”, là những người cha, người mẹ thứ hai của học sinh.
Quan tâm chăm lo cho các em từng miếng ăn, giấc ngủ, truyền thụ kiến thức, dạy các em nét chữ, nết người, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội... Không những đem cái chữ đến vùng cao, các thầy, cô giáo còn là cầu nối đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến gần hơn với nhân dân và phụ huynh học sinh.