Thủ tướng Italy Mario Draghi đã nộp đơn xin từ chức lên Tổng thống Mattarella trong bối cảnh 2 đảng trong chính phủ liên minh tẩy chay cuộc bỏ phiếu tín nhiệm.
>>Italy và tham vọng tìm lại hào quang với "Địa Trung Hải mở rộng"
Được biết, sau khi Thủ tướng Draghi gừi đơn từ chức, Tổng thống Sergio Mattarella đã ghi nhận việc này và chính phủ vẫn giữ nguyên để "tiếp tục công việc hiện tại". Tổng thống Italy dự kiến gặp chủ tịch Hạ viện và Thượng viện trong chiều nay.
Mặc dù thông báo từ văn phòng Tổng thống không cho biết ông Matterella có giải tán Quốc hội hay kêu gọi bầu cử sớm hay không nhưng các nguồn tin chính trị tại Italy đang nhận định khả năng cao Tổng thống Matterella sẽ giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm vào tháng 10/2022.
Chính phủ Italy bắt đầu tan rã vào ngày 20/7 sau khi ba chính đảng trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Draghi gồm đảng Tiến lên Italia của Silvio Berlusconi, đảng Liên đoàn của Matteo Salvini và Phong trào 5 Sao (M5S) của Giuseppe Conte không tham gia bỏ phiếu tín nhiệm nhằm chấm dứt sự chia rẽ và khôi phục lại liên minh.
Tại cuộc tranh luận tại Quốc hội mới đây, ông Draghi đã cáo buộc một số thành viên trong liên minh của ông đã cố gắng phá hoại chương trình cải cách của ông và yêu cầu họ phải đồng thuận với chương trình này. Nhưng đại diện từ ba đảng trên cho biết, họ phản đối chương trình cải cách của ông Draghi vì cho rằng ông Mario Draghi đã không để tâm đến các quan ngại của 2 đảng này.
>>Italy, BRI và con đường tiến vào châu Âu của Trung Quốc
Hiện nay Italy hiện đang trong cuộc khủng hoảng chính trị, xảy ra đúng vào thời điểm tồi tệ nhất, khi nước này phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, xung đột tại Ukraine và kế hoạch thực hiện gói “chống phân mảnh” của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Theo cơ quan thống kê Italy, tỷ lệ lạm phát của Italy đã đạt mức 8% vào tháng 6, mức cao nhất kể từ năm 1986. Giá năng lượng đã tăng 48,7% so với một năm trước, đẩy giá thực phẩm chế biến tăng 8,2%, dịch vụ giải trí và chăm sóc cá nhân tăng 5%, vận tải tăng 7,2% và các dịch vụ chung tăng 3,4%. Tình trạng lạm phát ở Italy chưa có điểm dừng, đang làm đảo lộn nhiều kế hoạch phát triển của nước này và khiến triển vọng kinh tế trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết.
Các chuyên gia nhận định, sự ra đi của ông Draghi cũng sẽ là một bước lùi đối với liên minh phương Tây trong việc chống lại cuộc tấn công của Nga vào Ukraine trong bối cảnh Vương quốc Anh đang bận rộn lựa chọn một Thủ tướng mới, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không có đa số tại Nghị viện.
Trong thời gian qua, ông Draghi có quan điểm không khoan nhượng đối với Nga và là "kiến trúc sư" chính của các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Một số đảng tại Italy đã lên tiếng ủng hộ Thủ tướng Draghi. Bộ trưởng Hành chính công Italy Renato Brunetta, thành viên một đảng trong chính phủ liên minh, khẳng định đất nước đang trong giai đoạn "không thể thiếu ông Draghi". Trong trường hợp Italy phải tiến hành bầu cử sớm, chưa đảng phái nào được đánh giá có đủ uy tín để giành trên 50% số phiếu bầu để tự đứng ra thành lập chính phủ độc lập.
Trong khi đó, lập trường về chính sách điều hành đất nước giữa các đảng đang tồn tại khoảng cách không nhỏ. Dư luận Italy lo ngại, những bất ổn trên chính trường sẽ ảnh hưởng tới các kế hoạch bình ổn và phục hồi nền kinh tế vốn đang trong tình trạng mong manh.
Có thể bạn quan tâm