UBND huyện Cam Lâm vừa có chỉ đạo đình chỉ hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của cơ sở tái chế nhựa phế liệu trái phép mà báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã phản ánh trước đó.
Đình chỉ hoạt động
Theo đó, sau khi tiếp nhận đơn phản ánh của người dân và báo chí phản ánh liên quan đến việc cở sở tái chế nhựa phế liệu gây ô nhiễm môi trường tại thôn Khánh Thành Bắc, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa). UBND huyện Cam Lâm đã chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) và các đơn vị có liên quan kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, đất đai và hoạt động sản xuất của cơ sở tái chế nhựa phế liệu do ông Phạm Văn Duy làm chủ cơ sở.
Qua kiểm tra và báo cáo của phòng TNMT, UBND huyện Cam Lâm đã có kết luận và chỉ đạo đình chỉ hoạt động của cơ sở tái chế nhựa phế liệu này. Bởi vị trí cơ sở tái chế nhựa phế liệu không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của huyện Cam Lâm giai đoạn 2010-2020 và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến 2020 với mục đích sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, ông Phạm Văn Duy không có hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật. Cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải sản xuất theo quy định của pháp luật, nước thải xả trực tiếp ra môi trường. Chất thải rắn chưa được thu gom, lưu trữ và xử lý theo quy định.
Ngoài ra, UBND huyện Cam Lâm gia phòng Tài chính Kế toán thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã cấp cho ông Phạm Văn Duy. Đồng thời, UBND huyện Cam Lâm đề nghị Điện lực Diên Khánh- Khánh Vĩnh chấm dứt cung cấp điện cho cơ sở tái chế nhựa phế liệu của ông Phạm Văn Duy.
Tháo dỡ xưởng
Theo ghi nhận của phóng viên vào ngày 11/9, cơ sở sản xuất nhựa phế liệu của ông Phạm Văn Duy đã được tháo dỡ phần phân xưởng, một số máy móc đã được chủ cơ sở này di chuyển đi nơi khác. Tuy nhiên, tại khu vực này vẫn còn nhiều đống phế liệu (nhựa sử dụng một lần đã được cắt xén nhỏ) và một số phân đoạn máy móc vẫn còn ngổn ngang.
Theo người dân, sau khi có thông báo đình chỉ sản xuất của UBND huyện, chủ cơ sở đã tiến hành tháo xưởng, dỡ tôn và di chuyển máy móc đi nơi khác. Chúng tôi rất mừng vì cơ sở này đã dừng hoạt động, cảm ơn chính quyền địa phương và quý báo đã quyết liệt có những tiếng nói, thông tin và hỗ trợ người dân, giúp chúng tôi lấy lại cuộc sống yên bình trước đó. Một người dân vui mừng chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
15:11, 27/08/2019
11:05, 27/08/2019
05:28, 10/09/2019
Trước đó, ngày 25/08/2019, báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có bài “Người dân khốn đốn vì cơ sở tái chế nhựa không phép” phản ánh về một cơ sở tái chế nhựa hoạt động chui, đốt nhựa bất chấp ngày đêm gần 2 năm nay nhưng không hiểu vì sao chính quyền địa phương không xử lý dứt điểm.
Theo phản ánh của người dân thuộc địa bàn thôn Khánh Thành Bắc, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) về việc trên địa bàn thôn có một cơ sở tái chế nhựa (sản xuất hạt nhựa) hoạt động bất chấp ngày đêm, gây ô nhiễm môi trường, mùi khói nhựa đốt thải ra bay vào khu vực dân cư khiến nhiều người dân đổ bệnh.
Nhận được phản ánh của người dân, ngày 20/8, PV đã mặt tại hiện trường cơ sở tái chế nhựa để ghi nhận thực tế và làm việc với chính quyền xã Suối Cát. Sau khi, báo phản ánh, chính quyền địa phương xã Suối Cát và huyện Cam Lâm đã vào cuộc xử lý, đình chỉ hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cơ sở tái chế nhựa phế liệu trái phép này.