Các nền kinh tế châu Á cần làm gì khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang thay đổi quan điểm về thương mại?
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Donald Trump được biết đến với biệt danh "Người đàn ông thuế quan" và có vẻ như ông sẽ tiếp tục giữ cái tên này trong nhiệm kỳ thứ hai.
Nhưng thuế quan và các biện pháp hạn chế thương mại khác từ đó đã trở thành một phần của đời sống kinh tế chứ không chỉ là một hiện tượng thời Tổng thống Trump.
Theo các chuyên gia, trong các vấn đề về thương mại mở và tăng trưởng do xuất khẩu thúc đẩy, các nhà hoạch định chính sách châu Á đang ngày càng ít dựa vào sự hỗ trợ từ các tổ chức như IMF...
Châu Á cũng không thể trông đợi tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khi vị thế toàn cầu của tổ chức này đang giảm sút đáng kể trong một thế giới đang phân mảnh.
Ông Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế toàn diện lên tới 20% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến các nhà xuất khẩu hàng đầu của Châu Á sang Hoa Kỳ, bao gồm cả Nhật Bản. Các quốc gia có sự tiếp xúc lớn với cả Mỹ và Trung Quốc như Việt Nam, Malaysia và Hàn Quốc có thể bị ảnh hưởng.
Trong những năm 1990, IMF đã thúc đẩy các quốc gia châu Á mở cửa nền kinh tế của họ cho dòng vốn toàn cầu, dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, sau đó IMF đã đảo ngược hướng đi. Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực mới nhất cho châu Á và Thái Bình Dương được công bố vào cuối tháng trước, IMF đã thúc giục các quốc gia châu Á tập trung nhiều hơn vào việc phát triển nhu cầu trong nước và giảm các chiến lược tập trung vào xuất khẩu.
Điều này đã đặt ra một số câu hỏi như làm thế nào để tài trợ cho sự gia tăng tiêu dùng nội địa vào thời điểm khi nợ ở châu Á đã ở mức cao và khi IMF cùng các tổ chức khác đang kêu gọi thắt chặt tài khóa?
Theo ông Anthony Rowley, nhà báo kỳ cựu chuyên về các vấn đề kinh tế và tài chính châu Á, việc thúc đẩy tiêu dùng thông qua kích thích tiền tệ hoặc tài khóa, có thể mang lại tăng trưởng ngắn hạn nhưng khó có thể được coi là một chính sách dài hạn.
Một vấn đề gây tranh cãi khác là việc tái cấu trúc kinh tế toàn diện mà IMF đề xuất cho các quốc gia châu Á trong báo cáo gần đây về khu vực này; đồng thời khuyến khích mở rộng và phát triển các lĩnh vực dịch vụ có thể giao dịch có thể được coi như một ví dụ khác của những khuyến nghị chính sách sai lầm từng được đưa ra trong những năm 1990.
Do đó, ông Rowley cho rằng, các nền kinh tế tiên tiến như các nền kinh tế ở phương Tây sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, ít nhất là trong giai đoạn ban đầu, từ việc mở cửa các khu vực thị trường mới nổi kém phát triển hơn.
Có thể đúng khi cho rằng, sự tiến triển kinh tế tự nhiên của các quốc gia đang phát triển là từ nông nghiệp sang sản xuất và sau đó là dịch vụ, nhưng lý thuyết này ít tính đến thực tế rằng các quá trình chuyển đổi như vậy không thể đẩy nhanh một cách đột ngột để phản ứng với môi trường bên ngoài thay đổi. Điều này gợi nhớ đến thái độ của IMF khi bị chỉ trích vào thời điểm xảy ra khủng hoảng châu Á.
Môi trường bên ngoài đang thay đổi theo chiều hướng phức tạp hơn. Như IMF đã nêu: “Bất chấp sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024, các rủi ro đã gia tăng kể từ tháng Tư, khi căng thẳng địa chính trị leo thang, quá trình điều chỉnh thị trường bất động sản của Trung Quốc tiếp tục, và khả năng xảy ra biến động tài chính lớn hơn đang làm phức tạp thêm bối cảnh kinh tế. Các rủi ro hiện đang nghiêng về phía bất lợi.”
Các mức thuế bổ sung từ ông Trump, cùng với khả năng Trung Quốc và các nước khác sẽ đáp trả, là một trong những rủi ro không hề nhỏ trong thời gian tới. Báo cáo triển vọng khu vực của IMF cũng nhấn mạnh: “Các hạn chế thương mại vẫn đang được triển khai với tốc độ nhanh trên toàn cầu. Trong nhiều thập kỷ qua, các nền kinh tế châu Á đã tận dụng sự hội nhập kinh tế toàn cầu và phát triển các lĩnh vực thương mại cạnh tranh. Do đó, căng thẳng leo thang là mối nguy lớn cho khu vực này.”