Bộ Y tế Israel đề xuất những bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục cần được tiêm bổ sung một mũi vaccine để nhận “Thẻ Xanh”.
Cụ thể, qua theo dõi số liệu, người khỏi bệnh COVID-19 nếu được tiêm thêm một mũi vaccine sẽ có khả năng miễn dịch tương đương với người được tiêm 3 mũi vaccine. Theo quy định hiện hành, người có “Thẻ Xanh” bao gồm những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 trở lên hoặc những người đã mắc và khỏi bệnh.
Mặc dù vậy, mức độ miễn dịch và tác dụng của vaccine sẽ giảm dần theo thời gian. Do đó, để được nhận “Thẻ Xanh” họ cần được tiêm bổ sung vaccine sau 6 tháng.
Hiệu lực của “Thẻ Xanh” có giá trị trong 6 tháng, sau đó Bộ Y tế Israel sẽ xem xét có gia hạn hay không. “Thẻ Xanh” cho phép người sở hữu được đến các tụ điểm công cộng trong không gian kín như nhà hàng, rạp hát hoặc sự kiện đông người.
Trước đó, dữ liệu từ Bộ Y tế Israel cho thấy, 80% trong số những người nhiễm COVID-19 đã tiêm đủ hai liều vaccine tại quốc gia này không làm lây lan dịch bệnh sang người khác tại các buổi hòa nhạc, nhà hàng, hội trường hay phòng tập gym. Tuy nhiên, 10% trong số những người này có thể lây bệnh cho một người khác tại các địa điểm kể trên, 3% lây cho 2-3 người và 7% còn lại vẫn chưa xác định có phải là nguồn lây nhiễm không.
Tương tự, tại Nhật Bản, Bộ Y tế quốc gia này đang khuyến cáo bệnh nhân đã khỏi COVID-19 tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine. Mặc dù một số quốc gia khác cho rằng những bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh chỉ nên tiêm một mũi, tuy nhiên, Bộ Y tế Nhật Bản nói rằng vẫn chưa có đủ thông tin để khuyến cáo giảm số lượng tiêm chủng.
Các chuyên gia thuộc Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, nếu một người từng mắc COVID-19 trước đó thì người này vẫn có khả năng cao sẽ tái nhiễm. Cụ thể, Scott Hensley, giáo sư về vi sinh học tại Đại học Pennsylvania nhận định với USA Today, “các kháng thể đạt được qua miễn dịch tự nhiên không vô hiệu hóa được các biến thể của virus SARS-CoV-2 đang lây nhiễm hiện nay một cách hiệu quả như các kháng thể sinh ra từ việc tiêm vaccine".
Đồng quan điểm, Grant McFadden, giám đốc Trung tâm thiết kế sinh học cho Liệu pháp miễn dịch, vaccine và liệu pháp virus tại Đại học bang Arizona cho hay, vaccine cũng cung cấp sự bảo vệ ổn định hơn trước dịch bệnh so với miễn dịch tự nhiên. Ông cho biết, sự hồi phục sau khi mắc COVID-19 tạo ra sự miễn dịch không ổn định đối với lần nhiễm bệnh thứ hai và điều này được phản ánh qua mức độ kháng thể kháng protein gai khác nhau ở các bệnh nhân đã hồi phục.
Trên thực tế, một số nghiên cứu cho thấy rằng, kháng thể từ vaccine phòng COVID-19 mang lại sự bảo vệ lâu bền hơn và ổn định hơn so với những kháng thể phát sinh sau khi người bệnh phục hồi. Đồng thời, các chuyên gia tại Israel cho biết, việc tiêm thêm một mũi vaccine sẽ làm giảm nguy cơ tái nhiễm biến thể delta.
Ngoài sự hiện diện của miễn dịch tự nhiên, các kháng thể sinh ra sau khi tiêm chủng có thể thúc đẩy phát sinh kháng thể tốt hơn và mạnh hơn, sau đó được các tế bào ghi nhớ tốt hơn.
Do đó, người hồi phục sau khi mắc COVID-19 vẫn có rủi ro tái nhiễm virus SARS-CoV-2 do mức độ miễn dịch từ việc từng mắc không tương đương với mức độ miễn dịch sau khi tiêm vaccine. Các loại vaccine COVID-19 cung cấp cho những người được tiêm mức độ miễn dịch đồng đều hơn, cao hơn so với nhiều người từng mắc COVID-19, cũng như kích thích cơ thể tạo ra nhiều kháng thể hơn so với miễn dịch tự nhiên.
Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh việc số lượng mũi tiêm cũng như thời gian tiêm vaccine cho những bệnh nhân đã khỏi COVID-19. Trong khi Tổ chức Y tế Thế giới và CDC Mỹ nói rằng bệnh nhân COVID-19 có thể được tiêm chủng ngay sau khi khỏi bệnh, Đức yêu cầu mũi tiêm được tiến hành sáu tháng, trong khi Pháp kêu gọi mọi người đợi ít nhất hai tháng.
Đối với những bệnh nhân đã được điều trị bằng phương pháp "cocktail" kháng thể để giảm nguy cơ mắc các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng, Mỹ khuyến cáo nên đợi ít nhất 90 ngày sau khi điều trị trước khi tiêm vaccine.
Có thể bạn quan tâm