Huyền thoại kỹ nghệ gia Trương Văn Bền: (Kỳ 5) Vua xà bông

NGUYỄN XUÂN TUẤN 31/10/2023 03:45

Người Sài Gòn cũng như không ít người Nam bộ, có ít nhất hai ba thế hệ đã được tắm gội bằng xà bông Cô Ba, đây là loại xà bông thơm đầu tiên của người Việt Nam.

>>Huyền thoại kỹ nghệ gia Trương Văn Bền: (Kỳ 4) Cha đẻ của ngành xà bông Việt Nam

fd

Hình người con gái Việt Nam trên vỏ hộp xà bông

Sau khi đất nước thống nhất, xà bông Việt Nam còn tràn ra phía Bắc và được người dân tin dùng. Vào thời điểm ấy, Việt Nam hãnh diện có một doanh nhiệp quy mô tầm cỡ là Hãng xà bông Trương Văn Bền và các con đã góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế trong thời kỳ còn  phôi thai. Riêng ông và các con đi Pháp bằng máy bay như đi chợ.

Xà bông mang hai tiếng Việt Nam

Trương Văn Bền là một doanh nhân luôn tìm hiểu với tầm nhìn xa và nhạy bén đến những áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất thực tiễn và đầu tư khuếch trương tìm những hướng đi mới. Với đầu óc thoáng và rộng rãi, ông đã thiết lập thành công cơ sở sản xuất và kinh doanh của công ty ông rất hữu hiệu và hiện đại. Ông không tự tìm hiểu và học hỏi để trở thành chuyên gia làm xà bông có uy tín và chất lượng bậc nhất Đông Dương.

Trong hồi ký ông viết, “Tôi đang tìm kiếm tên nào kêu, dễ gọi, dễ nhớ để đặt tên cho Xà bông mà chưa kiếm ra. Ngoài Bắc, phong trào cách mạng Việt Nam quốc dân đảng do Nguyễn Thái Học cầm đầu nổi lên nhiều chỗ và đã bị thất bại đau đớn, đến lúc Tây xử tử họ ở Yên Bái thì mười người như một, trước khi đút đầu vô máy chém đều bình tĩnh hô to: “Việt Nam vạn tuế” gây một luồng dư luận sôi nổi ở trong nước và thế giới.

Tôi không bỏ lỡ vội chụp lấy vụ này, lấy tên Việt Nam đặt cho xà bông, gọi Savon Việt Nam để nêu lòng ái quốc. Tên xà bông Việt-Nam là của người Việt làm cho người Việt, người Việt yêu nước phải dùng đồ Việt Nam. Về sự chọn lựa biểu tượng của xà bông Việt Nam, ông đã dùng hình ảnh một người con gái đẹp làm biểu tượng cho sản phẩm. Một trong những tin đồn huyền thoại dân gian kể lại thì “Cô Ba” chính là con gái Thầy Thông Chánh ở Trà Vinh, người đàn bà đẹp nhất Nam Kỳ hồi đầu thế kỷ 20. Nhưng các giai thoại và tin đồn như trên về “Cô Ba” đều không đúng.

Sản phẩm xà bông Cô Ba của Công ty Trương Văn Bền và các con

Sản phẩm xà bông Cô Ba của Công ty Trương Văn Bền và các con

Theo bà Trương Ngọc Lang, thật ra người phụ nữ được in trong cục xà bông chính là mẹ của bà. Điều này được chứng minh bởi, trước khi chụp tấm hình ông Trương Văn Bền đã mua tặng bà Huỳnh Thị Sửu một sợi dây truyền trị giá 100 lượng vàng để cho bà đeo để chụp ảnh bà làm thương hiệu cho sản phẩm. Trong dịp này, ông cũng thuê thợ về đúc tượng đồng đen và trưng ngay trong phòng làm việc. Với sự ra đời của hãng xà bông Trương Văn Bền và các con, Việt Nam hãnh diện có được một xưởng công nghệ quy mô, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế trong thời kỳ phôi thai.

Trên báo chí ở Việt Nam từ khi xà bông Việt nam được sản xuất, trong mục quảng cáo thường đăng “Dùng xà bông xấu, mục quần áo” hoặc “Người Việt Nam nên xài xà bông Việt Nam” của Hãng Xà bông Trương Văn Bền. Trong các cuộc triển lãm được mở cửa hàng năm tại các tỉnh và Sài Gòn, bao giờ gian hàng của ông Bền cũng được thiết kế ấn tượng nhất với mô hình một cục xà bông khổng lồ gây được sự chú ý và tò mò đặc biệt của người xem. Chưa dừng lại ở đó, tại các gian hàng còn có bán xà bông gọi là chào hàng với giá rẻ hơn bên ngoài đến 25%. Trương Văn Bền còn đưa nhãn hiệu xà bông Trương Văn Bền vào những loại hình nghệ thuật dân tộc được người Việt yêu thích như vọng cổ, thơ lục bát đề cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước… khiến cho từ giới bình dân đến trí thức người Việt đều biết đến sản phẩm của ông.

Theo ký ức Trương Văn Bền viết, nhờ sức mạnh của quảng cáo, xà bông Việt Nam tiến phát mau lắm, chỗ nào cũng buôn xà bông Việt Nam, ai nấy chỉ dùng xà bông Việt Nam thôi. Thấy mối lợi như vậy nhiều người chóa mắt cũng làm xà bông để tranh dành, như Bà Đốc phủ Mầu ra xà bông Con Cọp; Balet ra xà bông Nam Kỳ cũng đầu người đàn bà như Việt Nam; Nguyễn Phú Hữu ra xà bông 3 sao ở Cần Thơ…nhưng tranh đua không lại xà bông Việt Nam và đều bị thất bại, bỏ cả. Số lượng xà bông Việt Nam sản xuất lần đầu lên tới 200 tấn ngày và được bán khắp Sài Gòn, lục tỉnh, Trung kỳ, Bắc kỳ, Ai lào, Cao miên.

Chủ tịch Phòng Thương mại quốc tế

Trong hồi ký ông viết, thấy xà bông bán chạy, tôi làm thêm một chảo nữa. Nay nhiều thêm thì phải làm quảng cáo dữ mới bán được. Một mặt phải kiếm thế ép mấy hàng tạp hóa mua xà bông Việt Nam về bán. Mặt khác, để cạnh tranh với xà bông Pháp tôi bèn huy động một tốp người cứ lần lượt hàng ngày đi hết các tiệm tạp hóa hỏi có xà bông Việt Nam bán không? Hễ có thì mua một, hai xu, bằng không thì đi chỗ khác, trước khi bước chân ra khỏi tiệm nói với lại một câu “Sao không buôn xà bông Việt Nam về bán? Thứ đó tốt hơn xà bông khác nhiều”. Hết người này tới người khác, thế rồi chủ tiệm cũng phải đẻ ý lấy làm lạ, phải hỏi lại chỗ bán xà bông Việt Nam, cho người mua thử về bán.

Không dừng lại đó, ông còn vận dụng đờn ca vọng cổ để khuếch chương xà bông Việt Nam, tốp thì đi đánh võ rao hàng, rồi đá banh tôi cũng cho mặc áo thêu xà bông Việt Nam. Nói tóm lại tôi không bỏ lỡ một dịp nào mà không làm quảng cáo, nên xà bông Việt Nam bán chạy lắm. Nhờ sức mạnh của quảng cáo, xà bông Cô Ba có mặt trên hầu hết các tiệm tạp hóa và không tính nổi số gia đình lao động xài nó. Theo đó, hãng xà Việt Nam tiến phát mau lắm.

Khi đã định hình được tên tuổi sản phẩm và thị trường tiêu dùng, Trương Văn Bền đặc biệt chú trọng vào quảng cáo, khuếch trương thương hiệu. Nhờ sức mạnh từ quảng cáo nên hãng xà bông Việt Nam phát triển nhanh lắm, chỗ nào cũng có xà bông Việt Nam. Ai là người Việt, thậm chí là người Pháp cũng dùng xà bông Việt Nam. Trong suốt thời gian dài hầu hết báo chí thời đó đều đăng mục quảng cáo “Dùng xà bông xấu, mục quần áo” hoặc “Người Việt Nam nên xài xà bông Việt Nam” của Hãng Xà bông Trương Văn Bền và các con. Những người lớn tuổi, không ai không biết đến xà bông “Cô Ba”, có in hình nổi trên cục xà bông thơm hình oval. Ngoài hộp xà bông bằng giấy carton cũng có in hình người đàn bà búi tóc.

Trong thương trường, ông Bền có chủ trương riêng để tạo uy tín là phải giữ phẩm chất tốt, bền bỉ. Ông nhìn xa thấy rộng, không theo lối chụp giựt, ăn xổi ở thì như gian thương ngày nay. Mặc dầu có địa vị cao trong xã hội, nhưng ông Bền không tự mãn. Ông luôn luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm mỗi lần có dịp qua Pháp. Trong hồi ký ông viết, năm 1941 tôi chịu cho sở binh lương một ít lợi quyền, nên bán được giá cao, chở đi Madagascar, Réunion, v.v. Mấy xứ thuộc địa Pháp này vẫn mua xà bông Mạc-Sây, nay chiến tranh giao thương bế tắc nên phải mua của tôi, mà chính là mấy hãng ở Mạc-Sây thiệt thọ mua để bán đi các nơi.

Ông cũng cho biết: Trong 6 năm thế giới chiến tranh (1939-1945) mấy hãng dầu và xà bông làm ăn tấn phát lắm, một cơ hội may cho mấy hãng Tây như Borris, Mattrat và Delaunay, vì chiến tranh, việc xuất nhập cảng khó khăn. Trong ủy ban giám đốc hầu hết là người Pháp nhưng tôi là nhân viên Hội đồng quản hạt, hãng xà bông của tôi lại sản xuất nhiều hơn họ nên họ phải để tôi làm Chủ tịch.

Sau năm 1954, sản phẩm này hầu như không có đối thủ. Loại xà bông này rất tốt, có nhiều bọt, chất lượng không thua xà bông ngoại nhập mà giá lại rẻ hơn rất nhiều. Để cho dễ hình dung về sự giàu có của Trương Văn Bền, thì ta có thể đưa ra một ví dụ sau: Theo bảng lượng giá để đánh thuế của Phủ toàn quyền Đông Dương ở Hà Nội, thì năm 1941, ông Trương Văn Bền phải đóng cho chính phủ một số tiền lên tới 107.000 đồng (trong khi đó, giá vàng khoảng 60 đồng/lượng, tương đương với 1.789 cây vàng). Tiền thuế đã như thế, thì đủ biết tiền lãi của ông Trương Văn Bền kiếm được trong một năm là nhiều đến thế nào.

Sau năm 1948, Trương Văn Bền rời Việt Nam và sống tại Paris. Ông trở thành hội viên và là Chủ tịch Phòng thương mại Quốc tế (International Chamber of Commerce). Tên tuổi và sản phẩm xà bông thơm “Cô Ba” nổi danh trong mấy thập niên liền, đủ sức đánh bạt xà bông ngoại nhập và phổ biến khắp cả 3 miền đất nước, lên tận Miên, Lào. Để phục vụ cho những đứa con của ông đi du học bên Anh và Pháp, Trương Văn Bền đã chi ra hàng nghìn lượng vàng mua những toà nhà Tracadero, ST Cloud, Boulogne, thuộc quận 16, Thủ đô Paris. Trong những năm cuối đời sống ở Pháp, Trương Văn Bền đã đưa xe hơi xuống tàu để đi chu du khắp nơi từ vùng Maroc, Oran, Alger, Tunisie, Berberes đến Ai Cập.

Riêng sản phẩm của công ty Trương Văn Bền và các con là niềm tự hào của nhiều người Việt Nam. Trước khi ông mất 1956 tại Paris để lại hai cuốn “hồi ức” và “chúc ngôn” đang được người con gái duy nhất còn sống tại  Việt  Nam gìn giữ như một báu vật. Xác của ông được đưa về Việt Nam đoàn tụ cùng ông bà tổ tiên.

Thời kỳ sau khi ông mất cũng là thời kỳ lịch sử Việt Nam có nhiều biến động nhưng sản phẩm xà bông của ông vẫn chiếm lĩnh phần lớn thị trường. Đến thập niên 1960-1970, khi hàng hóa bột giặt, xà bông Mỹ bắt đầu tràn ngập miền Nam thì hãng xà bông Cô Ba vẫn đứng vững trên thị trường và sản phẩm này hầu như không có đối thủ. Sau năm 1975, nhà nước mới trưng thu một phần cơ sở của Hãng Xà bông Việt nam để trở thành Nhà máy hợp doanh Xà bông Việt Nam thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ. Năm 1995, đơn vị này trở thành công ty Phương Đông thuộc Bộ Công nghiệp.

Ông Bền Trương Văn có 5 người con (4 trai 1 gái). Người con đầu là Trương Khắc Trí, từng là Chủ tịch Ban quản trị Việt nam Công Thương Ngân Hàng tại Sài gòn và là Tổng Giám đốc Công ty Xà bông Việt Nam từ 1959 đến 1965. Người con thứ hai là Trương Khắc Huệ, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học hóa học tại Marseille, tham gia vào Công ty Trương Văn Bền và các con làm giám đốc kỹ thuật từ năm 1945 đến 1965 và Tổng Giám đốc từ năm 1965-1970. Ông Huệ cũng là Hội trưởng Nghiệp đoàn Kỹ nghệ dầu và xà bông miền Nam Việt Nam (1965-1975) và là Tổng thư ký Tổng Đoàn Công Ty kỹ nghệ Việt Nam (1969-1975). Trong thời gian này, ông Trương Khắc Huệ là nguời tạo ra những sản phẩm mới như xà bông hương nhài. Người con thứ 3 và thứ 4 là ông Trương Khắc Thông và bà Trương Ngọc Lang. Người con trai út, ông Trương Khắc Cần, quản lý công ty từ năm 1970 đến 1975.

Có thể bạn quan tâm

  • Huyền thoại kỹ nghệ gia Trương Văn Bền: (Kỳ 4) Cha đẻ của ngành xà bông Việt Nam

    Huyền thoại kỹ nghệ gia Trương Văn Bền: (Kỳ 4) Cha đẻ của ngành xà bông Việt Nam

    03:40, 30/10/2023

  • Huyền thoại kỹ nghệ gia Trương Văn Bền: (Kỳ 3) Làm ruộng nghìn héc ta

    Huyền thoại kỹ nghệ gia Trương Văn Bền: (Kỳ 3) Làm ruộng nghìn héc ta

    04:00, 29/10/2023

  • Huyền thoại kỹ nghệ gia Trương Văn Bền: (Kỳ 2) Từ quan trở thành kỹ nghệ số 1 Việt Nam

    Huyền thoại kỹ nghệ gia Trương Văn Bền: (Kỳ 2) Từ quan trở thành kỹ nghệ số 1 Việt Nam

    03:46, 28/10/2023

  • Huyền thoại kỹ nghệ gia Trương Văn Bền: (Kỳ 1) Vươn lên từ vùng đất sình

    Huyền thoại kỹ nghệ gia Trương Văn Bền: (Kỳ 1) Vươn lên từ vùng đất sình

    03:30, 27/10/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Huyền thoại kỹ nghệ gia Trương Văn Bền: (Kỳ 5) Vua xà bông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO