Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông Hồng (KỲ IV): Đa dạng hóa công năng đô thị

TS. TRẦN MINH TÙNG - Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng 26/08/2020 11:05

Thay vì để Thành phố Sông Hồng có thể gây ra những nguy cơ mới cho Hà Nội thì hãy để dự án này cung cấp cho thành phố những cơ hội phát triển thông qua việc đa dạng hóa công năng đô thị.

bây giờ chúng ta xây dựng hàng loạt nhà cao tầng lên đó, vô hình trung chúng ta đã vùi lấp phần nào những giá trị lịch sử, những giá trị cảnh quan đặc trưng của dòng sông để chạy theo những giá trị kinh tế hiện đại,

Nếu xây dựng hàng loạt nhà cao tầng ven sông vô hình trung vùi lấp phần nào những giá trị lịch sử, cảnh quan đặc trưng của dòng sông để chạy theo những giá trị kinh tế hiện đại

Người Việt Nam vẫn có câu “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận đàng” để chỉ về những lợi thế khi chọn vị trí định cư, phát triển cuộc sống lâu dài và bền vững. Chính vì vậy, các đô thị thường được gắn với những dòng sông.

“Xương sống” phát triển không gian đô thị

Nhìn rộng ra, điều này cũng đúng với phần lớn các đô thị trên thế giới bởi vì quá trình tạo thị gắn liền với cung ứng nguồn nước sinh hoạt cũng như góp phần đáng kể vào giao thông đô thị thông qua các phương tiện vận tải thủy lợi dụng sức nước, sức gió của các dòng chảy trước khi có các cuộc cách mạng công nghiệp đề cao đường bộ và đường sắt được cung cấp sức kéo bởi những cỗ máy công nghiệp.

Chính vì vậy, các thành phố trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, luôn gắn liền sự phát triển với một dòng sông, dù lớn hay dù nhỏ và tạo nên một “thương hiệu kép” giữa sông và thành phố, nghĩa là khi nhắc đến thành phố, người ta sẽ nhắc đến con sông gắn liền với thành phố đó, và ngược lại khi nhắc đến con sông, người ta cũng sẽ nhớ đến thành phố đó. Dòng sông trở thành “xương sống” để phát triển các không gian đô thị cũng như chi phối mạnh mẽ hình thái đô thị.

Hà Nội cũng không nằm ngoài xu hướng đấy. Hà Nội - “bên trong sông” - bắt đầu được dùng làm địa danh ở Việt Nam từ năm 1831 phản ánh vị trí địa lý của thành phố khi nằm giữa hai con sông là sông Hồng ở phía đông bắc và sông Đáy ở phía tây nam.

Nghiên cứu của thành phố Seoul (Hàn Quốc) về sông Hồng

Bản  nghiên cứu của thành phố Seoul (Hàn Quốc) về sông Hồng

Việc tận dụng đất ven sông Hồng để bổ sung một lượng đất đô thị cho Hà Nội là một chiến lược đúng. Tuy nhiên, điều mà chúng ta bàn cãi là sẽ làm gì với quỹ đất phát sinh quý giá đó. Và hẳn nhiên, với suy nghĩ thông thường thì đất quý phải dành cho việc xây dựng nhà (ở).

Trong khi đó, vấn đề nhà ở Hà Nội hiện nay, tuy vẫn tồn tại nhưng không còn là quan trọng nếu so với một loạt các vấn đề không gian đô thị khác mà Hà Nội đang đối mặt như thiếu không gian mở, không gian cây xanh tự nhiên trong đô thị mà do lịch sử để lại, tương đối hạn hẹp về diện tích, mờ nhạt về vai trò trong đời sống không gian đô thị Hà Nội.

Tăng các không gian mở xanh

Đất phù sa sông Hồng là loại đất có thành phần tương đối tốt cho việc trồng trọt, thể hiện qua tình trạng sử dụng hiện nay, hầu hết diện tích loại đất này đã được gieo trồng từ 2 đến 3 vụ lúa mầu và cho năng suất khá cao. Mặt khác, đứng về góc độ phong thủy, mặt nước ven sông là hành lang điều tiết các vấn đề khí hậu trong đô thị giúp việc lưu thông không khí, gió, ánh nắng, tạo sinh khí cho đô thị phát triển.

Thêm vào đó, dòng sông cũng lưu trữ nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử, truyền thống. Nếu bây giờ chúng ta xây dựng hàng loạt nhà cao tầng lên đó, vô hình trung chúng ta đã vùi lấp phần nào những giá trị lịch sử, những giá trị cảnh quan đặc trưng của dòng sông để chạy theo những giá trị kinh tế hiện đại, đồng thời lãng phí một nguồn tài nguyên rất lớn.

Rõ ràng, đất để xây nhà thì Hà Nội không thiếu nhưng đất để giúp Hà Nội trở thành một thành phố thực sự là “xanh - sạch - đẹp” thì lại đang thiếu. Với những đặc tính của quỹ đất ven sông, nên chăng Thành phố Sông Hồng sẽ là một thành phố của màu xanh bởi nhiều hình thức xanh khác nhau, chẳng hạn như: Các khu ở thấp tầng kiểu nhà vườn mà ở đó hẳn nhiên tỷ lệ vườn nhiều hơn tỷ lệ nhà và việc hạn chế số tầng cao sẽ giúp cho thành phố hiện hữu kết nối với dòng sông dễ dàng hơn.

Các công viên nông nghiệp vừa kết hợp giữa tính chất giải trí, nghỉ ngơi của công viên vừa giúp tăng màu xanh và tăng thu nhập của người dân thông qua việc trồng trọt các loại cây xanh nông nghiệp, tận dụng độ màu mỡ của đất đai, đồng thời cung ứng tại chỗ các nguồn nông sản sạch.

Các không gian mở xanh dành cho các hoạt động ngoài trời, picnic, dã ngoại kết hợp với các công trình công cộng, dịch vụ tiện ích nhằm giúp người dân có thể “đổi gió” cuộc sống của mình ngay trong lòng thành phố; Các khu vực dịch vụ giải trí gắn liền với cây xanh và mặt nước ven sông, tạo nên đặc trưng riêng cho thành phố trong phát triển du lịch cũng như làm nổi bật hơn vai trò của sông Hồng...

Có thể bạn quan tâm

  • Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông Hồng (KỲ III): Tận dụng nguồn lực từ doanh nghiệp

    Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông Hồng (KỲ III): Tận dụng nguồn lực từ doanh nghiệp

    05:00, 25/08/2020

  • Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông Hồng (KỲ II):

    Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông Hồng (KỲ II): "Phá băng" sự trì trệ

    08:30, 24/08/2020

  • Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông (KỲ I): “Lỡ dở” sông Hồng

    Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông (KỲ I): “Lỡ dở” sông Hồng

    05:00, 24/08/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông Hồng (KỲ IV): Đa dạng hóa công năng đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO