Kéo giá nhà về tay người dân (KỲ III): Xây dựng nguồn cung ổn định

NGUYỄN VĂN SINH - Thứ trưởng Bộ Xây dựng 31/10/2020 06:00

Dự thảo nghị quyết được Bộ Xây dựng trình Chính phủ đưa ra nhiều ưu đãi khuyến khích chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng vừa ký văn bản báo cáo Quốc hội, trong đó công nhận giá nhà đất không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Đại diện Bộ này cũng khẳng định từ nay đến 2025 sẽ có nhiều cơ chế để kéo giá nhà tiệm cận với mức sống.

Từ khi thị trường bất động sản (BĐS) vào chu kỳ hồi phục từ cuối năm 2013 đầu 2014 đến nay, giá BĐS ở các phân khúc đã tăng khoảng gấp đôi. Nhưng thu nhập của người dân tăng không theo kịp. Nhiều biện pháp đã được Chính phủ, bộ ngành và địa phương đưa ra nhưng đến nay chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Bộ Xây dựng đang đề xuất Chính phủ ban hành hàng loạt ưu đãi.

Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng đề xuất cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng sẽ chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, lựa chọn, tổng hợp danh mục các dự án nhà ở xã hội đang triển khai dở dang, có thể tiếp tục triển khai trong năm 2020 để các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay.

Bộ Xây dựng cũng đang sửa đổi, bổ sung theo quy trình rút gọn một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội như cơ chế dành quỹ đất 20%, về xác định lợi nhuận định mức, về hoàn trả nghĩa vụ tài chính, về tăng cường sự quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở xã hội...

 Các dự án nhà ở xã hội đang triển khai dở dang sẽ được các ngân hàng thương mại hỗ trợ vốn trong năm 2020.

Các dự án nhà ở xã hội đang triển khai dở dang sẽ được các ngân hàng thương mại hỗ trợ vốn trong năm 2020

Khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp

Bộ Xây dựng cũng có định hướng phát triển các căn hộ chung cư có quy mô dưới 70m2, giá bán không vượt quá 20 triệu đồng/m2 với một số giải pháp dự kiến như sau:

Thứ nhất, về quy hoạch: Khi lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phải bố trí tỷ lệ quỹ đất ở để xây dựng nhà ở thương mại giá thấp (dự kiến tối thiểu 30% tổng diện tích đất ở trong dự án).

Thứ hai, về đất đai: Được giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất trong phạm vi dự án; trường hợp chủ đầu tư dự án đã có quyền sử dụng đất (đã trả tiền sử dụng đất theo quy định) thì sẽ được hoàn trả 50% tiền sử dụng đất theo giá đất quy định tại địa phương sau khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, thẩm định. Được chậm nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn tối đa 24 tháng (02 năm) kể từ ngày được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

Thứ ba, về thủ tục đầu tư xây dựng: Được miễn thủ tục thẩm định bước thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở (theo quy định của Luật Xây dựng sửa đổi áp dụng đối với các dự án sử dụng vốn khác ngoài ngân sách); Trường hợp dự án đã thực hiện thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở thì được miễn cấp giấy phép xây dựng (có hiệu lực ngay sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng được thông qua).

Thứ tư, về cơ chế huy động vốn: Chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại giá thấp được huy động vốn từ các nguồn hợp pháp theo quy định tại Điều 69 Luật Nhà ở 2014 (gồm: Vốn thuộc sở hữu của chủ đầu tư; vốn huy động thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tiền mua, tiền cho thuê, tiền thuê nhà ở trả trước theo hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai; vốn vay từ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam).

Chủ đầu tư được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn triển khai thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.

Đây là những giải pháp căn bản để tăng nguồn cung về nhà ở trong thời gian tới, đồng thời làm giảm giá nhà, góp phần điều chỉnh cơ cấu sản phẩm bất động sản trên thị trường.

Dự thảo nghị quyết sẽ được Chính phủ ban hành trong thời gian tới với hàng loạt giải pháp căn cơ để giúp số đông người dân có thể tiếp cận nhà ở với giá phù hợp hơn. Chính phủ sẽ đưa ra nhiều ưu đãi khuyến khích chủ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại giá thấp. Bộ Xây dựng cũng đề xuất cho những doanh nghiệp phát triển nhà ở giá thấp được ưu đãi về vốn, lãi suất vay vốn ngân hàng từ 7 - 8%/năm. 

Có thể bạn quan tâm

  • Kéo giá nhà về tay người dân (KỲ II): Những giải pháp căn cơ

    Kéo giá nhà về tay người dân (KỲ II): Những giải pháp căn cơ

    16:20, 30/10/2020

  • Làm sao để kéo giá nhà đi xuống?

    Làm sao để kéo giá nhà đi xuống?

    06:00, 16/06/2020

  • “Kéo” giá nhà về tay số đông người dân (KỲ I): Thị trường... quyết định giá

    “Kéo” giá nhà về tay số đông người dân (KỲ I): Thị trường... quyết định giá

    11:00, 30/10/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kéo giá nhà về tay người dân (KỲ III): Xây dựng nguồn cung ổn định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO