Theo ông Lê Nhị Năng, đại diện UBCKNN, khoảng trống truyền thông tài chính khiến giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp có nền tảng tốt chưa phản ánh đúng giá trị của doanh nghiệp.
Phát biểu tại Lễ IR Awards, sự kiện công bố các doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR (quan hệ nhà đầu tư) tốt nhất 2020, ông Lê Nhị Năng, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết: Thị trường chứng khoán Việt có hàng ngàn cổ phiếu đang niêm yết và đăng ký giao dịch. Nhưng theo dữ liệu thống kê của Vietstock, gần một nửa cổ phiếu niêm yết trên hai sàn HOSE và HNX và khoảng 2/3 cổ phiếu trên sàn UPCoM (788 mã) có khối lượng giao dịch bình quân (KLGDBQ) qua 1 năm dưới 10.000 cp/phiên. Trong đó, HNX có 5 mã và UPCoM có 137 mã có KLGDBQ là số 0 tròn trĩnh.
Theo đó, ông Lê Nhị Năng cho rằng, khoảng trống truyền thông tài chính khiến giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp có nền tảng tốt chưa phản ánh đúng giá trị của doanh nghiệp, thanh khoản cổ phiếu thấp do chưa thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Đây là một trong những thực trạng mà các doanh nghiệp niêm yết hiện nay cần chú trọng thay đổi. Những hoạt động đo lường chất lượng công bố thông tin bài bản và chuyên nghiệp, tạo được thước đo về hoạt động IR mang tính toàn diện ở quy mô toàn thị trường chứng khoán niêm yết, vì vậy có ý nghĩa hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp và thị trường.
Bình chọn của Vietstock và FiLi tại năm thứ 10 cho kết quả cuộc khảo sát toàn diện trong giai đoạn 12 tháng (01/05/2019 – 30/04/2020) cho thấy, số lượng doanh nghiệp niêm yết (DNNY) tuân thủ đúng và đầy đủ về nghĩa vụ công bố thông tin (CBTT) trên cả hai sàn chứng khoán (HOSE và HNX) là 329 doanh nghiệp trong tổng số 729 DNNY thuộc danh sách khảo sát, tương ứng với tỷ lệ 45,13%.
Đặc biệt, chương trình ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng về chất lượng công bố thông tin của các doanh nghiệp. Nếu như năm 2011, toàn thị trường chứng khoán chỉ có 3% số lượng doanh nghiệp đáp ứng được quy định thì đến nay tỷ trọng này đã lên đến hơn 45%. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang ngày càng đáp ứng tốt hơn nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định, là nền tảng cơ bản thể hiện việc đối xử công bằng với cổ đông và cộng đồng đầu tư.
Ở vòng bình chọn IR, điều kiện để lọt vào danh sách 45 doanh nghiệp tham gia vòng này phải đáp ứng được bộ tiêu chí gồm thanh khoản cổ phiếu tốt, thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, giao dịch cổ phiếu quỹ và trả cổ tức đúng quy định, báo cáo tài chính năm đáng tin cậy, không bị nhắc nhở về quản trị doanh nghiệp,… Theo đó, các hạng mục được vinh danh bao là: Top 3 Doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR được Nhà đầu tư yêu thích nhất 2020, chia nhóm theo quy mô vốn hóa: Large Cap gồm CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG); CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HOSE: NVL); CTCP Sữa Việt Nam (HOSE: VNM) - Mid Cap gồm CTCP Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG) ; CTCP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: HCM), CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) - Small & Micro Cap gồm CTCP Thế giới số (HOSE: DGW); CTCP Tập đoàn MBG (HNX: MBG); CTCP Nafoods Group (HOSE: NAF).
Top 3 Doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR được Định chế tài chính đánh giá cao nhất 2020 cũng chia nhóm theo quy mô vốn hóa gồm: Large Cap: CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG); CTCP Vinhomes (HOSE: VHM); CTCP Sữa Việt Nam (HOSE: VNM) - Mid Cap: CTCP Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG); Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HOSE: PVD); CTCP Đầu tư Văn Phú - INVEST (HOSE: VPI) - Small & Micro Cap: CTCP CIC39 (HOSE: C32); CTCP Thế giới số (HOSE: DGW); CTCP Tập đoàn MBG (HNX: MBG).
Có thể bạn quan tâm