Italy đang muốn định vị bản thân thành một trung tâm thương mại, năng lượng và giao thông vận tải ở Nam Âu thông qua việc thúc đẩy sáng kiến tương tự “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.
Sau khi vượt qua khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra, hiện tại, Italy được đánh giá là quốc gia phát triển kinh tế tốt nhất ở châu Âu và vùng Balkan. Với vị trí địa chính trị nằm ở trung tâm của lưu vực Châu Âu - Địa Trung Hải, quốc gia này đã tập trung đầu tư và kết nối thương mại với các quốc gia khu vực này trong suốt hai thập kỷ.
Đây là cơ sở và điều kiện thuận lợi để Italy xây dựng một sáng kiến lấy Rome là trung tâm, nhằm đẩy nhanh quá trình khôi phục trở lại của quốc gia này. Với tên gọi, “Địa Trung Hải mở rộng” (Mediterraneo allargato), bản đồ về sức mạnh thương mại đang trỗi dậy của Italy có nhiều điểm tương đồng với bản đồ của Đế chế La Mã vào thế kỷ I và giống sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Các chuyên gia nhận định, việc các quốc gia châu Âu rơi vào vòng xoáy COVID-19 đã thúc đẩy Italy vươn lên và xây dựng tầm ảnh hưởng mạnh mẽ hơn trong khu vực nhằm giành lại vị thế. Tương tự như “Vành đai và Con đường”, “Địa Trung Hải mở rộng” xây dựng với cốt lõi là các dự án cơ sở hạ tầng giữa Italy và các nước xunh quanh.
Trung tâm của sáng kiến là cảng nước sâu Taranto ở phía Nam Italy và kết nối với Tunisia để tạo nên một trục nối chính giữa châu Âu và châu Phi. Trục đường này có thể trực tiếp đi đến Algeria và xuyên Sahara, thậm chí chạy thẳng đến Tây Phi.
Bên cạnh đó, Italy cũng đẩy mạnh đầu tư vào hàng loạt các dự án lớn tại nhiều nước như hoàn thành mạng lưới với tuyến cáp điện dưới biển dài 192km với công suất 600 MW xuyên qua Tunisia đến đảo Sicily; đồng thời Tập đoàn năng lượng Eni của quốc gia này đang sở hữu các dự án năng lượng lớn tại một loạt các quốc gia châu Phi.
Hơn nữa, về cơ bản, Italy không có kho vũ khí hạt nhân của riêng mình, thiếu ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nhưng Rome vẫn duy trì được tầm ảnh hưởng quốc tế đáng kể. Và để đạt được điều này, Italy đã áp dụng chính sách ngoại giao trỗi dậy và dẫn dắt, tương tự như Trung Quốc.
Theo truyền thống, Italy tập trung vào 3 chính sách ngoại giao trụ cột: chủ nghĩa châu Âu, chủ nghĩa Đại Tây Dương và chủ nghĩa Địa Trung Hải. Nhưng Rome đang ngày càng tập trung nguồn lực của mình vào những lợi ích tại khu vực này. Quyết định này cũng được nhiều quan chức chính phủ Italy nhấn mạnh.
Vào tháng 1/2018, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Italy Roberta Pinotti đã khẳng định, “Trung tâm can dự của chúng tôi là sáng kiến Mediterraneo allargato, triển khai từ vùng Balkan đến Sahel và Sừng châu Phi”.
Trong cuộc trao đổi với tờ Formiche được đăng tải lại trên trang web Atlanticcoucil, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Italy Luigi Di Maio cho biết, “đối thoại và hợp tác là cách thức giúp vị trí của Italy trở nên vững chắc hơn bao giờ hết. Cụ thể, chúng tôi đã đưa Ý trở lại là một nhân vật chính ở khu vực Địa Trung Hải rộng lớn”.
Có thể thấy, Italy đang tiến tới tham vọng làm sống lại câu nói “Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome” của Đế chế La Mã trước đây khi dần trở thành điểm trung tâm trong bàn cờ chiến lược ở phía đông và nam của khu vực Địa Trung Hải bằng cách kéo gần các quốc gia về phía mình.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn nhiều rào cản để Italy đảm nhận một vị trí lãnh đạo theo hướng ngoại giao ở khu vực Địa Trung Hải. Các mục tiêu đối ngoại của nước này vẫn gắn liền với các thỏa thuận kinh tế, do đó, các chính sách ngoại giao vẫn chưa tập trung vào các vấn đề cấp bách hơn như nhân quyền hoặc các vấn đề môi trường.
Mặt khác, như Francesco Bechis, phóng viên và nhà phân tích tại Formiche, Rome chỉ ra, tiềm lực kinh tế của Italy không ổn định như Trung Quốc để duy trì một sáng kiến đường dài và cần nguồn vốn lớn như “Địa Trung Hải mở rộng”. Cùng đó, mức độ phủ sóng và tầm ảnh hưởng từ 2 thành viên chủ chốt của EU là Pháp và Đức sẽ là cản trở lớn của Italy tại châu Phi và khu vực Địa Trung Hải.
“Brussels, Berlin và Paris cần phải hợp tác tốt hơn và chú ý đến những lợi ích của Rome trong việc trở thành một trung tâm kết nối thương mại xuyên Địa Trung Hải. Nếu không, Italy có thể chọn hợp tác sâu hơn với các đối thủ của châu Âu vì lợi ích riêng của mình”, ông Bechis nhận định.
Có thể bạn quan tâm