Khắc phục nhiều điểm nghẽn trước khi mở cửa du lịch quốc tế

MINH CHÂU 27/01/2022 01:46

Mặc dù đạt được một số kết quả bước đầu, tuy nhiên, chương trình thí điểm mở cửa quốc tế vẫn gặp nhiều khó khăn, hạn chế liên quan đến chính sách nhập cảnh phức tạp, quy định chưa đồng nhất.

Phát biểu tại Hội thảo thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, dịch Covid-19 bùng phát đã khiến ngành du lịch chịu tổn thất nặng nề, các doanh nghiệp bị “đóng băng” và “xuống đáy”.

Tuy nhiên, tia sáng của ngành đã xuất hiện khi Chương trình thí điểm tái khởi động du lịch từ tháng 11/2021 đến nay đạt được kết quả tích cực, với khoảng 9.000 lượt khách quốc tế tới Việt Nam trong gần 2 tháng qua.

Đây là tín hiệu cũng như động lực để chúng ta quyết tâm phục hồi nền du lịch”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

>>Thủ tướng chỉ đạo xây dựng lộ trình mở cửa an toàn, khoa học, hiệu quả đón khách du lịch quốc tế

Hội thảo thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế ngày 24/1.

Hội thảo thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế ngày 24/1.

Những bước đệm vững chắc

Chia sẻ về Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết cùng với việc điều chỉnh quan điểm chống dịch từ “không Covid-19 tiến tới an toàn”, ngành du lịch nhiều quốc gia đã có những bước đi để tạo bước đệm vững chắc cho sự phục hồi trở lại.

Trong bối cảnh đó, ngành du lịch Việt Nam cũng ban hành nhiều chính sách nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh”, đại diện Tổng cục Du lịch nói.

Cụ thể, cuối năm 2021, được sự đồng ý của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ, ngành du lịch Việt Nam đã khởi động Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Trong đó, giai đoạn 1, từ ngày 2/11/2021, đã ban hành hướng dẫn thí điểm đón khách du lịch quốc tế theo chương trình trọn gói.

Tiếp sau giai đoạn 1, từ tháng 1/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện chương trình để khách tham gia du lịch trọn gói kết hợp du lịch tại một số địa phương khác. “Sau khi du khách hoàn thành du lịch trọn gói 7 ngày thì có thể hòa nhập cộng đồng, du lịch tại những địa điểm bổ sung”, ông Nguyễn Trùng Khánh nói thêm.

Giai đoạn 3 sẽ căn cứ vào tình hình dịch bệnh, xem xét “mở cửa” hoàn toàn cho khách du lịch.

Theo đó, để thực hiện thành công 3 giai đoạn của Chương trình thí điểm, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang bổ sung hướng dẫn thay thế, phù hợp với quy định mới về phòng chống dịch Covid-19. Cùng với đó, Bộ kết hợp với các ban, ngành... thành lập đoàn hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp sẵn sàng hoạt động trở lại.

Khắc phục các điểm nghẽn

Mặc dù đạt được một số kết quả bước đầu, tuy nhiên, theo đại diện Tổng cục Du lịch, Chương trình thí điểm cũng gặp một số khó khăn như chính sách nhập cảnh vẫn còn phức tạp khiến giảm sức thu hút; quy định khách du lịch chỉ được tiếp xúc với cộng động sau 7 ngày du lịch trọn gói khiến du khách gặp khó khăn; chưa đón khách du lịch bằng đường bộ và đường biển. Ngoài ra, các doanh nghiệp lữ hành có thể tổ chức du lịch ra nước ngoài còn gặp khó khăn vì hộ chiếu vaccine của Việt chưa được công nhận ở nhiều nước.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM cho biết: Sở

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM cho biết: Sở đang kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết hợp với các ban bộ ngành liên quan để miễn thị thực cho khách quốc tế.

Từ ngày 1/5, Việt Nam có thể mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế. Thời gian này, các Bộ, ngành có thể điều chỉnh việc thích ứng an toàn khi du lịch; còn doanh nghiệp có thể triển khai các chương trình đón khách du lịch thời kỳ cao điểm”, ông Nguyễn Trùng Khánh đề xuất.

