KCN Quán Ngang với ẩn họa môi trường Kỳ I: Nỗ lực giảm ô nhiễm nhưng nước thải đi đâu?

Hoàng Giang 10/05/2018 12:22

Người dân trên địa bàn Khu công nghiệp Quán Ngang tỉnh Quảng Trị nhiều năm qua vô cùng lo lắng vì hiện tượng mùi hôi thối bốc lên cả vùng, nước giếng thì không ai dám sử dụng...

Khi KCN mở ra, niềm vui đến với người dân toàn tỉnh, hàng ngàn lao động tha hương tận miền Nam có cơ hội trở về tìm kiếm công ăn việc làm ổn định gần nhà. Bộ mặt thôn quê thay da đổi thịt.

p/Nước thải từ Khu công nghiệp Quán Ngang xả ra làm đổi màu nước sông

Nước thải từ Khu công nghiệp Quán Ngang xả ra làm đổi màu nước sông

Người dân lo lắng vì môi trường ô nhiễm

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, vài năm trở lại đây cùng với tốc độ phủ kín diện tích trống KCN, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có nguy cơ xóa sổ vùng trồng lúa trù phú bậc nhất tỉnh Quảng Trị.

Men theo con đường rải nhựa lỗ chỗ ổ gà ổ vịt, đến càng gần KCN mật độ dân cư càng thưa thớt, càng về chiều khi cơn gió biển thổi vào mùi “mực nướng”, “cá nướng” bắt đầu lan rộng. Người lạ hơi cảm thấy… khoan khoái nhưng khoảng 30 phút sau bắt đầu có hiện tượng bội thực, buồn nôn.

Trong cái nắng gió Lào đầu mùa oi ả, cụ Hoàng Văn Lũy, một người cao tuổi sống cạnh KCN tỏ vẻ buồn rầu, cụ nhìn xa xăm như lo lắng cho cánh đồng lúa xanh mướt ngay trước mặt nhà cách KCN không xa, nhấp ngụm nước chè đắng chát, cụ nhớ lại:

“Khu vực xung quanh nhà tôi bắt đầu hôi thối cách đây 3 năm, giếng khoan 7, 8m không ai dám dùng, phải tốn tiền mua nước máy mặc dù mạch nước ở đây vốn trong mát, hồi năm ngoái 7 hécta lúa tự nhiên tốt lạ thường nhưng hạt lép hết cả”.

Cách nhà cụ Lũy tầm 100m là cái hồ bị chia hai bởi con đập tràn nhỏ, nước trong hồ có màu sẫm tối, bốc mùi khai như amoniac, phía bên kia hồ là đường cống nổi bằng bê tông được bịt kín mít, đó là “nỗ lực” giải quyết ô nhiễm môi trường từ các nhà máy trong KCN!?

Kể cũng lạ, con đường lớn ngang qua cổng KCN khá đìu hiu, thi thoảng một vài chiếc xe tải bịt bùng vội vã lướt qua rồi mất hút phía sau hàng rào. Đối diện cổng nhà máy phân bón vi sinh đã đóng cửa là quán cà phê cũng rất thưa khách. Bà chủ quán khá trẻ vừa để tách cà phê xuống bàn đã than thở:

“Tôi nói với chú, cứ trời mưa hoặc gặp đợt gió mùa Đông Bắc là hôi không chịu thấu, mỗi tháng trả 3 triệu tiền thuê mặt bằng mà khách khứa không ai đến, chắc phải kiếm chổ khác làm ăn”.

Quay lại con đường cũ cách KCN vài cây số, nơi đóng trụ sở UBND xã, trường cấp 2, trường Mầm Non, mật độ dân cư dày đặc hơn. Tôi gặp ông Quang đang loay hoay sửa chiếc máy gặt đập liên hợp chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới.

Khi biết phóng viên báo chí ông đon đả mời vào nhà, chưa kịp ngồi đã tuôn ra một tràng: “Cả ngày đi làm đồng thì quên, nhưng cứ buổi chiều về là ngồi hưởng mùi hôi, thế mà ở mãi rồi cũng quen, vì biết kêu ai giờ. Tôi thấy họ còn chặt hạ rừng tràm hình như mở thêm nhà máy, cứ đà này chúng tôi chịu sao nổi?”.

Nỗ lực “giải cứu” môi trường bằng cống xả thải?

Vài năm trước tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước đến mức báo động người dân không chịu được, đã có nhiều cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương phản ánh. Đến nay tình hình được cải thiện, nước thải không còn đổ ra gần khu dân cư. Nhưng qua tìm hiểu mới biết, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Trị đã làm chủ đầu tư xây đường cống bê tông dài khoảng 4-5 cây số.

Đường cống được xây dựng xong vào tháng 10/2017, bắt nguồn từ phía Đông Nam KCN, vòng vèo qua cánh đồng thôn Kỳ Lâm, Kỳ Trúc, Vinh Quang Hạ, “chui” qua Quốc lộ 9B thuộc địa bàn xã Gio Quang, điểm đến cuối cùng là mé bờ sông Hiếu!

Phải mất nhiều giờ đồng hồ lần tìm mới phát hiện ra “điểm đến” của cống nước thải, được thiết kế y chang kênh mương tưới tiêu nội đồng, nương theo những con đường mòn quanh co, ngụy trang khéo léo nên bằng mắt thường không ai phát hiện ra đó là đường ống “chết chóc”.

Ở điểm cuối, người ta mổ bờ đê bao ngăn mặn, một cái cống xả cũng y hệt như nhiều cái cống khác dọc con đê, cỏ phủ um tùm, dưới đáy cống là dòng nước có màu vàng nhạt âm thầm đổ trực tiếp ra sông.

Thứ nước vàng vàng ngầy ngậy, có mùi tanh hắc ấy không biết chứa những hóa chất gì, chỉ biết để sản xuất gỗ ép từ gỗ tạp xay dăm; sản xuất phân bón Urea, NPK phải dùng một loại hóa chất được nhập từ Trung Quốc có tên là Fomalin. KCN Quán Ngang không chỉ sản xuất hai loại sản phẩm đó.

Nhiều người dân lo lắng, nếu tự điều chế Fomalin mà nước thải không qua xử lý hậu quả môi trường còn nặng hơn! Dung dịch Fomalin chính là formon dùng để ướp xác, tẩy trùng, tiếp xúc với da có thể gây đau bụng dữ dội, ngộ độc và tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Ai sẽ xử lý vấn đề này?

Kỳ 2: Truy tìm nguồn gốc nước thải

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
KCN Quán Ngang với ẩn họa môi trường Kỳ I: Nỗ lực giảm ô nhiễm nhưng nước thải đi đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO