Kênh Đáy – Ninh Cơ (Nam Định): Mở thêm triển vọng cho vận tải thủy nội địa

LAN VŨ 13/05/2023 11:48

Hạng mục đường thủy lớn thứ 2 được Chính phủ Việt Nam đầu tư, dự kiến đi vào hoạt động tháng 6/2023.

>>>Vận hội mới cho vận tải thủy nội địa?

>>>VLA: Cần tạo điều kiện tối đa cho vận tải thủy nội địa phát triển

Đó là cụm công trình kênh nối sông Đáy – Ninh Cơ tại Nam Định có giá trị 2.300 tỷ đồng. Tuyến kênh đào này đáp ứng tàu trọng tải 2.000 – 3.000 tấn, giúp phát triển vận tải thủy từ ven biển đi qua sông Ninh Cơ vào sông Đáy và ngược lại.

Giảm chi phí vận tải, tăng tốc lưu thông hàng hóa

Được biết, cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ được động thổ ngày 19/11/2020, tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định trên diện tích 45ha, đào tuyến kênh dài khoảng 1km, rộng 90 – 100m nối thông giữa sông Đáy và Ninh Cơ. Cụm công trình nằm trong dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực Đồng bằng Bắc bộ, có tổng mức đầu tư hơn 107 triệu USD, trong đó, vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) là 78,74 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 28,45 triệu USD.

Ngoài đào kênh nối sông Đáy và sông Ninh Cơ, dự án còn xây dựng cầu vượt kênh nối 2 sông này, gồm 18 nhịp, dài 777,9m, rộng 12m, vận tốc thiết kế 80km/h.

Công trình cũng sẽ mở thêm triển vọng cho vận tải đường thủy nội địa

Kênh Đáy - Ninh Cơ sẽ mở thêm triển vọng cho vận tải đường thủy nội địa

Theo ông Trần Đỗ Liêm – Chủ tịch Hội vận tải thủy nội địa Việt Nam, kênh Đáy – Ninh Cơ là hạng mục đường thủy lớn thứ 2 được Chính phủ Việt Nam đầu tư. Hạng mục lớn nhất là công trình kênh thủy lợi Bắc – Hưng – Hải. Kỳ vọng kênh Đáy – Ninh Cơ sẽ làm giảm chi phí vận tải và tăng tốc độ lưu thông hàng hóa trên mạng lưới đường thủy của miền Bắc. Công trình cũng sẽ mở thêm triển vọng cho vận tải đường thủy nội địa trong bối cảnh cần nhiều hơn nữa các sáng kiến và hạ tầng để phát triển vận tải đa phương thức, tăng cường kết nối vùng, tối ưu hóa sử dụng và chia sẻ nguồn lực giữa các địa phương.

Sau khi cụm công trình hoàn thành sẽ phát huy được hiệu quả cao nhất của cụm công trình cải tạo luồng qua cửa Lạch Giang đã hoàn thành đưa vào sử dụng trước đó. Đặc biệt, giúp cho tàu có trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải có thể đi sâu vào đất liền đến cụm cảng ở Ninh Bình. Cụ thể là giúp rút ngắn 20% thời gian hành trình phương tiện thủy từ các tỉnh ven biển đến Ninh Bình và ngược lại. Đồng thời tạo điều kiện cho nhiều tàu chở container đi qua, thay vì phải tới cảng Hải Phòng và di chuyển bằng đường bộ như hiện nay. Từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Nam Định, giảm gánh nặng cho đường bộ.

Sắp đi vào hoạt động

>>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ 29/9: Thủ tướng chỉ thị thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa

>>>VLA: Cần tạo điều kiện tối đa cho vận tải thủy nội địa phát triển

Theo ông Nguyễn Văn Thưởng – Giám đốc dự án, hiện, công trường có 3 ca làm việc để kịp tiến độ, phần việc chủ yếu là cắt đê, đắp kè. Công trình đạt tiến độ hoàn thành hơn 80%, dự kiến đi vào hoạt động tháng 6/2023.