Là một trong những địa phương đầu tiên mở cửa du lịch, Giám đốc Sở du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho rằng việc mở cửa là phù hợp với tình hình thực tế. Tuy vậy, để quá trình mở cửa du lịch thuận lợi hơn, ông Thái đề nghị cùng với việc hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo an ninh an toàn, các bộ ngành cần cho phép các địa phương chủ động lựa chọn đơn vị lữ hành đón khách để thuận tiện cho công tác quản lý. “Thời gian tới, cần có chỉ đạo thống nhất về nhập cảnh du lịch, Bộ Y tế nên ban hành biểu mẫu khi mở cửa đón khách quốc tế”, Giám đốc Sở du lịch Kiên Giang chia sẻ thêm.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM lại cho rằng với tỷ lệ hơn 80% người dân TP.HCM đã được tiêm vaccine Covid-19 cùng kinh nghiệm chống dịch trong năm 2021, TP.HCM kiến nghị Chính phủ điều chỉnh quy định du khách có kết quả test PCR 72 giờ trước khi xuất cảnh. Sở cũng kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết hợp với các ban bộ ngành liên quan để miễn thị thực cho khách quốc tế.

Chia sẻ những băn khoăn về miễn visa cho du khách, ông Trần Văn Dự, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an, thông tin từ ngày 18-1, căn cứ thông báo của Chính phủ về tạo điều kiện cho chuyến bay thương mại quốc tế, tất cả visa còn hạn đều được bay vào Việt Nam, không còn gặp khó khăn gì.

Còn việc miễn thị thực đơn phương, ông Dự cho rằng DN du lịch có thể sẽ rơi vào tình trạng bị "tuột tay", khó kiểm soát khách. "Nếu DN đưa khách đến thì còn quản lý được nhưng nếu khách vào tự do sẽ khó, vì thế cần phân tích kỹ để báo Chính phủ" - ông Trần Văn Dự nêu ý kiến.

Về những vướng mắc liên quan đến xét nghiệm Covid-19, bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho hay sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao để có hướng dẫn công nhận giữa các nước về chứng nhận tiêm chủng. "Chúng tôi xin ghi nhận thông tin và sẽ rà soát để cập nhật thường xuyên hướng dẫn phù hợp nhất với xu thế, từng bước một mở cửa" - bà Hằng nói.

>>CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN: Mở cửa bầu trời, đưa du lịch Phú Quốc cất cánh

Mở du lịch hoàn toàn

Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV) thẳng thắn bày tỏ “thật vô lý nếu chúng ta không mở du lịch hoàn toàn”.

Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân cho rằng, việc mở hay không mở cửa đón khách du lịch quốc tế thì tình hình dịch trong nước vẫn thế. Bản chất vấn đề dịch là tiêm vaccine và các biện pháp giãn cách cần thiết. Việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế cũng không làm tăng tỷ lệ tiêm vaccine trong nước. Đơn cử như việc thí điểm đón 9.000 khách du lịch 2 tháng qua, cũng cho thấy, việc mở cửa du lịch quốc tế cũng không ảnh hưởng gì đến tình hình dịch trong nước.

Ngoài ra, ông Trương Gia Bình cũng cho biết, nếu không mở cửa du lịch quốc tế thì đi ngược lại chính sách của Chính phủ - mong muốn phục hồi kinh tế. Điều này có thể ảnh hưởng đến công ăn việc làm của hơn 2,5 triệu lao động, tác động đến nhiều ngành kinh tế khác, khiến Việt Nam tự đánh mất cơ hội. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp đã vượt ngưỡng chịu đựng.

Vậy chúng ta phải mở thế nào? Việt Nam hãy mở cửa theo thông lệ quốc tế, như nhiều nước trên thế giới. Hãy mở cửa vì quyền lợi của người dân vì tương lai của đất nước”, Ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Việt Nam đã sẵn sàng mở cửa du lịch hoàn toàn, không cần thí điểm?

    08:24, 27/01/2022

  • “Du lịch khởi sắc trong năm 2022”

    09:53, 21/01/2022

  • Thủ tướng chỉ đạo xây dựng lộ trình mở cửa an toàn, khoa học, hiệu quả đón khách du lịch quốc tế

    03:00, 20/01/2022

  • Du lịch và Con đường phục hồi

    14:58, 18/01/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khắc phục nhiều điểm nghẽn trước khi mở cửa du lịch quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO