Đông Nam Á nổi lên như một trung tâm công nghệ bất động sản, bất chấp những rào cản về tài chính và nhân lực.
Được thúc đẩy bởi sự gia tăng dân số và cuộc cách mạng kỹ thuật số phát triển với tốc độ nhanh chóng, Đông Nam Á đang nổi lên như một trung tâm đổi mới công nghệ bất động sản (proptech), mang lại tiềm năng to lớn cho các nhà đầu tư và các công ty khởi nghiệp.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo ngành cảnh báo rằng trong khi thị trường bất động sản khu vực này mang đến nhiều cơ hội to lớn, thì con đường để khai thác tiềm năng công nghệ bất động sản lại đầy rẫy những trở ngại, chủ yếu là việc đảm bảo nguồn vốn chuyên biệt cho lĩnh vực này và vượt qua tốc độ phát triển truyền thống vốn chậm chạp của ngành bất động sản.
Theo ông Ethan Cheng, đối tác quản lý tại Feedback Ventures, một công ty đầu tư mạo hiểm tập trung vào các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu trong hệ sinh thái bất động sản cho biết sự khan hiếm nguồn vốn dành riêng cho công nghệ bất động sản là một thách thức lớn mà lĩnh vực non trẻ này phải đối mặt.
“Không giống như ở Mỹ, nơi có các nhà đầu tư mạo hiểm tập trung vào công nghệ bất động sản, các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á thường dựa vào các quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc các nhà đầu tư không mang tính chiến lược, điều này có thể cản trở sự tăng trưởng”, ông Ethan Cheng nói.
Ông Ethan Cheng nhấn mạnh rằng những nhà đầu tư này thường tập trung nhiều hơn vào fintech hoặc các lĩnh vực khác, có thể coi công nghệ bất động sản là mối quan tâm thứ yếu, điều này hạn chế khả năng mở rộng quy mô và phát huy hết tiềm năng của các công ty khởi nghiệp.
Tuy nhiên, ông Ethan Cheng vẫn coi đây vừa là thách thức vừa là cơ hội. Với số ít nhà đầu tư công nghệ bất động sản chuyên biệt trong khu vực, có một "đại dương xanh" chưa được khai thác dành cho những ai có niềm tin đầu tư vào lĩnh vực này.
"Bất động sản là một lĩnh vực kinh doanh lớn ở Châu Á và sẽ luôn có cơ hội để cải thiện bằng các mô hình kinh doanh sáng tạo", ông Ethan Cheng nhận định; đồng thời nói thêm rằng các công ty khởi nghiệp sẵn sàng theo đuổi tầm nhìn dài hận để có thể tìm thấy một thị trường ít cạnh tranh và sinh lợi hơn.
Đồng quan điểm, theo bà Sabrina Soewatdy, Giám đốc điều hành của Rukita, một công ty khởi nghiệp quản lý bất động sản có trụ sở tại Jakarta, các thị trường như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines cũng đang chuẩn bị cho những chuyển đổi được thúc đẩy bởi công nghệ bất động sản, nhờ vào nhu cầu nhà ở ngày càng tăng và sự cần thiết của các giải pháp bất động sản hiệu quả hơn..
Tuy nhiên, bà Sabrina Soewatdy cảnh báo về nguy cơ bị nhiễu loạn bởi vô số giải pháp mà công nghệ bất động sản có thể mang lại. Chuyên gia này nhấn mạnh, với quá nhiều lựa chọn sẽ rất dễ mất tập trung, nhưng việc kiên định với một chiến lược thị trường rõ ràng và có khả năng mở rộng là điều quan trọng để đạt được thành công.
Ông Darius Cheung, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của nền tảng bất động sản có trụ sở tại Singapore 99 Group lưu ý rằng không giống như các ngành công nghiệp phát triển nhanh hơn, công nghệ bất động sản đòi hỏi các công ty phải chịu đựng một số chu kỳ của thị trường trước khi thấy được lợi nhuận.
Tốc độ phát triển chậm này ngày càng trầm trọng hơn bởi chu kỳ sống truyền thống 10 năm của các quỹ đầu tư mạo hiểm, điều này có thể khiến cả nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc áp dụng các chiến lược dài hạn cần thiết cho sự đổi mới trong lĩnh vực bất động sản.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt nhân tài là một rào cản đáng kể khác đối với các công ty công nghệ ở Đông Nam Á, bao gồm cả những công ty trong lĩnh vực bất động sản.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng kỳ vọng về vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) trong bối cảnh công nghệ bất động sản đang phát triển, dù còn nhiều thách thức trong việc tích hợp hiệu quả AI vào các hệ thống hiện có.
Bà Soewatdy cho biết, ứng dụng AI trong các lĩnh vực phân tích dữ liệu và quy hoạch đô thị sẽ góp phần cải thiện quá trình ra quyết định và tối ưu hóa các quy trình phát triển bất động sản. Sự tích hợp AI có thể thúc đẩy các doanh nghiệp lên tầm cao mới.
Một số chuyên gia lưu ý rằng AI đã trở nên gần như phổ biến ở nhiều công ty khởi nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ bất động sản. Nhưng điều này cũng tạo ra áp lực cho nhiều công ty khởi nghiệp khi phải tích hợp AI, nếu AI không phải là yếu tố cần thiết cho mô hình kinh doanh của họ.
Đôi khi, nhiều chủ doanh nghiệp cố gắng đưa AI vào hoạt động của họ mà không hiểu đầy đủ giá trị hoặc ứng dụng của nó. Xu hướng này có thể phản tác dụng nếu AI không thực sự nâng cao lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.