Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Là một huyền núi phía tây tỉnh Thanh Hóa, Thường Xuân sở hữu nhiều danh thắng nổi tiếng như Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, thắng cảnh Cửa Đặt huyền thoại, hội thề Lũng Nhai…
Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thường Xuân đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 30-3-2016 về “Phát triển du lịch huyện Thường Xuân giai đoạn 2016–2020, định hướng đến năm 2025”. Đồng thời, UBND huyện cũng ban hành Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 15-1-2018 về việc triển khai xây dựng Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa”. Đây là những căn cứ pháp lý quan trọng để địa phương xây dựng và triển khai các nhiệm vụ phát triển du lịch. Đồng thời cũng cho thấy sự đổi mới trong tư duy và nhận thức về du lịch của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.
Để phát triển loại hình du lịch cộng đồng, tháng 3-2018, địa phương đã phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu, xây dựng Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng huyện Thường Xuân”, tại hai địa điểm là bản Vịn, xã Bát Mọt và thôn Thanh Xuân, xã Xuân Cẩm. Đến nay, cơ sở vật chất (chủ yếu là nhà ở) tại bản Vịn cơ bản đáp ứng yêu cầu du lịch cộng đồng. Còn thôn Thanh Xuân đã có một số hộ dân tham gia thí điểm làm du lịch cộng đồng và thu được kết quả bước đầu. Để khuyến khích các hộ dân tham gia làm du lịch, địa phương đã tạo cơ chế ưu đãi cho các hộ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du khách...
Đây là những địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái, có cảnh sắc nên thơ, khí hậu mát mẻ được ví như một Tam Đảo hay Sapa của huyện Thường Xuân. Bên cạnh đó, đồng bào còn lưu giữ được những mái nhà sàn; những thửa ruộng bậc thang uốn lượn đẹp mắt tạo nên khung cảnh bình yên, trữ tình.
Đặc biệt, đồng bào nơi đây vẫn duy trì và phát huy được những bản sắc văn hóa đặc sắc của người Thái như: Hát khặp, múa sạp, cồng chiêng và khua luống. Do đó, du khách đến địa phương, ngoài trải nghiệm cuộc sống hòa mình với thiên nhiên, không gian văn hóa của người dân địa phương, còn được thưởng thức ẩm thực độc đáo như: cơm lam, canh uôi, măng rừng, canh đắng, thịt trâu gác bếp, cá nướng, các loại chẻo. Đặc biệt là các loại đặc sản, như: cá lăng, cá leo, lợn cỏ, gà đồi, tôm sông...
Tại bản Mạ, sau khi có chủ trương vận động người dân tổ chức mô hình du lịch cộng đồng, trong vòng 3 năm nay, đã có rất nhiều khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm, trong đó có khách nước ngoài; qua đó đã tạo điều kiện cho người dân trong bản có công ăn việc làm, thu nhập ổn định.
Ông Nguyễn Thành Lương, Phó bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho biết, Thường Xuân sở hữu nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, nhưng đến nay, vẫn chưa khai thác tương xứng với tiềm năng. Từ hai mô hình du lịch cộng đồng bản Vịn, xã Bát Mọt và thôn Thanh Xuân, xã Xuân Cẩm, huyện sẽ có đánh giá, xác định hướng phát triển kinh tế từ du lịch, qua đó hoàn chỉnh các quy hoạch, đề án nhằm thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các dịch vụ, khách sạn, các công trình văn hóa, sản phẩm phục vụ du lịch…
Có thể bạn quan tâm
Khởi nghiệp thành công nhờ du lịch cộng đồng
04:23, 05/11/2020
Du lịch cộng đồng – Tiềm năng và hạn chế của Quảng Ninh
03:29, 15/07/2020
U60 khởi nghiệp với du lịch cộng đồng
04:04, 06/12/2019
Đà Nẵng thông qua Đề án “du lịch cộng đồng”: Cơ hội "ngồi thuyền thúng ngắm bình minh trên vịnh Nam Ô"
16:30, 20/09/2019