Thuốc lá nhập lậu còn phổ biến, dấy lên lo ngại tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ doanh nghiệp sản xuất, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Buôn lậu thuốc lá vẫn “tăng nhiệt”
Đánh giá từ Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, lợi dụng tình hình dịch Covid-19 thời gian qua việc buôn lậu thuốc lá ngoại vẫn diễn ra phức tạp tại các tỉnh, thành phố như Quảng Trị, Đà Nẵng, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Bình Phước, An Giang.
Trong đó, tại các tỉnh biên giới Tây Nam lại đang có chiều hướng gia tăng trong những ngày qua. Điển hình, tại Long An, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã phát hiện, thu giữ khoảng 1,5 triệu bao thuốc lá ngoại nhập lậu. Chỉ tính riêng thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã phát hiện hàng loạt vụ vận chuyển thuốc lá lậu với con số lên đến hàng trăm nghìn gói các loại.
Đặc biệt chỉ trong vòng hai tuần cuối tháng 10/2021, lực lược chức năng các tỉnh biên giới Tây Nam đã liên tục bắt giữ nhiều vụ vi phạm với quy mô lớn. Chẳng hạn tại An Giang, ngày 29/10, lực lượng liên ngành chống buôn lậu tỉnh này đã bắt giữ 1 vụ vận chuyển nhiều loại hàng nghìn bao thuốc lá lậu nhãn hiệu Hero, Jet, có xuất xứ nước ngoài. Hay tại Tây Ninh, vào ngày 28/10, trong khi tuần tra tại khu vực gần cột mốc biên giới số 119 (thuộc ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Tân Biên), lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ gần 8.100 bao thuốc lá điếu ngoại các loại (trong đó có 4.170 bao hiệu Jet, 3.600 bao hiệu Hero và 300 bao hiệu Esse).
Báo động hơn, các đối tượng buôn lậu còn lợi dụng xe được cấp giấy “luồng xanh” vận chuyển hàng hóa thiết yếu để vận chuyển thuốc lá lậu qua mặt cơ quan chức năng khi bị kiểm tra. Đơn cử như vào trung tuần tháng 10/2021, lực lượng chức năng Sóc Trăng đã bắt quả tang một số đối tượng mua bán, vận chuyển 11.200 bao thuốc lá nhập lậu được ngụy trang bên ngoài bằng các thùng khẩu trang. Các đối tượng khai nhận lợi dụng xe tải hoạt động “luồng xanh” để vận chuyển thuốc lá từ Long An về Sóc Trăng tiêu thụ. Hay tại TP. Hồ Chí Minh, liên tiếp trong tháng 9/2021 lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện nhiều vụ dùng xe “luồng xanh” chở thuốc lá điếu JET và Hero với tổng số lượng trên 3.000 bao.
Báo động vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và sức khỏe người tiêu dùng
Lý giải việc thuốc lá lậu tràn lan, ông Nguyễn Triết - Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam chỉ ra: Do thuốc lá lậu giá rẻ lại trốn thuế nên tương đối cạnh tranh với các sản phẩm trong nước. “Nếu chúng ta cương quyết, tập trung chống lại các sản phẩm thuốc lá lậu thì người tiêu dùng sẽ dễ dàng chấp nhận chuyển qua thuốc lá hợp pháp và sẽ làm tăng doanh thu của nhà nước”- ông Triết nói.
Ngoài lý do trên, theo Tổng cục Quản lý thị trường, do địa hình kênh rạch ở Việt Nam chằng chịt, đường mòn lối tắt nhiều cũng là điều kiện cho các đối tượng buôn lậu thẩm lậu thuốc lá vào Việt Nam. Mặt khác, việc tuyên truyền về tác hại thuốc lá nhập lậu của Việt Nam hiện chưa đủ mạnh... Hơn nữa, người vận chuyển thuốc lá lậu chủ yếu là người nghèo không có nghề nghiệp ổn định, đi làm thuê nên việc xử phạt hành chính gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, giới chủ buôn lậu lại thường xuyên thay đổi thủ đoạn tinh vi hơn, hỗ trợ vận chuyển bằng các hình thức manh động hơn.
Thực tế, theo đại diện của Công ty Nhật Bản JTI, việc tràn lan thuốc lá lậu trên toàn cầu ước tính gây thiệt hại khoảng 1,19 tỷ USD trong năm 2020 và trong 10 gói thuốc trên thị trường hiện nay thì chỉ có 4 gói hợp pháp. Tại thị trường Việt Nam, tình trạng buôn lậu thuốc lá cũng đang gây thiệt hại lớn không chỉ cho doanh nghiệp chân chính mà cả phía người tiêu dùng bởi tiêu thụ sản phẩm nhập lậu kém chất lượng.
Trước tình trạng trên, để giải quyết những tồn tại về hàng giả, hàng lậu, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho rằng, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa doanh nghiệp và lực lượng chức năng để tạo được hiệu quả lớn trong việc xác minh, giải quyết. Cụ thể về phía cơ quan nhà nước cần xem xét nâng chế tài xử lý đối với các vi phạm, tránh để các đối tượng vi phạm lợi dụng kẽ hở của pháp luật; cần xây dựng các quy định rõ ràng về vi phạm quyền nhãn hiệu, tránh để doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó bảo vệ thương hiệu, mất thời gian và tiền bạc trong quá trình đấu tranh phòng, chống, hàng giả, hàng lậu. Về phía doanh nghiệp, cần phối hợp với cơ quan chức năng trong quá trình bắt giữ hàng giả, hàng lậu như: Tố giác đối tượng làm giả hoặc làm chứng cho các lô hàng giả…
Hiện nay các cơ quan chức năng đang đa dạng về hình thức tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức người dân về tác hại của buôn lậu thuốc lá đối với xã hội và kêu gọi mọi người không bao che, tiếp tay cho hành vi này thông qua sử dụng sản phẩm hợp pháp. Song song với đó, tăng cường quản lý địa bàn, rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá: nhà hàng, quán bar, cửa hàng tạp hóa, điểm bán lẻ cũng như nắm thông tin các điểm nóng, kho chứa trữ, đường dây, ổ nhóm hoạt động buôn lậu thuốc lá để kịp thời ngăn chặn, xử lý. |