Đã gần 50 năm trôi qua kể từ ngày đất nước ta hoàn toàn giải phóng, nhưng ký ức về một con đường huyền thoại mang tên “Đường Hồ Chí Minh trên biển” vẫn như mới hôm qua.
>>>Bến K15: Nơi “khởi nguồn” của con đường trên biển huyền thoại
Đã gần 50 năm trôi qua kể từ ngày đất nước ta hoàn toàn giải phóng, nhưng ký ức về chiến công hiển hách vẫn vẹn như mới hôm qua. Góp phần vào chiến thắng 30/4 năm ấy phải kể đến một con đường huyền thoại mang tên “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Từ những chuyến tàu không số...
Bến K15 hay gọi là Km số 0, nơi xuất phát của những con tàu không số, làm nhiệm vụ bí mật, chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trong những năm tháng chống đế quốc Mỹ, làm nên con đường huyền thoại mang tên “đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Mãi sau này, khi non sông Việt Nam nối liền một dải, nhiều người vẫn chưa biết tới một địa danh bí mật nằm trong bán đảo Đồ Sơn - đó là bến K15, nơi xuất phát của những "chuyến tàu không số", gắn liền với đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.
Vào tháng 7/1959, Bộ Tổng tư lệnh đã quyết định thành lập Tiểu đoàn vận tải thủy 603 tuyến đường mới an toàn và hiệu quả hơn đó là tuyến đường biển. Nhưng để giữ bí mật, Tiểu đoàn 603 hoạt động dưới hình thức là tập đoàn đánh cá của cán bộ nhân dân miền Nam tập kết mang tên “Tập đoàn Đánh cá sông Gianh”, 27/1/1960 chuyến vận chuyển vũ khí đầu tiên của đoàn 603 xuất phát từ cửa sông Gianh mang theo 5 tấn vũ khí, thuốc men vào bến hố chuối ở Hải Vân nhưng đã bị trôi dạt vào Cù Lao Ré (Lý Sơn, Quảng Ngãi) thuyền trưởng QĐ thả hàng xuống biển để phi tang, 6 người trên tàu đều bị bắt, chuyến đi không thành công.
Ngày 23/10/1961 Bộ Quốc Phòng ra Nghị quyết số 97/QP thành lập Đoàn 759 vận tải đường biển (nay là Lữ đoàn 125) với nhiệm vụ là mua sắm phương tiện, tiến hành vận chuyển tiếp tế các loại hàng cho chiến trường miền Nam bằng đường biển, và ngày 23/10/1961 được lấy là ngày truyền thống kỷ niệm của đường Hồ Chí Minh trên biển.
Bến K15 (theo nghị quyết hội nghị lần thứ 15 của BCH TƯ đảng) là bí danh được đặt tên cho bến tàu có quy mô lớn đầu tiên của các con tàu không số vận chuyển người và vũ khí từ bắc vào nam bằng đường biển trong cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước của nhân dân ta. để đảm bảo bí mật, an toàn tuyệt đối, bến được mở tại thung lũng xanh dưới chân núi Vạn Hoa (do trung đoàn công binh 83 xây dựng).
Để giữ bí mật, bảo đảm an toàn cho công tác vận chuyển, việc chọn địa điểm trú đậu, nhận hàng và xuất phát của các con tàu được hết sức coi trọng và tính toán rất kỹ. Đồ Sơn (Hải Phòng)-vị trí địa quân sự đặc biệt, nhân dân nơi đây có truyền thống cách mạng, đã sớm được lựa chọn làm căn cứ xuất phát của Đoàn tàu không số.
Để những con tàu sắt trọng tải lớn thực hiện nhiệm vụ vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam, Quân ủy Trung ương chỉ đạo gấp rút, bí mật xây dựng một cầu tàu tại Bến K15, Đồ Sơn. Cầu tàu được thiết kế theo hình chữ T, mặt rộng 6m, dài 60m, phần ngang rộng 6m, dài 12m, kết cấu bê tông cốt thép khung dầm, ván lát mặt cầu là gỗ lim. Ngày 17-3-1963, từ Bến K15, chiếc tàu sắt đầu tiên mang số hiệu Tàu 43 do đồng chí Đinh Đạt làm thuyền trưởng, chở hơn 44 tấn vũ khí, hành trình hàng nghìn hải lý, vượt qua sự bao vây, phong tỏa của kẻ thù, cập bến Trà Vinh an toàn.
Thượng úy Hoàng Gia Hiếu - Trưởng ban Ban liên lạc Đoàn tàu không số tại bến Nghiêng cho biết: Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, vào 22h ngày 11/10/1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên mang tên tàu Phương Đông 1 chở 30 tấn vũ khí bí mật xuất phát tại Vạn Xép, Đồ Sơn lên đường. Sau 10 ngày, tàu vào bến Vàm Lũng (Cà Mau) thành công. Tiếp theo đó lần lượt là các tàu Phương Đông 2, 3, 4 cập bến an toàn, khẳng định ta có thể mở đường vận chuyển lâu dài trên biển. Nhưng tàu gỗ tải trọng thấp, chịu sóng kém, ta lại thường chọn đi lúc gió bão để tránh địch, do vậy không an toàn. Chủ trương của Quân ủy T.Ư là cần nhanh chóng có loại tàu sắt từ 50 - 100 tấn làm phương tiện cho Đoàn 759 (sau này là Đoàn 125). Đồng thời gấp rút xây dựng cầu cảng mang mật danh K15 tại Đồ Sơn.
