Huyện Văn Lâm đã nhanh chóng phát huy lợi thế để trở thành huyện có công nghiệp, dịch vụ phát triển, thu ngân sách cao, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của tỉnh Hưng Yên.
Văn Lâm sở hữu nhiều khu, cụm công nghiệp, làng nghề, với thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 6.000 USD, cao nhất tỉnh Hưng Yên và thuộc top cao nhất cả nước. Văn Lâm đang có khát vọng trở thành đô thị hiện đại, văn minh, thành phố trực thuộc tỉnh.
“Địa chỉ đỏ” thu hút đầu tư
Chủ tich UBND huyện Văn Lâm Trần Chu Đức cho biết, với lợi thế vị trí địa lý và có QL 5A, và các đường vành đai của Thủ đô đi qua, nên ngay sau khi được tái lập, huyện đã chủ trương đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xác định là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Công tác quy hoạch các khu, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được huyện chú trọng; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư.
Văn Lâm đã trở thành thỏi nam châm hút dòng vốn đầu tư lớn. Đến nay, Khu công nghiệp Phố Nối A với diện tích 594 ha, có 213 doanh nghiệp đang hoạt động; 10 cụm công nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích hơn 466,7 ha và một số khu sản xuất tập trung. Tổng diện tích đất giành cho phát triển công nghiệp là 1.214 ha tăng gấp 50 lần so với năm 1999. Số doanh nghiệp trên địa bàn huyện Văn Lâm 2185 doanh nghiệp; trong đó doanh nghiệp đang hoạt động 1.822 đã tạo việc làm cho hơn 60.700 lao động trong và ngoài huyện.
Huyện xác định giải phóng mặt bằng (GPMB) phải đi trước một bước, là khâu then chốt trong việc thu hút các nhà đầu tư. Công tác GPMB có nhanh thì mới tranh thủ được thời cơ để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tạo bước phát triển đột phá về phát triển công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn huyện. Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Cả hệ thống chính trị của huyện Văn Lâm vào cuộc với quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao bằng nhiều giải pháp chủ động, linh hoạt trong công tác phổ biến, tuyên truyền, vận động tạo sự ủng hộ, đồng thuận của Nhân dân để thực hiện hiệu quả các bước trong quy trình GPMB.
Huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các Cụm công nghiệp (CCN) đã được thành lập trên địa bàn như: CCN Minh Khai, CCN Minh Hải 1, CCN Lạc Đạo; đến nay đã hoàn thành công tác GPMB đối với CCN Minh Khai. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, mở rộng, bổ sung quy hoạch phát triển CCN huyện giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050. Thông báo công khai thông tin tiếp nhận hồ sơ của đơn vị đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Minh Hải 2. Hoàn thiện thủ tục pháp lý trình Thủ tướng Chính phủ chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa). Dự án KCN Phố Nối A mở rộng (diện tích 92,5ha)
Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện đến nay đạt 133.412 tỷ đồng, gấp hơn 945 lần so với năm 2000. Sự phát triển của sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong 25 năm qua, đã góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên địa bàn huyện.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đến ngày 12/12/2024 được 7426 tỷ/ 3.654, 8 tỷ đạt 203,18%; tỷ lệ đô thị hóa đạt 54,54% (06/11 xã, thị trấn được công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại 4); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85,5%; công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số xếp thứ 1/10 huyện, thành phố, thị xã.
Bên cạnh đó, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, huyện luôn quan tâm phát triển nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới, từng bước chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hoá, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.
Giao thông đồng bộ hiện đại
Theo Chủ tich UBND huyện Văn Lâm Trần Chu Đức, huyện Văn Lâm giáp ranh Hà Nội, được quy hoạch trở thành thành phố, đầu tư nhiều hạ tầng giao thông tạo động lực thu hút nhà đầu. Nắm bắt quy hoạch chung, nhiều chủ đầu tư đã đổ về Văn Lâm để quy hoạch các khu đô thị, dự án nhà ở quy mô lớn.
Nhiều dự án lớn được triển khai thực hiện đồng bộ, tạo sức lan tỏa để phát triển kinh tế - xã hội, chỉnh trang đô thị như: Dự án xây dựng đường gom khu công nghiệp phía nam đường sắt từ Như Quỳnh đến Lương Tài; đường ĐH.15, ĐH.15 kéo dài từ đường ĐH.13 đến CCN Minh Khai; dự án đầu tư xây dựng đường trục trung tâm huyện Văn Lâm...
Nói về phương hướng phát triển trong thời gian tới, Chủ tich UBND huyện Văn Lâm Trần Chu Đức cho biết: trong thời gian qua, đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Văn Lâm quyết tâm đoàn kết, khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng, lợi thế, tập trung khai thác tốt mọi nguồn lực, tiếp tục thực hiện Đề án, các chương trình, nghị quyết về phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện. Góp phần đưa Văn Lâm lên đô thị loại IV vào năm 2025 và trở thành thành phố Văn Lâm trước năm 2030”, phát triển vươn tầm hội nhập.
Doanh nhân, doanh nghiệp đồng hành cùng sự phát triển huyện Văn Lâm
Nhiều năm qua, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp tại Văn Lâm đã vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của kỷ nguyên hội nhập và chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Văn Lâm cho biết, huyện Văn Lâm đang chuyển mình đầy ấn tượng, từ số lượng tăng trưởng ổn định đến chất lượng vượt bậc trong các lĩnh vực kinh doanh. Thống kê đến nay, có khoảng gần 2185 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn huyện. Điển hình trong đó phải kể đến các doanh nghiệp lớn như Thép Việt Mỹ, Thép Nhật Quang, Thép Minh Ngọc, công ty Thanh Tùng... Các doanh nghiệp không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế địa phương mà còn góp phần nâng cao vị thế của tỉnh Hưng Yên trên bản đồ kinh tế cả nước.
Cộng đồng doanh nghiêp huyện đã có vai trò đóng góp tỷ trọng lớn vào GRDP của tỉnh thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Hàng nghìn lao động địa phương đã có việc làm ổn định với mức thu nhập tốt nhờ sự phát triển của các doanh nghiệp trong huyện. Nhiều doanh nghiệp đã tham gia tích cực vào công tác xã hội tại địa phương, lan tỏa tinh thần trách nhiệm với cộng đồng thông qua các hoạt động từ thiện, hỗ trợ giáo dục và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Đến nay, Hội đã có gần 100 doanh nghiệp Hội viên tham gia sinh hoạt, đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước. Nhiệm kỳ 2023 - 2028, Hội đã phát triển lớn mạnh về số lượng, chất lượng, có tầm nhìn, trí tuệ, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường. Chúng tôi kỳ vọng sẽ góp phần phát triển đội ngũ doanh nhân Văn Lâm có quy mô, năng lực và trình độ, có vị thế, uy tín, để đứng vững trên thị trường trong nước, nhiều doanh nhân đang nỗ lực không ngừng để xây dựng nền móng vững chắc, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp với kỳ vọng bứt phá, tạo kỳ tích trong thời kỳ hội nhập.
Trong nhiệm kỳ qua, Hội Doanh nghiệp đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và cấp ủy, chính quyền; giúp đỡ các hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, doanh nhân; chú trọng phát triển hội viên ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cùng với các giải pháp của Trung ương, các cấp chính quyền tỉnh Hưng Yên đã tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó tập trung hoàn thiện khung pháp lý, giảm tiền thuê đất, giải quyết các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư phát triển công nghiệp; khuyến khích hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, thương mại; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận đất đai; xúc tiến mở rộng thị trường cho doanh nghiệp...
Bước sang năm mới 2025, doanh nghiệp đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Đây là lúc cộng đồng doanh nghiệp cần phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới tư duy và hành động để tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên bản đồ kinh tế trong nước và quốc tế. Mỗi doanh nghiệp cần thể hiện trách nhiệm xã hội, góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, phát triển bền vững, và gắn kết với lợi ích của cộng đồng. Ông Hoan chia sẻ.