Được biết, toàn bộ công trình được xây dựng bởi các kỹ sư trong nước, 90% thiết vị cũng tự sản xuất. Theo thiết kế, trên lưu vực của sông Đáy và sông Ninh Cơ, đơn vị thi công chọn ra điểm hẹp nhất với khoảng cách chỉ 1 km để đào kênh nối với chiều rộng khoảng 100m. Ở giữa có một âu tàu bằng bê tông cốt thép rộng 17m, dài 179m. Âu tàu này được thiết kế như một van đóng mở để ngăn cách 2 con sông vốn có mực nước và độ mặn chênh lệch nhau.

Công trình chính của dự án là âu tàu dài 179 m, rộng 17 m và sâu 11 m.

Công trình chính của dự án là âu tàu dài 179 m, rộng 17 m và sâu 11 m.

Âu tàu nằm giữa hai sông, vận hành tương tự như kênh đào nổi tiếng Panama. Khi có tàu vào, một bên đóng kín, bên còn lại mở cho tới khi mực nước sông cân bằng với bên trong để tàu qua, và ngược lại. Mỗi chu kỳ một tàu qua kéo dài khoảng 15 phút, trong đó 2 phút bơm nước để cân bằng phía trong và ngoài sông.

Cửa đóng xả phía sông Đáy nặng gần 80 tấn, được làm bằng thép theo tiêu chuẩn Nhật. Khi có tàu, cửa lớn vẫn đóng và chỉ mở hai cửa xả nhỏ phía dưới. Khi nước phía trong và ngoài sông cân bằng, cửa mới mở để cho tàu qua. Ngoài ra, cửa này còn có nhiệm vụ ngăn nước mặn từ sông Đáy.

Trước đó, WB giúp Bộ GTVT thực hiện dự án phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ (dự án WB6) có tổng mức đầu tư 200 triệu USD. Trong đó 170 triệu USD vốn ODA và 30 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, để nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa chính yếu của đồng bằng sông Hồng.

Cuối năm 2015, cụm công trình cải tạo luồng qua cửa Lạch Giang của sông Ninh Cơ (Nam Định) thuộc dự án trên được hoàn thành, đưa vào sử dụng đã giúp tàu có trọng tải đến 2.000 tấn đầy tải, tàu 3.000 tấn giảm tải đi qua cửa sông Ninh Cơ dễ dàng vào bất kỳ thời điểm nào. Tuy nhiên, cửa sông Đáy phía Ninh Bình bị bồi lắng thường xuyên, khó cải tạo để tàu lớn ra vào.

Để phát huy hiệu quả của dự án cải tạo cửa Lạch Giang, cần đào kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ giúp cho tàu có trọng tải 3.000 tấn đi sâu vào đất liền, vào cụm cảng Ninh Bình, Ninh Phúc. Do đó, WB và Chính phủ Việt Nam đã ký hiệp định bổ sung vốn ODA để thực hiện cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ với tổng mức đầu tư 107 triệu USD.

Dự án phát triển giao thông vận tải là dự án lớn nhất từ trước đến nay được đầu tư vào hạ tầng đường thủy nội địa ở khu vực phía Bắc, được thực hiện trên phạm vi 14 tỉnh/thành phố khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Dự án WB6 là bước đột phá trong cải tạo hệ thống hạ tầng đường thủy nội địa khu vực đồng bằng Bắc Bộ, kết nối vận tải thủy nội địa khu vực với vận tải ven biển phục vụ phát triển kinh tế xã hội, giảm gánh nặng cho đường bộ vốn đang quá tải, ô nhiễm, ùn tắc và nhiều tai nạn. 

Có thể bạn quan tâm

  • “Cung đường vàng” vận tải thủy nội địa

    “Cung đường vàng” vận tải thủy nội địa

    17:10, 18/04/2023

  • “Cú hích” cho phát triển vận tải thủy nội địa

    “Cú hích” cho phát triển vận tải thủy nội địa

    17:24, 14/02/2023

  • Cơ hội phát triển vận tải thủy nội địa: Giải pháp cho lâu dài

    Cơ hội phát triển vận tải thủy nội địa: Giải pháp cho lâu dài

    17:12, 01/11/2022

  • Hải Phòng: Cần hỗ trợ phát triển vận tải thủy nội địa

    Hải Phòng: Cần hỗ trợ phát triển vận tải thủy nội địa

    11:30, 09/07/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kênh Đáy – Ninh Cơ (Nam Định): Mở thêm triển vọng cho vận tải thủy nội địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO