Việc xóa bỏ thuế khoán từ năm 2026 được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt trong quản lý thuế, khép lại cơ chế thỏa thuận ngầm và thúc đẩy công bằng, minh bạch...
Trong nhiều năm, thuế khoán từng là giải pháp tình thế giúp quản lý số lượng lớn hộ kinh doanh nhỏ lẻ trong điều kiện hạ tầng công nghệ và lực lượng quản lý thuế còn hạn chế.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế đang chuyển mạnh sang mô hình số, yêu cầu minh bạch và công bằng trong nghĩa vụ thuế ngày càng cao, thì chính sách thuế khoán dần trở thành lực cản thay vì công cụ hỗ trợ. Quyết định “khai tử” thuế khoán vào năm 2026 theo Nghị quyết 68-NQ/TW vì thế không chỉ là thay đổi kỹ thuật thu thuế, mà là một bước ngoặt thể chế cần thiết.
Hiện nay, theo thống kê của ngành thuế, cả nước có hơn 1,5 triệu hộ kinh doanh nộp thuế theo hình thức khoán. Doanh thu, mức thuế của các hộ này thường được cơ quan thuế xác định bằng phương pháp ước lượng, dựa trên thông tin gián tiếp, hoặc theo cơ chế "thỏa thuận" giữa cán bộ thuế và người nộp. Chính điều này đã khiến thuế khoán trở thành một hình thức “mặc cả ngầm”, tiềm ẩn nguy cơ thất thu ngân sách, tạo ra sự thiếu minh bạch và bất công với các hộ kinh doanh tuân thủ nghiêm túc.
Số liệu của ngành thuế cho thấy, mức thuế khoán trung bình mỗi hộ chỉ khoảng 670.000 đồng/tháng. Trong khi đó, các hộ tự kê khai, dù cùng quy mô lại nộp trung bình tới 4,6 triệu đồng/tháng. Khoảng cách quá lớn này là chỉ dấu rõ ràng cho thấy thuế khoán không còn phản ánh đúng năng lực tài chính và quy mô thực tế của người nộp thuế.
Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, bà Nguyễn Thị Cúc – thẳng thắn nhận định: “Thuế khoán tồn tại một thời gian dài nhưng đến nay không còn phù hợp. Đây là cơ chế dễ phát sinh ‘thỏa thuận ngầm’. Với công nghệ hiện đại như máy tính tiền, hóa đơn điện tử... không có lý do gì để duy trì thuế khoán”.
Bà Cúc cũng cho rằng, việc xóa bỏ thuế khoán sẽ không gây khó khăn lớn như lo ngại, bởi đa số hộ kinh doanh hiện nay đều sử dụng điện thoại thông minh, có thể truy cập các phần mềm hỗ trợ kê khai, nộp thuế trực tuyến một cách dễ dàng.
Bên cạnh việc khắc phục tính chất “ước đoán” và “thỏa thuận ngầm”, việc xóa bỏ thuế khoán còn được kỳ vọng là giải pháp để thiết lập lại mặt bằng pháp lý công bằng giữa các chủ thể kinh doanh. Đặc biệt là khi có tình trạng cùng một loại hình kinh doanh, nhưng hộ khoán và doanh nghiệp nhỏ lại phải thực hiện nghĩa vụ thuế hoàn toàn khác nhau.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật Emme Law phân tích: “Việc xóa bỏ thuế khoán là đúng hướng và phù hợp với nguyên tắc bình đẳng trong Luật Quản lý thuế. Trong khi các doanh nghiệp nhỏ phải kê khai đầy đủ, chịu kiểm tra, thì nhiều hộ cá thể lại chỉ đóng thuế theo ước tính, thậm chí có trường hợp thấp hơn nhiều lần dù quy mô kinh doanh tương đương. Điều này tạo ra sự thiếu công bằng về nghĩa vụ thuế. Chuyển sang kê khai là cách thiết lập lại mặt bằng pháp lý đồng đều, tăng minh bạch và trách nhiệm từ cả cơ quan quản lý lẫn người nộp thuế”.
Bổ sung ở góc độ pháp lý – chính sách, Luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật L&A Legal Experts cho biết: “Quy định xóa bỏ thuế khoán chậm nhất vào năm 2026 đã được nêu rõ trong Nghị quyết 68-NQ/TW, thể hiện rõ quan điểm nhất quán của Đảng trong việc cải cách thể chế tài khóa. Dưới góc nhìn pháp lý, điều này không chỉ nhằm tăng thu ngân sách mà còn hướng đến việc xây dựng một hệ thống thuế có tính dự báo cao, minh bạch và công bằng giữa các chủ thể.
Về lâu dài, nếu tiếp tục duy trì thuế khoán, Nhà nước sẽ khó thực hiện đồng bộ các công cụ giám sát và phân tích rủi ro thuế. Việc kê khai, hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu bán hàng là xu thế không thể đảo ngược, giúp Nhà nước quản lý thuế theo dữ liệu thời gian thực, thay vì dựa trên cảm tính hay kinh nghiệm cán bộ. Việc xóa bỏ thuế khoán cũng là điều kiện bắt buộc để thực hiện nguyên tắc “nghĩa vụ thuế tương xứng với năng lực tài chính” được quy định trong các điều luật thuế hiện hành”.
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, tổng số thu từ hộ kinh doanh trong năm 2024 đạt hơn 25.950 tỷ đồng. Với việc áp dụng công nghệ thuế số, như máy tính tiền kết nối trực tiếp với hệ thống thuế, hóa đơn điện tử, phần mềm eTax Mobile..., cơ quan chức năng tin rằng nguồn thu từ khu vực hộ kinh doanh sẽ không chỉ ổn định mà còn có thể tăng trưởng trong dài hạn khi mọi hoạt động kinh doanh được minh bạch hóa.
Không ít hộ kinh doanh nhỏ lẻ hiện nay đã chủ động tiếp cận và làm quen với phần mềm quản lý bán hàng, máy tính tiền, các nền tảng thanh toán số... Đây chính là nền tảng để chuyển đổi phương thức thu thuế từ thủ công sang điện tử, đồng thời hạn chế tối đa gian lận, bỏ lọt hoặc khai sai doanh thu.
Việc chấm dứt thuế khoán không đơn thuần là sửa một công cụ hành chính, mà là sự điều chỉnh mang tính nền tảng để xây dựng một hệ thống thuế hiện đại, minh bạch, và công bằng. Khi thuế không còn là gánh nặng mơ hồ, mà trở thành trách nhiệm rõ ràng, bình đẳng giữa các chủ thể, thì niềm tin của người nộp thuế cũng sẽ là “nguồn thu” bền vững nhất mà Nhà nước có thể kỳ vọng.