Ngày 15/4/1963, chiếc cọc đầu tiên được khởi công. Bốn vồ máy ký hiệu BĐ45 làm việc suốt đêm ngày nhưng cọc không chịu xuống, công việc bị đình trệ. Các chuyên gia nghiên cứu nhận định, khu vực làm cầu tàu có cấu tạo địa chất cát pha đá, búa máy quá nhẹ. Sau đó, tổ công tác được trang bị loại búa máy C222 và C245 của Liên Xô, có lực nén lớn. Công nhân chia 3 ca làm liên tục ngày đêm, cọc đóng tới đâu, dầm lao ra tới đó, lát ván, đóng đinh… Sau 1 tháng, cầu cảng K15 hoàn thành và bắt đầu nhiệm vụ lịch sử của nó.
Ông Hiếu cho biết: Theo tính toán, lúc bấy giờ, nếu đi đường bộ, 1 tấn súng - đạn cần tới 50 người mang vác trong suốt 6 tháng, cho thấy hiệu suất vận chuyển của những con tàu đi trên đường biển là rất cao.
Và thực tế, trong suốt 10 năm (1962 - 1972), từ bến K15, đã có hàng trăm chuyến tàu không số vận chuyển thành công 18.741 cán bộ, chiến sỹ và 44 nghìn tấn vũ khí, hàng hóa, chi viện kịp thời cho quân dân ta ở Nam Bộ, khu 6, khu 5… kháng chiến, góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc trong mặt trận phía Nam, thống nhất đất nước.
... đến Cột mốc số 0
Bến K15 là điểm xuất phát , “cột mốc số 0” của Đường Hồ Chí Minh trên biển, Bến K15 còn được biết đến với tên gọi bến Nghiêng, nằm ở phía Tây Nam, dưới chân núi Vạn Hoa, là ngọn núi thứ 9 trong dãy núi Chín Rồng. Được bao bọc 3 phía là núi và rừng thông xanh mướt, vì vậy, nơi đây lặng sóng, là điểm neo đậu tàu thuyền lý tưởng.
Hiện nay, di tích Bến K15 chỉ còn lại 15 trụ bê tông cầu cảng nằm cách bờ khoảng 30m trong quần thể khu du lịch sinh thái, tâm linh của Đồ Sơn. Khác với sự thầm lặng ra đi của những chuyến tàu không số ngày ấy, Bến K15 bây giờ tấp nập tàu chở khách ra tham quan Hòn Dấu-địa danh du lịch nổi tiếng của Đồ Sơn, “mắt ngọc” của Hải Phòng. Hòn Dấu gây ấn tượng bởi vẻ hoang sơ, tĩnh lặng với thảm thực vật nguyên sinh độc đáo và nét huyền bí, linh thiêng bao phủ bởi sự tích về ngôi đền thờ Nam Hải Đại Vương-vị thần che chở cho ngư dân trên biển, nơi có ngọn hải đăng gần 100 năm tuổi mà khi lên đó ta có thể thưởng thức trọn vẹn khung cảnh Đồ Sơn núi non, biển nước mênh mông hữu tình.
Trong chiến tranh, cha ông ta đã biết khai thác lợi thế của biển để đánh thắng quân thù, ngày nay, chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng, an ninh luôn được Hải Phòng coi trọng.
Bến K15 nói riêng tiếp tục được Hải Phòng phát huy, vận dụng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội xây dựng quê hương giàu mạnh.
Trong suốt quá trình tồn tại, bến K15 giữ vững vai trò khởi nguồn và tiếp diễn của đường Hồ Chí Minh trên biển, qua bao nhiêu đợt cường kích, phong tỏa, không quân và hải quân Mỹ đều không thể phát hiện. Đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, hiện nay, dấu tích còn lại chỉ là những chân cọc làm cầu tàu năm xưa neo vào lòng biển cả như khắc ghi sự hy sinh thầm lặng của những chiến binh quả cảm đã tạo nên một con đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh trên biển.
Ngày nay, bến K15 không chỉ được nhắc đến như một bản anh hùng ca rất đáng tự hào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của người dân Đồ Sơn mà nơi đây còn là điểm đến tham quan, học tập để cùng tìm hiểu về lịch sử dân tộc. Bà Lưu Thị Thu Huyền – Giám đốc Trung tâm dịch vụ Du lịch và Quản lý Di tích lịch sử quận Đồ Sơn cho biết, bến K15 không chỉ là điểm đến tâm linh, điểm đến lịch sử của du khách trong và ngoài nước mà còn là địa chỉ giáo dục truyền thống lịch sử.
Chỉ tính từ trung tuần tháng 3 đến nay, bến K15 đã đón hàng nghìn lượt khách, trong đó chủ yếu là các đoàn học sinh đến từ nhiều trường học trong và ngoài thành phố đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử kháng chiến của ông cha ta, qua đó khơi gợi niềm tự hào dân tộc”.
Để tưởng nhớ chiến công của những thủy thủ tàu không số, TP Hải Phòng đã xây dựng Tượng đài kỷ niệm đường Hồ Chí Minh trên biển ngay cạnh di tích bến tàu K15. Năm 2005, bến được công nhận là di tích cấp thành phố; năm 2008, được Bộ VH-TT, nay là Bộ VH-TT&DL xếp hạnh di tích lịch sử quốc gia.
Có thể bạn quan tâm
02:30, 24/04/2023
22:23, 22/04/2023
03:30, 21/04/2023