Khai phá tiềm năng du lịch Hương Sơn

Lê Nam - thực hiện 11/05/2019 07:30

Bằng những giải pháp phù hợp và quyết liệt, huyện Hương Sơn đang làm bật dậy những tiềm năng, thế mạnh nhằm thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch.

DĐDN đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Bình Thân - Phó Chủ tịch UBND huyện xung quanh những thành tựu này.
- Nói đến Hương Sơn, chúng ta sẽ nghĩ đến những tiềm năng, lợi thế nào của huyện, thưa ông?

Hương Sơn là huyện trung du nằm ở phía tây bắc tỉnh, cách trung tâm TP Hà Tĩnh khoảng 70km. Huyện có hệ thống giao thông khá đồng bộ và thuận lợi với 03 tuyến quốc lộ đi qua, gồm: QL 8A theo hướng đông - tây (nối QL 1A với Cửa khẩu Cầu Treo); đường Hồ Chí Minh theo hướng bắc - nam; QL 8C nối QL 8A với QL 46 đi Cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An).

Địa hình huyện chia làm 3 tiểu vùng rõ rệt (vùng núi, vùng bán sơn địa, vùng đồng bằng), với quỹ đất khá lớn để phát triển hạ tầng công nghiệp, dịch vụ. Ngoài ra, có điều kiện để phát triển nông nghiệp, nhất là cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc và kinh tế rừng.

Trên địa bàn huyện có nhiều loại khoáng sản giá trị, như: quặng sắt ở xã Sơn Trường; quặng Limonit, thiếc ở Sơn Kim 1; đá vôi, vàng tại xã Sơn Quang và Sơn Tây; Sericit tại Sơn Bình, Sơn Long, Sơn Trà; nhiều loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng... Đặc biệt, tại xã Sơn Kim 1 có suối nước khoáng với trữ lượng rất lớn.
Hương Sơn còn có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái nhờ có nhiều cảnh đẹp như: khu du lịch sinh thái nước khoáng nóng Sơn Kim, đồi chè Sơn Kim II và du lịch văn hóa tâm linh với điển hình là khu di tích Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; mộ, nhà thờ Khai quốc công thần Nguyễn Tuấn Thiện, Nguyễn Lỗi; di tích danh tướng Cao Thắng…

- Huyện đã thực hiện những giải pháp nào để khơi dậy những giá trị đó?

Những năm qua, huyện đã tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án có chất lượng, gồm: sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chế biến nông, lâm sản; xây dựng hạ tầng KCN, khu dân cư; các dự án về phát triển du lịch, dịch vụ...

Chúng tôi chủ động công bố các quy hoạch, thông tin thu hút đầu tư; quảng bá, giới thiệu rộng rãi về huyện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cấp chính quyền, ban ngành của huyện thực hiện tốt công tác GPMB; cải cách, đơn giản hóa TTHC.

Đặc biệt, lãnh đạo huyện luôn khuyến khích nhưng cũng có sự lựa chọn những nhà đầu tư có kinh nghiệm, uy tín trong từng lĩnh vực. Nhờ đó, riêng năm 2018, công tác thu hút đầu tư của huyện đạt nhiều kết quả, với 12 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang triển khai thực hiện, tổng nguồn vốn đăng ký 656,38 tỷ đồng.

Một số dự án tiêu biểu như: Nhà máy điện mặt trời SOLAR PARK công suất 29MW của Công ty German Asean, quy mô 33,5ha, vốn đăng ký 537 tỷ đồng; Nhà máy chế biến quặng Cericit (giai đoạn 2) tại xã Sơn Long của Công ty CP đầu tư Vạn Xuân, tổng vốn đầu tư 196 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất rượu và thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ Nhung hươu của Công ty CP Sơn An Hương Sơn; Khu đô thị Bắc Phố Châu, quy mô 27,1ha...

- Định hướng hỗ trợ doanh nghiệp và những nhắn nhủ đến các nhà đầu tư đã, đang và sẽ quan tâm đầu tư vào huyện trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Trần Bình Thân: Huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo củng cố và phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng; chú trọng quy mô hợp lý, công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả sản xuất, cạnh tranh sản phẩm và phát triển bền vững.

Với mục tiêu “Sự phát triển của doanh nghiệp chính là thành công của huyện” và phương châm “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, huyện Hương Sơn cam kết quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai dự án trên địa bàn.

Trong đó, tạo thuận lợi trong việc cấp đất, cho thuê mặt bằng, tổ chức GPMB cho các doanh nghiệp thành lập mới hoặc mở rộng quy mô... Lãnh đạo huyện sẽ quyết liệt chỉ đạo tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả cải cách TTHC; đối thoại và giải quyết kịp thời các vướng mắc cho các doanh nghiệp...

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khai phá tiềm năng du lịch Hương Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO