“Kẽ hở” pháp luật, quy định chồng chéo làm khó doanh nghiệp bưu chính

MINH NGỌC 25/11/2020 04:45

Bên cạnh doanh nghiệp làm ăn chân chính, vẫn có doanh nghiệp chưa tuân thủ quy định của pháp luật, cùng với đó, pháp luật vẫn còn những “kẽ hở”, quy định chồng chéo gây khó cho doanh nghiệp bưu chính.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Bưu chính 2010, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thư có địa chỉ nhận có khối lượng đơn chiếc đến 02kg thì phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính. Trường hợp doanh nghiệp cung ứng dịch vụ gói, kiện hoặc dịch vụ thư có khối lượng đơn chiếc trên 02kg… bắt buộc phải thực hiện thủ tục thông báo hoạt động bưu chính (Điều 25 Luật Bưu chính 2010).

Trên thực tế, có tình trạng doanh nghiệp cung ứng dịch vụ gửi/nhận thư có địa chỉ nhận có khối lượng đơn chiếc đến 02kg, dịch vụ thư có khối lượng đơn chiếc trên 02kg, dịch vụ kiện, gói… có dấu hiệu đang hoạt động mà không có giấy phép bưu chính hoặc không thông báo hoạt động bưu chính, không chịu sự quản lý, kiểm tra của Bộ Thông tin và Truyền thông như doanh nghiệp vận tải xe khách…

Hiện nhiều doanh nghiệp vận tải, xe khách vẫn đang hoạt động mà không có sự kiểm tra đối với hàng hóa, tài liệu, rất dễ trở thành công cụ “tiếp tay” cho tội phạm vận chuyển hàng lậu, hàng cấm… Đó là chưa kể, quyền lợi của khách hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giao dịch gửi hàng không có phiếu gửi, không hợp đồng; không có cam kết đảm bảo về trách nhiệm bồi thường; không có sự kiểm soát về giá cước dịch vụ… làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của ngành bưu chính.

Dịch vụ gửi hàng qua xe khách đang diễn ra tràn lan, không có sự kiểm soát

Dịch vụ gửi hàng qua xe khách đang diễn ra tràn lan, không có sự kiểm soát

Theo Luật Đầu tư 2014, Nghị định 59/2006/NĐ-CP và Nghị định 43/2009/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 59/2006/NĐ-CP có quy định danh mục hàng hóa cấm kinh doanh. Tuy nhiên, danh mục này không liệt kê “hàng hóa không có chứng từ đi kèm” là hàng hóa cấm lưu thông, vận chuyển. Do đó, có thể hiểu rằng, các vật phẩm, hàng hóa không phải hàng cấm thuộc danh mục thì được phép tiếp nhận, vận chuyển.

Tuy nhiên, cách hiểu này mâu thuẫn với Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP: Đối với hàng hóa nhập khẩu đang trên đường vận chuyển, tại thời điểm kiểm tra không xuất trình hóa đơn, chứng từ thì được xem là hàng lậu. Doanh nghiệp bưu chính (bên vận chuyển) có thể bị “tịch thu phương tiện vận tải đối hành vi vi phạm mà tang vật vi phạm có giá trị từ 200.000.000 đồng trở lên …” (khoản 3, Điều 15 Nghị định 98/2020 NĐ-CP).

Luật Bưu Chính còn quy định nghiêm cấm: Chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi có nội dung kích động, gây mất an ninh, phá hoại đoàn kết dân tộc, chống phá Nhà nước, chứa văn hóa phẩm trái đạo đức xã hội, trái thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Trong khi việc các bưu cục xác định các nội dung này của bưu gửi có vi phạm quy định trên hay không gần như là không thể. Doanh nghiệp rất khó xác định các vật phẩm, hàng hóa được phép tiếp nhận, vận chuyển, các loại hóa đơn chứng từ nào phù hợp đi kèm hàng hóa.

Đặc biệt, đối với các trường hợp gửi hàng hóa tặng cho, hàng hóa đã qua sử dụng mà người gửi không còn giữ chứng từ thì doanh nghiệp bưu chính tiếp nhận như thế nào?

Tiền chất ma túy được cất giấu tinh vi trong thịt hộp và bánh kẹo gửi qua đường Bưu chính

Tiền chất ma túy được cất giấu tinh vi trong thịt hộp và bánh kẹo gửi qua đường Bưu chính

Bên cạnh đó, điểm d khoản 7 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định hàng hóa nhập lậu là: “Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn”.

Tuy nhiên, Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BQP-BCA lại quy định khác với Nghị định 185/2013/NĐ-CP về hàng hóa nhập lậu như sau: Hàng hóa nhập khẩu đang trên đường vận chuyển; đang bày bán; để tại kho, bến, bãi, điểm tập kết mà cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp ngay tại thời điểm kiểm tra.

Như vậy, cùng một vấn đề xác định hàng hóa nhập lậu đang có tới 2 quy định khác nhau dẫn đến cách hiểu và xác định về hàng hóa nhập lậu không được thống nhất. Ngoài ra, việc không xuất trình được chứng từ, hóa đơn ngay tại thời điểm kiểm tra có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Việc xuất trình chậm hoá đơn, chứng từ không có nghĩa là không có hoá đơn, chứng từ hay hoá đơn, chứng từ bất hợp pháp.

Theo Luật sư Phùng Văn Mạnh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, quy định của Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BQP-BCA có thể dẫn đến cách xử lý "cứng nhắc" đối với hàng hóa nhập khẩu đang trên đường lưu thông mà thiếu hóa đơn, chứng từ, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, uy tín của doanh nghiệp sở hữu hàng hóa, cũng như của doanh nghiệp bưu chính đang chuyển phát hàng hóa đó.

Chưa hết, lỗ hổng trong việc quản lý hoạt động mua bán hàng hóa thương mại điện tử (TMĐT) cũng gây ra những khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp Bưu chính. Theo Bộ Công Thương, chính sự bùng nổ của hoạt động kinh doanh TMĐT cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước. Giao dịch TMĐT qua biên giới đang rất dễ dàng và thiếu sự kiểm soát. Tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên các trang wesite TMĐT, sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội… vẫn tràn lan.

Hiện nay các quy định để quản lý TMĐT chưa đầy đủ, chưa đồng bộ nên các bên tham gia hoạt động TMĐT, các cơ quan quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Như vậy, chính việc quản lý đối với các mặt hàng qua TMĐT cũng chưa được rõ ràng và chặt chẽ trong khi tốc độ phát triển của TMĐT ngày càng gia tăng. Các doanh nghiệp Bưu chính nếu từ chối vận chuyển sẽ gây cản trở đến sự phát triển của TMĐT và làm hạn chế việc lưu thông hàng hóa trên thị trường.

Khó có thể yêu cầu hóa đơn, chứng từ đối với những mặt hàng cho, biếu, quà tặng…

Khó có thể yêu cầu hóa đơn, chứng từ đối với những mặt hàng cho, biếu, quà tặng…

Hay như một số hàng hóa cho, biếu, quà tặng…rõ ràng khó có thể yêu cầu hóa đơn, chứng từ bởi có trường hợp đây là những mặt hàng đã cũ nhưng là “kỷ niệm”. Mặc dù các doanh nghiệp bưu chính lớn đều đã có biện pháp phòng ngừa rủi ro như xây dựng quy trình kiểm tra hàng nghiêm ngặt, tuy nhiên đây vẫn là một tình huống “khó xử” cho các doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Khách hàng không trung thực - Rủi ro lớn với doanh nghiệp bưu chính

    Khách hàng không trung thực - Rủi ro lớn với doanh nghiệp bưu chính

    01:00, 22/11/2020

  • Quảng Ninh: Xử phạt 300 triệu đồng kho hàng lậu chuyên bán qua sàn TMĐT

    Quảng Ninh: Xử phạt 300 triệu đồng kho hàng lậu chuyên bán qua sàn TMĐT

    11:50, 12/11/2020

  • Bao giờ hết hàng lậu trên sàn thương mại điện tử?

    Bao giờ hết hàng lậu trên sàn thương mại điện tử?

    06:28, 20/09/2020

  • Nghị định mới về xử lý vi phạm hàng nhái, hàng lậu: tăng chế tài... gấp 5 lần

    Nghị định mới về xử lý vi phạm hàng nhái, hàng lậu: tăng chế tài... gấp 5 lần

    11:00, 05/09/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Kẽ hở” pháp luật, quy định chồng chéo làm khó doanh nghiệp bưu chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO